Bầu Thụy ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT LienVietPostBank

Mai Ngọc

09/12/2022 15:25

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank), sau cuộc họp định kỳ của Hội đồng quản trị (HĐQT) tháng 12, thì ông Nguyễn Đức Thụy (còn gọi là Bầu Thụy) đã được bầu ngồi vào ghế chủ tịch.

Theo đó, ông Thụy sẽ bắt đầu công việc với cương vị là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank từ ngày 9/12. Trước đó, ông Huỳnh Ngọc Huy đã xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank vì lý do cá nhân.

Được biết, ông Nguyễn Đức Thụy (SN 1976) tốt nghiệp Trường Đại học Bang Colorado (Colorado State University) của Mỹ. Trước khi ngồi vào ghế nóng ở ngân hàng Liên Việt, ông Thụy đã từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT của nhà “bank” này.

Bên cạnh đó, ông Thụy từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính chứng khoán đến thể thao, xi măng, năng lượng…

Cụ thể, từ năm 2006, ông Thụy đã là Chủ tịch HĐQT Xuân Thành Group. Đến năm 2011, ông là Chủ tịch CLB Bóng đá Sài Gòn Xuân Thành và Chủ tịch Công ty Chứng khoán Xuân Thành.

Trong giai đoạn 2012-2013, ông Thụy tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Xuân Thành Hà Nam và Công ty Xi măng Xuân Thành Quảng Nam.

318011578-1321556125285498-5290300887212656828-n-1670574217.jpeg
Ông Nguyễn Đức Thụy sẽ làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt từ ngày 9/12.

Năm 2016, ông Nguyễn Đức Thụy cũng chính là vị đại gia chi hơn nghìn tỷ đồng để mua lại phần lớn cổ phần tại Công ty CP Kim Liên - chủ sở hữu Khách sạn Kim Liên Hà Nội. Ông Thụy sau được được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Liên.

Giai đoạn 2017-2018, vị đại gia Ninh Bình này còn đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Công ty Điện Mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận, Điện Mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk.

Từ năm 2019, ông là Chủ tịch Tập đoàn Thaiholdings. Hiện tại, hai doanh nghiệp nổi bật nhất gắn với tên tuổi ông Thụy chính là Thaiholdings và Thaigroup - chủ sở hữu hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam.

Hiện tại, ông Thụy cùng người thân và các công ty liên quan cũng đang là nhóm cổ đông lớn tại LienVietPostBank.

Đối với LienVietPostBank, thì ngân hàng này thuộc nhóm tầm trung nếu xét về quy mô tài sản và dư nợ cho vay tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, xét về quy mô thì LienVietPostBank lại thuộc nhóm lớn nhất khi có chi nhánh, phòng giao dịch với hơn 1.000 điểm bán trên toàn quốc. Trong đó, ngân hàng này sở hữu 561 chi nhánh, phòng giao dịch cùng 573 phòng giao dịch tại các bưu điện địa phương.

Về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt hơn 4.822,3 tỷ đồng, tăng 72% so với 9 tháng đầu năm 2021. Lãi sau thuế đạt hơn 3.842,3 tỷ đồng.

Dù là chỉ sau 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư của nhà băng này lại âm tới hơn 2.737,5 tỷ đồng. 

Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank tính đến ngày 30/6/2022 âm hơn 2.592 tỷ đồng; Dòng tiền hoạt động đầu tư âm 145,2 tỷ đồng; Tuy nhiên nhờ dòng tiền hoạt động tài chính dương gần 3.000 tỷ đồng nên dòng tiền thuần của LienVietPostBank dương 262,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 313.480 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9% đạt gần 227.944 tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng đạt hơn 193.533 tỷ đồng, tăng 7,3%.

Cùng đó, tổng nợ xấu của LienVietPostBank đạt mức 3.190 tỷ đồng, tăng 11,4% so với hồi đầu năm.

Trong đó, nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 24,7% lên mức hơn 574 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) giảm 24,5% xuống mức 807,5 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng 35,6% lên mức 1,808,4 tỷ đồng, chiếm gần 56,7% tổng nợ xấu của LienVietPostBank.

Mai Ngọc
Bạn đang đọc bài viết "Bầu Thụy ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT LienVietPostBank" tại chuyên mục Nhân vật.