'Cha đẻ' gạo ST25 đăng ký nhãn hiệu mới ở Mỹ

BTV

09/05/2021 09:34

Doanh nghiệp Hồ Quang Trí vừa nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" tại Mỹ và vẫn tiếp tục theo đuổi khiếu nại với nhãn hiệu "ST25".

Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cho biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ Quang Trí, trụ sở 196 đường Tỉnh lộ 8, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, Việt Nam đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu Gạo ông Cua.

Nhãn hiệu có dấu hiệu nhận biết là hình ảnh một người đàn ông đeo kính quay mặt về phía bên phải (gương mặt ông Hồ Quang Cua) bên cạnh là bông lúa và dòng chữ "Gạo ông Cua" ở bên trái. Trong hồ sơ đăng ký hiển thị trên trang USPTO, không có bất cứ mô tả, cụm từ nào về "ST25", "Gạo ngon nhất thế giới".

Thông tin về nhãn hiệu mới của nhà ông Hồ Quang Cua trên USPTO.

Thông tin về nhãn hiệu mới của nhà ông Hồ Quang Cua trên USPTO.

Đơn đăng ký nhãn hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận. Hồ sơ sẽ được chuyển cho bộ phận thẩm định khoảng 3 tháng sau ngày nộp đơn, cơ quan này cho biết.

Gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.

ong-ho-quang-cua-1620527576.jpg
Kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống gạo ST25.

Nhận định về vụ việc này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - cho hay, tương tự ở Mỹ, việc nhãn hiệu gạo ST24, ST25 bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Australia không phải là mới.

Về bản chất, đây là hiện tượng chiếm đoạt hay tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) về nhãn hiệu thương mại sản phẩm giữa chủ sở hữu thực sự và các chủ sở hữu đã chiếm quyền đăng kí bảo hộ.

Nguyên nhân là do bên cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu đã ý thức được việc bảo vệ quyền SHTT, thương hiệu sản phẩm của mình trên các thị trường xuất khẩu, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức rõ vai trò của việc bảo vệ quyền SHTT như là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Việc chậm trễ trong đăng ký bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm thế mạnh, có chất lượng của Việt Nam tại nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều nguồn lực để giành lại.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến việc đăng kí bảo hộ sở hữu quyền SHTT cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn là do thủ tục phức tạp, chi phí cho việc thuê luật sư ở nước sở tại, sắp xếp cho cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký, và nhiều chi phí tìm hiểu và khảo sát thị trường... khá tốn kém.

 

BTV