Cách quản lý dòng tiền – nhìn từ câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh

Đỗ Ngọc Hùng

25/05/2021 16:33

Chuyện nghệ sĩ hài Hoài Linh kêu gọi người dân đóng góp hơn 13 tỷ đồng để hỗ trợ bà con miền Trung trong trận lũ lụt lịch sử năm 2020, nhưng đến nay chưa kịp chuyển số tiền ấy đến bà con vùng lũ đang dấy lên những chỉ trích và phần nhiều cho rằng nghệ sĩ hài này đã có lỗi, vô tâm, thiếu trách nhiệm. Bài viết này không phân tích đúng sai nhưng muốn tiếp cận ở góc nhìn của vấn đề quản lý dòng tiền trong câu chuyện này. 

Dĩ nhiên, Hoài Linh cũng lên báo để giải thích rằng, do Covid 19 nên chưa đi được chứ không muốn đánh đổi 30 năm làm nghề để lấy số tiền hơn 13 tỷ này.  Theo góc nhìn của mỗi người, bạn có thể ủng hộ hoặc không trong câu chuyện lùm xùm này. Bài viết này không phải để nói hộ cho ai mà muốn bàn thêm ở một góc độ khác – kỹ năng quản lý dòng tiền.

hinhchinhhlinh-1621933885.jpeg
Nghệ sĩ Hoài Linh giải thích vì sao mình chậm đưa tiền hỗ trợ cho người dân miền Trung là do ảnh hưởng của Covid 19. Ảnh: Thanh Niên

Trong một nền kinh tế, người ta nói Ngân hàng là huyết mạch của quốc gia vì chỉ cần một lý do nào đó, ngân hàng chậm trong việc đưa tiền vào lưu thông, ví như vào cuối tuần, ngân hàng đóng cửa không làm việc nhưng hàng chục máy ATM không thể chi tiền thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng triệu doanh nghiệp, hộ gia đình trong thời điểm đó.

Chuyện nghệ sĩ Hoài Linh, dù có giải thích như thế nào thì nhiều người vẫn không chấp nhận được lý do dịch Covid 19 nên không thể đi trao. Ở một góc độ nào đó, nhiều người phản đối Hoài Linh vì họ hiểu, nước xa không cứu được lửa gần, ý là lúc bị bão lụt, cái người dân miền Trung cần là có nguồn tài chính để ổn định cuộc sống, đằng này, Hoài Linh lại “để trong ngân hàng” mà không biết khi nào sẽ đưa đi cứu trợ.

cuutro-ttxvn-1621929042.jpg
Cơ quan chức năng đang đưa thưc phẩm cứu trợ người dân miền Trung trong trận lụt lịch sử 2020. Ảnh: TTXVN.

Chuyện tranh cãi mấy ngày qua có thể sẽ không xảy ra nếu Hoài Linh có một người làm quản lý cho dự án - Cứu trợ miền Trung để phân phối số tiền ủng hộ của người dân qua tài khoản của mình.

Nhiệm vụ người quản lý dự án này, đầu tiên là liên lạc với chính quyền để hỏi thăm, xin thông tin và liên lạc, cuối cùng, tổ chức để đưa tiền đến tận tay người dân. Rất nhiều việc mà một người không có những kỹ năng cần thiết không thể làm được. Đó là khó khăn của người làm từ thiện theo “cảm hứng” vì nếu dễ thì tại sao một số Trường đại học, ngành Công tác xã hội phải được đào tạo bài bản trong 4 năm học. 

Người viết bài cũng từng tổ chức chương trình quyên góp sách, vở cho các em miền Trung trong trận lụt 2020 vừa qua. Kết quả, sau hơn 2 tuần nhận quyên góp sách, vở từ người thân, bạn bè, người viết mất khá nhiều thời gian, đầu tiên phải tìm kiếm các công ty vận chuyển sách vở từ TPHCM ra miền Trung. Tiếp theo, qua bạn bè ở quê để hỏi thông tin xem ở vùng nào bị lũ nặng, trường nào cần sách. Có thông tin ban đầu rồi, lại tiếp tục cũng cuộc gọi để hỏi thăm xem những trường này có cần sách nữa hay không..., rất nhiều việc phải làm cho một dự án nho nhỏ ấy. Bây giờ hãy hình dung ra, một cá nhân nào đó có hơn 13 tỷ đồng để làm từ thiện thì phải tính toán chia cho bao nhiêu người, ở đâu, liên lạc thế nào, cần bao nhiêu người hỗ trợ… là một việc cần nhiều thời gian, công sức.

Kể ra để thấy, việc nghệ sĩ dùng uy tín cá nhân để kêu gọi từ thiện nhưng làm sao để có thể đưa số tiền này đến tận tay người dân là một câu chuyện khác, đòi hỏi người nghệ sĩ ấy phải có được một người quản lý được chuyện làm từ thiện này. Vì chính không biết cách quản lý dòng nên thời gian qua mới có chuyện người dân ủng hộ nghệ sĩ làm từ thiện rồi sau đó quay ra chỉ trích chính người nghệ sĩ ấy. Tất cả những điều này, quy cho cùng cũng là sự thiếu minh bạch thông tin.

Mong rằng, sau câu chuyện của Hoài Linh hôm nay, nhiều nghệ sĩ khác khi kêu gọi tài trợ phải có một người đủ khả năng để quản lý dòng tiền tài trợ này. Và trước khi kêu gọi ủng hộ từ thiện, các nghệ sĩ cũng nên có những thông tin về nơi làm từ thiện, giao cho ai, khi nào giao. Ví dụ như, tôi - Nghệ sĩ A, tính về huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình làm từ thiện cho 5 xã vùng cao, trong đó, mỗi xã cần 500 triệu để mua thực phẩm, thuốc men, đồ dùng học tập. Cùng với đó là thông tin những cá nhân tại các địa phương mà nghệ sĩ ấy muốn đến để tạo lòng tin.

Về phần người dân, thời gian tới, khi nghe một nghệ sĩ nào đó kêu gọi ủng hộ từ thiện, trước khi chuyển tiền cần hỏi lại nghệ sĩ ấy rằng - anh, chị có phương án dùng tiền cứu trợ như thế nào?

Có như vậy, chuyện làm từ thiện mới ít nhiều tránh được thị phi như thời gian qua.