Bù lỗ trăm tỷ mỗi năm, các ngân hàng tăng phí SMS Banking gấp 5-7 lần để thu hồi vốn?

Duy Nhi

21/02/2022 19:47

Sau khi đồng loạt tuyên bố miễn phí chuyển khoản ngân hàng vào đầu năm 2022, các ngân hàng giờ lại gây bất ngờ với khách hàng bằng cách tăng phí SMS Banking lên gấp 5-7 lần. Và thậm chí có ngân hàng nói rằng họ đã phải bù lỗ trăm tỷ mỗi năm trước khi tăng giá.

Phí SMS Banking lên đến 50.000-70.000 đồng/tháng

Gần kết thúc tháng 2, nhiều khách hàng tỏ ra ngạc nhiên vì tài khoản bị trừ đến 70.000 phí SMS Banking.

“Tôi không nghĩ là loại phí dịch vụ này cao đến như vậy,” chị Ngọc Hà, 35 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. “Mức này thậm chí còn cao hơn hẳn tổng phí dịch vụ SMS Banking, Mobile Banking, và Internet Banking cộng lại trước kia. Hồi đó, nếu trong tháng không phát chuyển khoản, thì hàng tháng tôi chỉ trả có hơn 30.000 đồng.”

Từ cuối năm 2021, các ngân hàng đã phát đi thông báo điều chỉnh phí dịch vụ tin nhắn biến động số dư. Nhưng phải đến kỳ thanh toán phí dịch tháng 1 năm nay, nhiều khách hàng mới chú ý đến chính sách thu phí này.

Vietcombank thay đổi từ mức cố định 10.000 đồng/tháng thành 10.000 đồng nếu nhận dưới 20 tin nhắn; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn tính phí 25.000 đồng; từ 50 đến dưới 100 tin nhắn là 50.000 đồng và từ 100 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng.

nh-4-16572710-1645442022.jpeg

Tương tự, BIDV cũng thay đổi biểu phí 9.000 đồng/tháng thành 9.000 đồng với 0-15 tin nhắn, 30.000 đồng với 16-50 tin nhắn, 55.000 đồng với 51-100 tin nhắn, và 70.000 đồng với 101 tin nhắn trở lên.

Ngân hàng nói ‘phải bù lỗ trước khi tăng phí’

Trả lời báo chí, một ngân hàng cho biết họ đã phải gánh lỗ mảng dịch vụ này vì từ lâu các nhà mạng đã tăng cước tin nhắn từ lâu.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng đã cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. MobiFone và VinaPhone đang thu 820 đồng/SMS giao dịch tài chính, 500 đồng/SMS quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel thu phí có phần thấp hơn là 785 đồng/SMS giao dịch tài chính từ năm 2019.

Như vậy, một ngân hàng cỡ nhỏ với khoảng 15-20 triệu SMS phải trả khoảng 7,5-9 tỷ đồng/tháng cho nhà mạng. Trong khi đó, với một ngân hàng tầm trung, số lượng tin nhắn thường rơi vào khoảng 50-80 triệu SMS/tháng, vậy số tiền phải trả lên đến 25-40 tỷ đồng/tháng.

Với trường hợp của BIDV, lượng SMS gửi khách hàng tăng theo từng năm (365,58 triệu tin năm 2017; 473,62 triệu tin năm 2018 và 635,48 triệu tin năm 2019). Riêng 5 tháng đầu năm 2020 là 320,38 triệu SMS.

Nhà băng cho biết đã phải bù lỗ đến 500 tỷ đồng cho dịch vụ này, mức bù các năm trước cũng lên đến vài trăm tỷ.

Từng khẳng định là ‘nguồn thu quan trọng’

Lời giải thích của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có phần không ăn khớp với chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng trước kia.

Cụ thể, trang Zing đã dẫn lời một phó tổng giám đốc ngân hàng tại thời điểm miễn phí chuyển khoản cho biết: trước đây phí giao dịch nói (bao gồm SMS Banking) là một trong những nguồn thu quan trọng của các nhà băng. Dù số hoá hoạt động đã giúp chi phí này giảm đi, nhưng việc miễn phí giao dịch cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận bù lỗ.

tien-gui-1645442022.jpeg

Theo đó, đằng sau kế hoạch miễn phí dịch vụ là mục tiêu nhắm vào nguồn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn có lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 0,1-0,2%/năm.

“Có thêm nhiều khách hàng, ngoài việc tăng số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ngân hàng có thể bán thêm nhiều sản phẩm hơn cho một khách hàng và bán một sản phẩm cho nhiều khách hàng hơn. Khi đó, lợi nhuận chắc chắn sẽ tốt hơn”, vị lãnh đạo ngân chia sẻ, theo Zing.

Không dễ thu hút tiền gửi

Trên thực tế, việc thu hút dòng tiền gửi lại không hề dễ dàng khi lãi suất ngân hàng từ năm 2020 có xu hướng giảm mạnh, khoảng 5,5-5,6%/năm trong khi lãi suất tại các fintech có thể lên đến 8%. Điều này đã phần nào khiến ngân hàng không còn là một kênh đầu tư hấp dẫn và nhiều người dân có xu hướng rút tiền tiết kiệm của mình và chuyển sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, chẳng hạn như chứng khoán.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng tiền gửi cư dân (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng đạt gần 5,277 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.400 tỷ đồng so với mức ghi nhận cuối tháng 10.

Trong khi đó, Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy đến 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong năm 2021. Đây là con số kỷ lục và cao gấp rưỡi tổng số mở mới của 4 năm liền trước.

Riêng tháng 12, số lượng tài khoản mở mới là 226.580. Trong đó, nhóm cá nhân mở mới đến 226.390 tài khoản và các tổ chức mở thêm 190 tài khoản.

Duy Nhi