4 phương pháp nhà quản lý nên biết khi làm việc với đội ngũ nhân viên đa thế hệ

Theo talentnet.vn

13/02/2023 06:40

Khoảng cách thế hệ trong đội ngũ nhân viên tạo ra không ít bài toán nan giải với các nhà quản lý. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể quản lý tốt và khai phá tiềm năng của đội ngũ nhân viên đa thế hệ?

Không thể phủ nhận việc đa thế hệ đóng góp rất nhiều vào hiệu suất công việc, khi mỗi nhóm có kinh nghiệm và hiểu biết riêng trong quá trình làm việc. Hơn nữa, môi trường này tạo ra cơ hội cho việc học hỏi và nuôi dưỡng nhân sự cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đa thế hệ trong môi trường làm việc cũng thường có nguy cơ tạo ra xung đột giữa các nhận viên do sự khác biệt về lối sống, văn hóa ứng xử và đặc biệt là cách xử lý công việc. Để tận dụng tối đa lợi ích của việc đa dạng thế hệ cũng như giảm thiểu các xung đột, dưới đây là một số phương pháp mà các nhà quản lý có thể áp dụng đồng thời và xen kẽ tại doanh nghiệp của mình.

Cung cấp môi trường làm việc thoải mái giao tiếp

Các thế hệ khác nhau có những cách làm việc và giao tiếp không giống nhau. Ví dụ, trong trao đổi công việc, nhu cầu giao tiếp trực tiếp, gián tiếp qua email, điện thoại cũng khác nhau ở mỗi lứa tuổi. Thậm chí, nguyên tắc, chuẩn mực trong giao tiếp cũng là một cách biệt lớn khi các thế hệ trẻ có xu hướng thẳng thắn và bộc lộ quan điểm mạnh mẽ hơn các thế hệ đi trước.

Nhận diện được vấn đề này, nhà quản lý trước tiên cần chấp nhận rằng các nhân viên có nhiều kiểu khác nhau trong truyền tải thông điệp, mong muốn của họ. Từ đó tạo ra đa dạng các kênh tiếp nhận, phản hồi giữa các cấp, đồng cấp để nhân viên có thể cảm thấy mình được phép thoải mái đưa ra ý kiến của mình theo nhiều cách, bao gồm trực tiếp trao đổi, gián tiếp qua các công cụ đánh giá hoặc hay nhắn tin, email trên các phương tiện liên lạc khác. Đặc biệt, nhà quản lý nên tạo cơ hội cho nhân viên đa thế hệ làm việc theo nhóm, điều này giúp đội ngũ nhân sự hiểu cách làm việc và giao tiếp với nhau tốt hơn. Tuy nhiên nhà quản lý cũng cần lưu ý để xuất hiện kịp thời nếu có mâu thuẫn xảy ra.

shutterstock-125338145-1675739763.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Đối xử công bằng, nhưng khác biệt một cách phù hợp

Các thế hệ khác nhau cũng có những nhu cầu và mong muốn khác nhau khi đi làm. Ví dụ, với Gen Z, môi trường làm việc phù hợp là nơi họ có một không gian linh hoạt, thoải mái trong giờ giấc cũng như thể hiện bản thân. Trong khi đó, với nhóm lớn tuổi hoặc có thâm niên, môi trường đó lại cần các nguyên tắc, quy định chặt chẽ, rõ ràng. Tương tự, có những nhóm sẽ muốn được phúc lợi là đào tạo, kỳ nghỉ dài ngày, lương thưởng khi làm tốt công việc, có những đối tượng lại muốn nhận được sự vinh danh công khai và thăng tiến trong công việc.

Vì vậy, với một môi trường đa thế hệ, đối xử giống nhau với tất cả mọi người chưa chắc là một giải pháp công bằng. Mẹo ở đây là đưa ra các khảo sát cho nhân viên của mình để đánh giá được nhu cầu phù hợp theo các nhóm độ tuổi khác nhau. Từ đó bạn có thể đưa ra các hình thức đánh giá, khen thưởng phù hợp.

Linh hoạt và cải thiện phong cách quản lý dựa trên phản hồi của nhân viên

Lắng nghe phản hồi và chỉnh sửa dần cách thức quản lý là một phương pháp hiệu quả để tạo dựng một môi trường đa thế hệ lành mạnh. Mỗi độ tuổi có một kỳ vọng riêng về người quản lý của họ, vì thế phong cách hiện tại của bạn có thể chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định.

Nhà quản lý có thể chia nhân viên theo nhân khẩu học và yêu cầu họ đưa ra hình mẫu nhà quản lý mà họ mong muốn. Dựa trên kết quả khảo sát, tìm xem đâu là điểm chung và đâu là sự khác biệt để tạo ra một hình tượng chung cho đại đa số mong muốn, đồng thời phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi chú những sự khác biệt về hình mẫu, xây dựng thành Do&Don’t (nên và không nên) khi giao tiếp với các nhóm nhân sự khác nhau.

Tạo các cơ hội hòa nhập văn hóa

Song song với các giải pháp liên quan đến công việc, chăm sóc đời sống văn hóa cho đội ngũ đa thế hệ cũng là một phương pháp mà các nhà quản lý cần nắm vững. Nên tận dụng tối đa các cơ hội để đội ngũ có cơ hội tương tác với nhau bên ngoài công việc. Ví dụ như các buổi du lịch dã ngoại, các buổi tiệc ăn mừng thành tựu hay các hoạt động bonding nói chung. Đây là cơ hội để các thành viên có thể hiểu về văn hóa, góc nhìn, quan điểm sống hay cách hành xử của đồng nghiệp cũng như hòa giải các hiềm khích trong công việc.

Nếu chưa thực sự biết bắt đầu từ bước nào trong 4 điều trên, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, để hiểu hơn về đội ngũ nhân sự đa thế hệ của mình và cách thức giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

 

Theo talentnet.vn