41 thương vụ M&A tổng trị giá 3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, ngành tài chính và tiêu dùng dẫn sóng

Theo DN Niêm Yết

11/11/2021 14:58

VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho đại gia Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMBC) là thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021.

vpbank-2-1636617350.png

Thương vụ VPBank bán 49% vốn tại FE Credit trị giá 1,4 tỷ USD. 

Theo thống kê của hãng luật White & Case, trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 41 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp với tổng giá trị 3,01 tỷ USD. Nếu hoạt động M&A trong quý IV tiếp diễn với tốc độ tương đương với ba quý đầu, quy mô các thương vụ trong cả năm 2021 sẽ vượt qua năm 2020.

Kết quả khả quan trong 9 tháng vừa qua đạt được chủ yếu nhờ vào quý II sôi động với 19 thương vụ, mức cao nhất hàng quý theo thống kê của Mergermarket. Tổng giá trị M&A quý II đạt 2,5 tỷ USD, con số cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau mức 5,2 tỷ USD của quý IV/2017.

Thị trường M&A lắng xuống trong quý III do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt. Tuy nhiên sang tháng 10, các biện pháp giãn cách đã dần được gỡ bỏ. White & Case cho rằng hoạt động sản xuất bị dồn nén từ các tháng trước sẽ giúp nền kinh tế hồi phục nhanh chóng trong thời gian tới.

4026-dyn-song-2
 

 

Tài chính và tiêu dùng dẫn đầu thị trường M&A

Các thương vụ trong 9 tháng đầu 2021 cũng trải rộng trên nhiều lĩnh vực tương tự như với năm 2020.

Thương vụ lớn nhất ba quý vừa qua là việc Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản chi 1,4 tỷ USD để mua 49% vốn tại công ty tài chính FE Credit từ tay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB).

Thương vụ này nằm trong kế hoạch của SMBC nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tại châu Á. FE Credit hiện nay đang nắm giữ khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng của Việt Nam.

Một thương vụ khác cũng trong ngành tài chính là việc ngân hàng Bank of Ayudhya của Thái Lan chi 69 triệu USD mua lại SHB Finance từ tay Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB). Thương vụ này sẽ giúp ngân hàng đến từ Thái Lan tiếp cận khoảng 200.000 khách hàng của SHB Finance, giúp mở rộng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á.

Tổng cộng, ngành tài chính nước ta ghi nhận giá trị M&A trong 9 tháng đầu năm nay đạt 1,47 tỷ USD. Nhờ thương vụ SMBC mua FE Credit, Nhật Bản nổi lên là người mua lớn nhất trên thị trường M&A của Việt Nam.

4052-dyn-song-3
 

 

Đứng ngay sau ngành tài chính, lĩnh vực tiêu dùng cũng có 6 thương vụ với tổng trị giá khoảng 820 triệu USD.

Thương vụ sáp nhập giữa GTNFoods và Vilico trị giá 203,5 triệu USD là giao dịch trong nước (không có người mua nước ngoài) lớn nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Thương vụ này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) và sẽ giúp Vilico gia tăng hoạt động trên thị trường chăn nuôi và chế biến thịt tại Việt Nam.

GTNFoods (Mã: GTN) sẽ hủy niêm yết và chuyển giao toàn bộ quyền kiểm soát tài sản cho Vilico.

Xét theo số thương vụ, lĩnh vực công nghiệp và hóa chất dẫn đầu với 7 giao dịch trong ba quý, nhiều hơn con số cả năm 2020.

Thương vụ lớn nhất phải kể đến là Sunji Electronic của Hàn Quốc mua lại công ty sản xuất linh kiện điện tử Bangjoo Hi-Tech với giá 47,7 triệu USD. Mặc dù hoạt động kinh tế bị gián đoạn vì đại dịch, Việt Nam vẫn là một trung tâm sản xuất điện tử lớn của thế giới.

Năm 2015, xuất khẩu hàng điện tử mang về cho nước ta 47,3 tỷ USD, năm 2020 con số tăng lên thành gần 92 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu điện tử là 77,6 tỷ USD, tổng cả năm có thể đạt 97-100 tỷ USD.

Thương vụ vốn tư nhân (PE) lớn nhất 9 tháng đầu năm nay là việc nhóm nhà đầu tư do Alibaba Group và Baring Private Equity Asia dẫn đầu mua 5,5% cổ phần của CrownX - công ty bán lẻ thuộc Tập đoàn Masan (Mã: MSN). Giá trị của thương vụ là 400 triệu USD.

Triển vọng tươi sáng trong quý IV

White & Case dự báo những ngành tăng trưởng nhanh như tài chính tiêu dùng, điện tử và bán lẻ sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý từ các đối tác chiến lược cũng như người mua nhỏ hơn. Vì vậy, cơ hội M&A trong quý cuối năm 2021 sẽ là rất lớn.

Việc các biện pháp giãn cách được nới lỏng trong tháng 10 và chiến dịch tiêm chủng tiếp tục được đẩy mạnh sẽ củng cố quá trình hồi phục của kinh tế Việt Nam.

Vì tác động của dịch đợt 4 do biến chủng Delta gây ra, GDP quý III đã tăng trưởng âm. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 9 đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam cả năm nay từ 6,7% còn 3,8%. Dù vậy, tốc độ này vẫn lớn hơn mức bình quân 3,1% của khu vực Đông Nam Á.

Theo DN Niêm Yết