10 doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền mặt 'khủng' với hàng chục nghìn tỷ đồng là ai?

Hà Giang

31/05/2022 12:31

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2022, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang nắm giữ lượng tiền mặt khủng với hàng chục nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến như Hòa Phát, Thế giới di động, Vinamilk, Novaland, FPT.....

cash-is-king-2-1653975085.jpg
 

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2022, bên cạnh Hòa Phát cũng có nhiều doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn trong tay (tiền ở đây bao gồm: tiền mặt, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn).

Theo sau Hòa Phát, có 4 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền trên 1 tỷ USD gồm: Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas, mã: GAS) với 33.696 tỷ đồng; Tổng công ty hàng không Việt Nam (mã: ACV) với 31.252 tỷ đồng; tập đoàn FPT (mã: FPT) với 26.432 tỷ đồng; Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) với 23.364 tỷ đồng.

tien-mat-1-1653907972.png
Nguồn: NĐH

Hòa Phát vẫn được xem là “đại gia” tiền mặt với lượng tiền trị giá lên đến hơn 46.309 tỷ đồng và đây cũng là mức cao chưa từng thấy từ trước đến nay tại Hòa Phát. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, lượng tiền của Hòa Phát đã tăng thêm 5.600 tỷ đồng. 

Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm là việc tập đoàn đang nắm giữa số lượng tiền mặt lớn nhưng vẫn chưa công bố phương án sử dụng. Đồng thời, cũng có cổ đông cho rằng Hòa Phát chưa sử dụng nguồn tiền này một cách hiệu quả.

Trả lời vấn đề này, ban lãnh đạo Hoà Phát khẳng định ưu tiên của tập đoàn là đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn để đầu tư cho dự án Dung Quất 2.

Với quy mô của dự án Dung Quất 2 khoảng 75.000-80.000 tỷ đồng, Hòa Phát chỉ vay 35.000 tỷ đồng. Phần còn lại Hòa Phát cần khoảng 30.000 tỷ đồng. Với lượng tiền mặt hiện có, sau khi chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% thì Hòa Phát có thể phải tăng thêm vay nợ.

Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát cho biết thêm công ty bắt buộc phải có ít nhất khoảng 20.000 tỷ đồng "tiền lỏng" (tiền không thể hoạt động) để luôn đảm bảo khả năng thanh toán và mua nguyên vật liệu cho sản xuất khi cần thiết. 

Mới đây, theo đánh giá của CTCK Mirae Asset khi lạm phát và lãi suất gia tăng, cổ phiếu của những doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt sẽ hưởng lợi.

Theo Mirae Asset, IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế - International Monetary Fund) dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2022 ở mức đáng báo động. Cụ thể, các nước phát triển có CPI (Chỉ số giá tiêu dùng - Consumer Price Index) khoảng 5,7% và các nước mới nổi là 8,7%. Phản ứng của các ngân hàng trung ương khi lạm phát tăng thì lãi suất sẽ tăng theo và cung tiền chậm lại, có thể xem là tác nhân gây giảm giá cổ phiếu.

Tại Việt Nam, số liệu CPI tháng 4 của Việt Nam tăng ở mức khiêm tốn 2,64% so cùng kỳ. Mirae Asset đánh giá CPI của Việt Nam sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu (cũng như lãi suất ngân hàng) sẽ tăng dần lên. Vì vậy, Mirae Asset cho rằng trong bối cảnh lạm phát và lãi suất gia tăng, cổ phiếu của những doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt sẽ hưởng lợi.

Theo dữ liệu cập nhật từ Fiinpro tại ngày 13/05/2022, PVG là doanh nghiệp có tỷ lệ tiền ròng (sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) lớn nhất, lên đến 218,16% mức vốn hóa của doanh nghiệp, tiếp theo là TCH với mức 97,57% và CTD xếp thứ 3 với tỷ lệ 94,31%. Lưu ý, danh sách lọc này không bao gồm các doanh nghiệp tài chính như: ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán.

tien-mat-2-1653908015.PNG
Danh sách lọc 15 cổ phiếu có tiền/vốn hoá lớn nhất không bao gồm các doanh nghiệp tài chính như: Ngân hàng, Bảo hiểm và Công ty chứng khoán

Hà Giang