Chân dung những 'phù thủy' tài chính mang hàng tỷ USD vốn ngoại về cho Vingroup và Masan

Diệu Quang

12/08/2021 15:41

Vingroup và Masan đã huy động được hàng tỷ USD từ hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ này là những nhà quản lý đầy kinh nghiệm từng làm việc ở phố Wall và các định chế tài nước ngoài, vốn được ví như 'phù thủy' trong lĩnh vực tài chính. Họ là ai?

Vingroup và Masan là hai tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam với quy mô tài sản liên tục mở rộng trong những năm qua. Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn từ dòng vốn hàng tỷ USD huy động được từ thị trường quốc tế. Đồng thời, những đợt huy động vốn trên cũng cho thấy khả năng làm tài chính xuất sắc của Ban điều hành hai tập đoàn với công lớn thuộc về Tổng Giám đốc và Giám đốc Tài chính - những bộ óc tài năng trong ngành tài chính Việt Nam.

Những thương vụ tỷ USD của Vingroup và dấu ấn hai đời Tổng Giám đốc

Giai đoạn 6 năm (2013 – 2019), Vingroup và các công ty con đã huy động được tới 7,6 tỷ USD vốn ngoại thông qua 17 giao dịch.

Trong đó, thương vụ huy động vốn lớn nhất lên tới 1,35 tỷ USD, xuất phát từ hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của Vinhomes diễn ra vào tháng 5/2018. Một năm sau đó, Vingroup cũng huy động được dòng vốn 1 tỷ USD từ tập đoàn SK Group thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược. Một nhà đầu tư quen thuộc khác của Vingroup là quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore với 2 khoản đầu tư vào VinCommerce và Vinhomes với giá trị ghi nhận lần lượt đạt 500 triệu và 853 triệu USD.

vic-15283414-4102019-1-1623052112.png
Các thương vụ huy động vốn thành công của Vingroup trong giai đoạn 2013 – 2019. (Nguồn: Vingroup)

Các hoạt động huy động vốn quốc tế của Vingroup trong giai đoạn trên mang dấu ấn rõ nét của bà Dương Thị Mai Hoa – Nguyên Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Tập đoàn.

Bà Dương Thị Mai Hoa sinh năm 1969, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh thuộc chương trình đào tạo Thạc sỹ quản lí liên kết giữa Khoa sau đại học trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường đại học tự do Bruxel, Vương quốc Bỉ; từng là thành viên của Hiệp Hội Kiểm toán viên công chứng Anh quốc (Association of Chartered Certified Accountants - ACCA).

Vingroup là nơi gắn bó lâu nhất và cũng là nơi sự nghiệp bà Hoa nở rộ, ghi nhận nhiều thành công của nữ lãnh đạo. Trong đó, bà Hoa được ghi nhận có đóng góp lớn vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của Vingroup, từ một tập đoàn thuần bất động sản sang tập đoàn đa ngành với mục tiêu phát triển bền vững, kiến tạo một hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ thiết yếu và công nghệ.

duong-mai-hoa-vingroup-abbank-1623049105.jpg
Bà Dương Thị Mai Hoa - Nguyên Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Vingroup. (Ảnh: Vingroup)

Đáng chú ý, năm 2016, bà Hoa cùng Vingroup lần đầu vượt mốc 2 tỷ USD doanh thu. Cá nhân bà Hoa sau đó đã lọt danh sách top 20 nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Cho tới tháng 2/2018, Vingroup đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup – người đại diện theo pháp luật Tập đoàn Vingroup đối với bà Dương Thị Mai Hoa.

Sau khi bà Hoa rời đi, cương vị Tổng Giám đốc của Vingroup được giao cho ông Nguyễn Việt Quang. Dưới sự dẫn dắt của vị CEO sinh năm 1968, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động huy động vốn trong và ngoài nước.

nguyen-viet-quang-1623049359.jpg
Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Vingroup. (Ảnh: Zing.news)

Trong năm 2020, Vingroup tiếp tục đạt được nhiều thành công trong việc huy động vốn trên thị trường nội địa và quốc tế. Nổi bật nhất là giao dịch Vinhomes nhận khoản đầu tư trị giá 650 triệu đô la Mỹ từ nhóm nhà đầu tư do Quỹ đầu tư KKR dẫn đầu, và giao dịch đầu tư vào Vinmec do GIC đứng đầu với giá trị 203 triệu đô la Mỹ.

Hai phù thủy tài chính 8x của Masan

Kể từ năm 2009, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN) cùng các đơn vị thành viên đã huy động về gần 2,9 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế.

Các thương vụ lớn nhất phải kể đến như: Singha Asia Holding Pte Ltd rót 650 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần Masan Brewery và 14,3% cổ phần Masan Consumer Holdings hay mới nhất, Alibaba và Baring Private Asia (BPEA) vừa đầu tư 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới của The CrownX – Công ty con của Masan. 

Bên cạnh đó, Masan Group cho biết đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào The CrownX, dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Ngoài ra, theo nguồn tin của Bloomberg, Masan Group cũng muốn huy động 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi trực thuộc Masan MEATLife.

Bản thân công ty mẹ Masan Group có kế hoạch chào bán cổ phần mới huy động nguồn tiền, phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua. Lượng chào bán không quá 10% số cổ phần đang lưu hành, thời gian thực hiện trong năm 2021 cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Sự thành công của Masan trong việc huy động vốn quốc tế có sự đóng góp quan trọng của Tổng Giám đốc Danny Le và Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Michael Hung Nguyen, hai nhân vật 8x với khả năng làm tài chính xuất sắc của tập đoàn.

Ông Danny Le (sinh năm 1984), được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Masan Group từ tháng 6/2020. Trước khi gia nhập Masan, ông Danny Le từng là chuyên viên phân tích, bộ phận Ngân hàng Đầu tư tạị Morgan Stanley trong giai đoạn 2006- 2010. Khoảng thời gian này, ông Danny Le đã tham gia nhiều thương vụ M&A và các giao dịch trên thị trường vốn và tư nhân hoá cho nhiều khách hàng trên toàn cầu. 

Theo Masan, ông Danny Le là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược tăng trưởng của Masan Group, cũng như trực tiếp tổ chức các giao dịch M&A tạo dựng Nền tảng Chiến lược của Tập đoàn.

ceo-masan-la-ai-su-nghiep-ceo-masan-1617784187-1623047755.jpg
Ông Danny Le - Tổng Giám đốc Masan Group. (Ảnh: Masan Group)

Nhân vật quan trọng thứ hai trong ban tài chính Masan là ông Michael Hung Nguyen - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn.

Masan cho biết, ông Michael Hung Nguyen phụ trách mảng tài chính và các chiến lược phân bổ nguồn vốn của Masan Group. Trên cương vị này, ông đã xây dựng nền tảng thực hiện giao dịch và hoạt động kinh doanh của Masan Group để hỗ trợ các công ty con và sự phát triển của Công ty trong các lĩnh vực mới. Ông đã tham gia từ đầu quá trình chuyển đổi Masan từ một công ty thực phẩm thành một Tập đoàn tư nhân hàng đầu qua việc huy động hơn 2 tỷ USD vốn cho công ty và lãnh đạo một số thương vụ mua bán doanh nghiệp quan trọng.

michael-hung-nguyen-1-1623048834.jpg
Ông Michael Hung Nguyen - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Masan Group. (Ảnh :Masan Group)

Trước khi gia nhập Masan Group, ông Michael đã hỗ trợ xây dựng nhóm thực thi ngân hàng đầu tư tại Việt Nam của J.P. Morgan và làm việc trong lĩnh vực M&A, thị trường vốn và các giao dịch tư nhân với các khách hàng tài chính, bất động sản và tiêu dùng. 

Diệu Quang