Chân dung người nắm Quyền CEO Bách Hóa Xanh thay Chủ tịch Nguyễn Đức Tài

Hà Giang

09/04/2023 18:39

Ông Phạm Văn Trọng – người nắm Quyền CEO Bách Hóa Xanh mới được bổ nhiệm đã có hơn 18 năm gắn bó với MWG.

recap-dhdcd-the-gioi-di-dong-he-lo-chan-dung-nguoi-nam-quyen-ceo-bach-hoa-xanh-thay-chu-tich-nguyen-duc-tai-1680944304.png  

Ngày 8/4, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) đã tổ chức ĐHĐCĐ năm 2023. Tại đại hội, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã hé lộ thông tin về chân dung người nắm Quyền CEO Bách Hóa Xanh để dẫn dắt chuỗi này hướng về tương lai.

Theo đó, người được chọn là ông Phạm Văn Trọng. Ông Trọng sinh năm 1979, trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Toán – Tin tại Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM.

Về quá trình làm việc, ông Trọng gia nhập MWG từ năm 2004 với vị trí Trưởng phòng Công nghệ Thông tin. Như vậy tính đến nay, ông Trọng đã có hơn 18 năm gắn bó với MWG.

Xem thêm: Sau hơn 1 năm dẫn dắt và cải tổ toàn bộ mọi thứ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, chuỗi Bách Hóa Xanh giờ ra sao? Bách Hóa Xanh đã "tiêu hủy" 400 cửa hàng, chuẩn bị lấy lại những gì đã mất bằng việc có lãi ngay trong quý 4

Trước khi gia nhập đội ngũ lãnh đạo của Bách Hóa Xanh với vai trò Giám đốc khối Vận hành từ năm 2019, ông từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc khối CNTT của MWG. Tại ĐHĐCĐ lần này, ông Trọng chính thức được bổ nhiệm Quyền Giám đốc Điều hành Bách Hóa Xanh.

he-lo-chan-dung-nguoi-nam-quyen-ceo-bach-hoa-xanh-thay-chu-tich-nguyen-duc-tai-dan-dat-chuoi-nay-huong-ve-tuong-lai-1680939707.png  

Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, ông Trọng là người nắm quyền CEO đầu tiên mà MWG bổ nhiệm và ông sẽ làm việc không lương cho đến khi tình hình có hiệu quả.

Phát biểu tại Đại hội, người nắm Quyền CEO Bách Hóa Xanh đã chia sẻ về những hành động lớn của chuỗi này trong năm 2023.

Đầu tiên là dịch chuyển mọi suy nghĩ, hành động hướng đến mục tiêu cốt lõi “khách hàng là số 1”. Thứ 2, tập trung phát triển ngành hàng tươi sống để biến BHX thành điểm đến chính của những người nội trợ. Thứ 3, xây dựng nền tảng vận hành, chuỗi cung ứng cho thực phẩm tươi để chuẩn bị cho mở rộng hệ thống cửa hàng.

Thứ 4, cam kết đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đề ra và từng bước nâng cao thu nhập của nhân viên. Cuối cùng, hướng BHX online trở thành trang thương mại điện tử ngành hàng tiêu dùng số 1 tại Việt Nam.

Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược làm thế nào để Bách Hóa Xanh thu hút khách, ông Trọng cho biết về cơ bản để thu hút khách hàng, Bách Hóa Xanh cần chất lượng và chuỗi này sẽ tiếp tục làm như vậy để giữ chân được khách hàng. Ngoài ra, ông Trọng cũng cho biết thêm, BHX đang ứng dụng mô hình nước ngoài về chuỗi cung ứng, tuy nhiên sau một thời gian thì chuỗi này nhận thấy cần phải thay đổi cách làm để giảm chi phí vận hành.

Trước đó, theo tài liệu công bố tại ĐHĐCĐ, phía công ty cho biết năm nay chuỗi Bách Hoá Xanh dự kiến tiếp tục tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng, trong đó tập trung vào 3 yếu tố gồm: (i) tăng giá trị giỏ hàng, (ii) tăng tần suất mua hàng của các khách hàng hiện hữu và (iii) tăng lưu lượt khách hàng mới (traffic) từ kênh chợ và siêu thị.

Đồng thời sẽ thay đổi cách thức vận hành kho vận vừa giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm hao hụt, hủy hàng tươi sống tạo dư địa tăng biên lợi nhuận gộp, vừa giúp cải thiện hiệu suất logistics.

MWG tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số và nỗ lực đạt điểm hoà vốn vào cuối năm với chuỗi Bách Hoá Xanh.

Năm nay, MWG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 135.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 4.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 1% và 2% so với kết quả năm 2022. Mục tiêu này được Thế Giới Di Động đưa ra dựa trên đánh giá tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023.

MWG cho biết theo ghi nhận sơ bộ trong những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự kiến của công ty.

Nguyên nhân là bởi nhóm khách hàng trung cao cấp đang có tâm lý thận trọng và trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.

Theo MWG, không chỉ đối với các sản phẩm điện thoại và điện máy, mà với các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, người tiêu dùng cũng có xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

Hà Giang