Chưa có khuôn khổ pháp lý cho fintech

thunguyen

22/08/2019 11:44

Trong khi đó, những quy định sắp được ban hành, lại một lần nữa siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp fintech.

Fintech là lĩnh vực công nghệ tài chính, là các công nghệ mới trong cung cấp các dịch vụ tài chính như thanh toán, cho vay, tiết kiệm, giải ngân vốn đầu tư… Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và phát triển mạnh mẽ vài năm trở lại đây, fintech được biết đến nhiều nhất với vai trò các trung gian thanh toán, một chức năng cơ bản của các ngân hàng truyền thống.

Việt Nam với khoảng hai phần ba dân số sống ở nông thôn, là các khu vực bị hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, là một thị trường tiềm năng cho fintech phát triển, với các dịch vụ “gọn nhẹ” - chỉ bằng chiếc điện thoại di động bé nhỏ. Quá nửa dân số Việt Nam đang dùng điện thoại thông minh - là thiết bị cơ bản để tiếp cận với các dịch vụ fintech - cùng với việc phủ sóng toàn bộ diện tích cả nước với công nghệ 3G - 4G.

Chưa có quy định

Theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, hiện có tổng cộng khoảng 150 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực fintech, chủ đạo là mảng thanh toán với 30 tổ chức trung gian không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép - trong đó có 27 ví điện tử.

Các doanh nghiệp fintech tại Việt Nam (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)
Các doanh nghiệp fintech tại Việt Nam (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Trong nửa đầu năm 2019, số lượng giao dịch thông qua kênh điện thoại di động đã đạt gần 180 triệu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ với giá trị 1.761 tỉ đồng, tăng 160%. Quy mô giao dịch vẫn khiêm tốn so với giao dịch qua kênh internet (đạt giá trị 9.506 tỉ đồng), nhưng tốc độ tăng trưởng các hình thức giao dịch qua điện thoại di động đã vượt trội.

Tuy nhiên, ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán - Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết “khuôn khổ pháp lý với các doanh nghiệp fintech, đặc biệt là các quy định về thể chế quản lý với lĩnh vực fintech tại Việt Nam hiện nay là chưa có”.

Trong tháng 5.2019, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện đề án về cơ chế quản lý hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng và trình Chính phủ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để thành lập cơ chế pháp lý cho hoạt động fintech.

Một loạt các quy định pháp luật liên quan đến các hoạt động của các doanh nghiệp fintech đang được sửa đổi phù hợp với tình hình mới của lĩnh vực mới mẻ này. Có thể kể đến là Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.

Siết chặt quản lý

Một xu hướng tương đối mâu thuẫn đang diễn ra trong lĩnh vực fintech. Trong khi chưa có một khuôn khổ pháp lý dành cho các doanh nghiệp fintech, thì các quy định pháp luật liên quan lại đang siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp này.

Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết đang được sửa đổi với xu hướng nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán từ mức 30% lên 49%. Tuy nhiên, ông Sơn cũng xác nhận, nghị định này sẽ không hồi tố. Có nghĩa là các doanh nghiệp đã có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 30% trước khi nghị định được hoàn thiện, sẽ không phải áp dụng điều kiện hạn chế sở hữu nước ngoài.

Tại buổi toạ đàm về Chính sách Quản lý fintech, ông Sơn cũng công bố thông tin cho biết 90% thị phần ví điện tử Việt Nam đang nằm trong tay năm ví điện tử lớn nhất, và tất cả đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến trên 90%.

Như vậy, những quy định về siết chặt tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nếu được thông qua, chỉ có thể áp dụng trên 20 ví điện tử nhỏ, chiếm thị phần khoảng 10%. Về mặt chính sách, các doanh nghiệp nhỏ, bị yếu thế mới là các đối tượng cần có các chính sách hỗ trợ phát triển, lớn mạnh lên, ông Varun Mittal - phó chủ tịch Hiệp hội fintech Singapore nhận xét. Việc siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ, vì vậy, là không hợp lý.

Trong khi đó, fintech là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam, do đó rất cần thu hút cả vốn lẫn công nghệ từ nước ngoài. Hạn mức sở hữu nước ngoài sẽ hạn chế các doanh nghiệp này ngay từ những bước chân đầu tiên - là giai đoạn đáng ra các cơ quan chức năng phải nâng đỡ.

Luật sư Phùng Anh Tuấn - phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhận xét về thông tư 39, cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bỏ hạn mức tiêu dùng theo ngày bằng ví điện tử nhưng vẫn giữ nguyên hạn mức 100 triệu đồng mỗi tháng, là không phù hợp. Không có một quy định nào cho rằng ví điện tử chỉ sử dụng cho các giao dịch nhỏ. Hơn nữa, theo thông tư 37/2016 của Ngân hàng Nhà nước, 500 triệu đồng mới là hạn mức cho một “lệnh thanh toán giá trị thấp”.

Ông Ngô Văn Đức nói với tạp chí Nhà Quản Lý, hạn mức tiêu dùng trên ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu tiêu dùng ví điện tử thực tế của người dân. Ngoài ra, hiện nay ngoài ví điện tử có một loạt các hình thức thanh toán khác cũng nhanh chóng, tiện lợi không kém, để sử dụng cho các giao dịch vượt 100 triệu đồng/tháng.

Sandbox - hay còn gọi là cơ chế thử nghiệm nhưng công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới khi các quy định quản lý chưa kịp ra đời, đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng cho các hoạt động fintech trước khi đưa ra những khuôn khổ pháp lý phù hợp. Tuy nhiên, ông Phùng Anh Tuấn đánh giá, định hướng ban hành chính sách hiện nay dường như vẫn theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt kiểm soát với fintech hơn là tạo điều kiện phát triển trước và quản lý sau theo cơ chế sandbox.

Đan Nguyên

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Chưa có khuôn khổ pháp lý cho fintech" tại chuyên mục Tài chính.