Các doanh nghiệp F&B trả mặt bằng hàng loạt, giá bất động sản bán lẻ sẽ tụt dốc?

Duy Nhi

13/10/2021 16:49

Dưới sức ép tài chính khủng khiếp suốt gần 2 năm, nhiều ông lớn ngành F&B dần tỏ ra đuối sức khi quyết định trả mặt bằng của nhiều cửa hàng chi nhánh khắp cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM.

kem-fanny1-1634045684.jpgTNC sẽ sẽ chuyển nhượng toàn bộ tài sản tại Công ty CP Fanny Việt Nam. Ảnh: Fanny.

 

Mới đây, Công ty CP Fanny Việt Nam, đơn vị sản xuất và kinh doanh kem Fanny phát thông báo tìm đối tác chuyển nhượng tất cả tài sản, bao gồm cả thương hiệu kem, một số thương hiệu F&B khác và nhà máy sản xuất kem.

Đây là công ty con của Công ty CP Hàng tiêu dùng TNC, một thành viên của Tập đoàn TNG Holdings Vietnam.

Ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc TNC cho biết nguyên nhân là tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, trong thời gian tới, Tập đoàn TNG sẽ không đầu tư mạnh cho mảng bán lẻ mà tập trung vào ngành bất động sản và năng lượng. Hiện TNG hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, thương mại và dịch vụ, khách sạn - resort, năng lượng, nông nghiệp đến tài chính - ngân hàng.

Theo định hướng cơ cấu này, TNC sẽ chuyển nhượng thương hiệu kem Fanny và một số thương hiệu F&B khác thuộc Công ty Fanny Việt Nam. Với mảng F&B, TNC có nhiều thương hiệu khá nổi tiếng như dòng nước uống La’Pure, Apilo - kem Italy, Shalala - kem Pháp cho giới trẻ, Bonheur Deli - bánh Pháp cao cấp,... Còn chuỗi cửa hàng tiện ích Family Mart, theo ông Vũ, chưa có kế hoạch thay đổi đơn vị chủ quản tại Việt Nam.

Mặc dù ông Lê Quang Vũ nhấn mạnh những tác động của đại dịch Covid-19 chỉ là một trong nhiều lý do dẫn đến quyết định này, động thái chuyển nhượng của Fanny xuất hiện cùng lúc nhiều thương hiệu F&B khác thu hẹp quy mô cũng cho thấy sự "đuối sức" của các doanh nghiệp trong ngành.

Hơn một tháng trở lại đây, thị trường đã chứng kiến nhiều cửa hàng ở vị trí đắc địa như Starbuck Rex đường Nguyễn Huệ hay The Coffee House đường Phạm Ngọc Thạch đành phải ngậm ngùi đóng cửa sau nhiều tháng cầm cự suốt 4 đợt bùng phát dịch.

“Việc đóng cửa cơ sở nằm trong lộ trình phát triển của chuỗi. Đây cũng là một trong những động thái nhằm tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch. Mình đã cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn lực cho những chuyển đổi mới,” tờ Zing trích dẫn lời của CEO The Coffee House Lê Bá Nam Anh.

Trong khi đó, với trường hợp đóng cửa của Starbucks, bà Partricia Marques, tổng giám đốc của Starbucks Việt Nam cho biết mặc dù ở khu vực trung tâm nhưng hiệu quả kinh doanh lại không như kỳ vọng.

“Các vấn đề đã xuất hiện từ một năm sau khai trương, khi đường Lê Lợi bị đóng lại để xây dựng tuyến metro. Quá trình thi công kéo dài nhiều năm hơn dự kiến, không tốt cho chúng tôi. Từ năm ngoái, chúng tôi đã mất thêm nhiều khách du lịch do chính sách đóng cửa du lịch khắp thế giới,” bà Marques cho biết.

Tương tự, chuỗi Soya Garden hồi tháng 5 cũng đã đóng cửa hàng biểu tượng của mình tại TP.HCM và chỉ giữ lại 8 cửa hàng ở Hà Nội.

Đối với ngành F&B, đặc biệt là những thương hiệu nhượng quyền, vị trí cửa hàng là một trong những điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công của thương hiệu. Tuy nhiên, kèm theo đó là giá thuê mặt bằng cao ngất ngưỡng.

Nhớ lại hơn hai năm về trước, Phúc Long từng từ bỏ vị trí mặt bằng đắc địa tại ngã 6 Phù Đổng (Quận 1, TP.HCM) vì không thể cạnh tranh về giá thuê. Tại thời điểm đó, Soya Garden đã giành lấy vị trí này với giá thuê là 25.000 đô la Mỹ/tháng (tương đương 575 triệu đồng), trong khi giá thuê trước đó của Phúc Long là 14.000 đô la Mỹ/tháng (322 triệu đồng).

Dữ liệu từ Savills năm 2019 cho thấy giá thuê mặt bằng tại các “phố trà sữa” như Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Phan Xích Long, ngã 6 Phù Đổng dao động từ 6.000-20.000 đô la Mỹ/tháng. Với các thương hiệu nổi tiếng, giá thuê có thể tăng đến 50%-100%.

starbuck-rex-1634034275.jpgBên trong Starbuck Rex

Giá bất động sản bán lẻ sẽ giảm mạnh?

Colliers Việt Nam – đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cho biết các đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 đã khiến thị trường bán lẻ gặp phải khó khăn lớn trong thời gian qua khi các trung tâm thương mại lớn buộc phải đóng cửa và nhà phố chịu sự đìu hiu, vắng vẻ do khách thuê không thể trụ vững trước dịch bệnh.

Tại TP.HCM, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 3,1 triệu đồng/m2/tháng còn 2,64 triệu đồng/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình khoảng 1,5%.

Giá thuê trung bình ở khu vực ngoài trung tâm có mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 805.000 đồng/m2/tháng còn 563.000 đồng/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.

Tương tự như ở TP.HCM, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội cũng giảm nhẹ trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh. Cụ thể, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ gần 2,5 triệu đồng /m2/tháng còn 2,25 triệu đồng/m2/tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%.

Khu vực ngoài trung tâm giá thuê giảm với tỷ lệ trống trung bình khoảng 14.5%.

Về phân khúc nhà phố cho thuê, do tiềm lực của khách thuê nhà phố không mạnh như khách thuê tại khu trung tâm thương mại, do đó mức giảm giá thuê mặt bằng nhà phố giảm mạnh hơn so với giá thuê trung tâm thương mại.

Theo Colliers, tại cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ ít nhất 20-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh.

Chuỗi nhỏ lẻ sẽ hưởng lợi?

Tờ Zing cho biết một vài chuỗi cà phê nhỏ lẻ như Guta Coffee, Cheese Coffee, và Chuk Chuk đã bắt đầu đẩy mạnh việc tìm kiếm vị trí mặt bằng để mở những cửa hàng signature cho riêng mình.

“Trước đây khoảng vài nghìn đô la Mỹ tiền thuê cho vị trí đẹp ở trung tâm, thì hiện nay chỉ còn khoảng phân nửa,” đại diện của Chuk Chuk chia sẻ.

Mặc dù vậy, những áp lực như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt nhân sự, hay nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm vẫn sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp F&B trong thời gian tới.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt năm tới và những năm sau đó, cho nên cơ hội phục hồi ngành F&B có lẽ phải còn chờ đợi rất nhiều.

Duy Nhi