"Chúng tôi bỏ ra 5 năm để theo đuổi với mong muốn giúp các doanh nghiệp xã hội thành công hơn nữa sau khi đọc cuốn sách này"

Ngọc Hùng

10/06/2021 12:34

Dự kiến vào cuối tháng 6 này, cuốn sách Doanh nghiệp xã hội: khởi nghiệp, quản trị và tăng trưởng chính thức ra mắt bạn đọc. Nhân sự kiện này, Nhà quản lý đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng, chủ biên cuốn sách về những giá trị hữu ích mà cuốn sách sẽ cho doanh nghiệp xã hội. 

Nhaquanly.vn: Ý tưởng để chị viết cuốn sách này và vì sao phải mất đến 5 năm mới hoàn thành cuốn sách này, thưa chị?

PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng: Là người xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp xã hội (DNXH) Việt Nam, bắt đầu tham gia vào hoạt động lồng ghép khái niệm DNXH vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học từ năm 2012. Từ năm 2015, đề cương bài giảng/cuốn sách này đã được phác thảo, thời điểm mà tôi cùng các đồng nghiệp thành lập mạng lưới các học giả DNXH Việt Nam (VSES).

nam-thang-on-1623302219.jpeg
PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng ( thứ 4, từ trái sang) chụp hình với các cộng sự. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Mặc dù mỗi năm tôi đều có công bố 1 ấn phẩm liên quan đến DNXH, năm 2018 là báo cáo khu vực doanh nghiệp xã hội Việt Nam, cuốn tình huống doanh nghiệp xã hội (năm 2016, 2019), doanh nghiệp xã hội ở Châu Á (2020). Song, cuốn sách này như một dạng sách giáo trình, sách cẩm nang, cần phải có thời gian ấp ủ nhất định để có đủ tư liệu để viết. Đây là một công việc chiếm nhiều thời gian để cuốn sách có thể đạt độ ưng ý nhất, tôi phải thực sự dành thời gian cho nó, cũng như xây dựng được một đội ngũ cộng sự có thể cùng nhau thực hiện.

Điều này được thể hiện khi những người tham gia viết cuốn sách là những nhà nghiên cứu, giảng viên là người Việt, đang sinh sống, làm việc, dược đào tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tập hợp đội ngũ là điều tôi tự hào nhất.

Cuốn sách này (như trong lời mở đầu cuốn sách của mình) là cung cấp nguồn tài liệu hướng dẫn đẩy đủ cho các DNXH có thể sử dụng, các bạn trẻ quan tâm đến khởi nghiệp xã hội có thể tự tin hơn trong dấn thân và đặc biệt các giảng viên, các nhà nghiên cứu mong muốn đưa DNXH vào trong hoạt động giảng dạy của mình có thể sử dụng để bắt đầu thực hiện sứ mệnh của mình. Đó là điều mà chúng tôi tâm đắc nhất về cuốn sách.

Nhaquanly.vn: Năm 2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội đồng Anh (British Council) đã có một báo cáo nghiên cứu Hiện trạng doanh nghiệp xã hội. Báo cáo này ở một góc độ nào đó còn nặng về tính nghiên cứu, học thuật. Vậy, cuốn sách do chị chủ biên có thoát khỏi điều này để đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp xã hội một cách đơn giản và dễ áp dụng hơn không?

Đây không phải là cuốn sách nghiên cứu, mà là sách hướng dẫn, cẩm nang, giáo trình cho khởi nghiệp xã hội. Chính vì vậy, cuốn sách được chúng tôi chia làm 4 phần với10 chương. Phần đầu giới thiệu về doanh nghiệp xã hội và DNXH trên thế giới. Phần tiếp theo là nói về khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội với các chương về bắt đâu ý tưởng khởi nghiệp, hoạch định chiến lược cho khởi nghiệp và lựa chọn mô hình kinh doanh. Phần 3 sẽ tập trung vào khâu quản trị DNXH – tập trung vào giai đoạn vận hành DNXH với các nội dung về marketing, tài chính, quản trị và đo lường tác động của DNXH. Phần 4, là tập trung vào các lựa chọn và hình thái để DNXH có thể tăng trưởng về quy mô và tác động xã hội.

Như vậy, có thể thấy, cuốn sách sẽ giúp cho những ai đang vận hàng doanh nghiệp xã hội, những bạn trẻ nào đang muốn lập DNXH sẽ nhận được những chỉ dẫn căn bản từ xây dựng đến vận hành và tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình. Đó là mục đích của chúng tôi khi cho ra đời cuốn sách này.

Nhaquanly.vn: Tại Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp xã hội luôn đứng trước áp lực “phá sản” vì trong nhiều trường hợp “thu không bù chi” và khi đón nhận những cú sốc như dịch bệnh Covid 19, khiến nhiều doanh nghiệp xã hội phản tuyên bố “đóng cửa”. Trong cuốn sách này, chị và các tác giả có đưa ra giải pháp nào cho các doanh nghiệp xã hội phát triên bền vững sau những “biến cố” như vậy không?

DNXH thường là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cũng bị những cú sốc như Covid 19 đánh gục. Phạm vi của cuốn sách không phải có mục tiêu ngiên cứu tác động của Covid 19 lên các doanh nghiệp xã hội và các khuyến nghị giải pháp mà là cuốn sách hướng dẫn về quản trị, điều hành một doanh nghiệp xã hội. Covid 19 mang lại cả thách thức và cơ hội cho khu vực DNXH, ví dụ như làm biến mất thị trường, khách hàng của các doanh nghiệp về du lịch, nhà hàng, thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên lại mang lại nhiều khách hàng hơn cho các doanh nghiệp về nông nghiệp, các sản phẩm tiêu dùng bền vững.

Độc giả có thể tìm thấy trong cuốn sách những hướng dẫn về mọi lĩnh vực quản trị một doanh nghiệp xã hội, làm thế nào để xác định và cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và sứ mệnh xã hội, các nguồn doanh thu từ cả bán hàng và tiền tài trợ, cách thức marketing và truyền thông xã hội, đến các công cụ đo lường và báo cáo tác động xã hội. Đây là những kiến thức nền tảng để vận hành hiệu quả DNXH trong bất kỳ tình huống nào.

Xin cảm ơn chị!

Các chuyên gia nói vì về cuốn sách? 

PGS. TS. Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Xã hội càng phát triển, con người sẽ không chỉ quan tâm tới các giá trị kinh tế mà còn mong muốn được đóng góp để giải quyết các vấn đề xã hội cũng như cho sự phát triển xã hội nói chung. Điều này đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu mang tính quy luật phát triển. Ở các nước trên thế giới, mô hình Doanh nghiệp xã hội đã ra đời, được công nhận là một chủ thể trong nền kinh tế và đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Việt Nam, không nằm ngoài quy luật này, các doanh nghiệp xã hội đã hình thành, ban đầu là tự phát, sau này được công nhận. Cuốn sách Doanh nghiệp xã hội: Khởi nghiệp, Quản trị và Tăng trưởng đã cung cấp các hướng dẫn toàn diện về vận hành một doanh nghiệp xã hội. Người đọc, với vai trò là một giảng viên, một sinh viên, hay một cá nhân muốn tìm hiểu về doanh nghiệp xã hội đều có thể tìm thấy những giá trị hữu ích từ cuốn sách.

dnxh-1623302389.jpeg

Đây là cuốn sách đầu tiên về khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội, đi từ lý thuyết đến thực tiễn về từng giai đoạn phát triển một doanh nghiệp xã hội. Cuốn sách hoàn toàn được viết bởi nhóm tác giả người Việt. 

Bà Trần Thị Hồng Gấm, Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội, Hội đồng Anh Việt Nam: Cuốn Doanh nghiệp Xã hội: Khởi nghiệp, Quản trị, Tăng trưởng là ấn phẩm tiên phong tại Việt Nam về loại hình doanh nghiệp xã hội hiện đang được giảng dạy và vận hành rộng rãi trên toàn cầu. Tôi đánh giá rất cao về giá trị tri thức được chia sẻ trong cuốn sách này. Tôi tin cuốn sách sẽ là nguồn thông tin rất có giá trị cho mọi thế hệ mong muốn hiểu hơn về Doanh nghiệp xã hội là gì? Mô hình quản trị của Doanh nghiệp xã hội khác gì với mô hình doanh nghiệp thông thường? Làm thế nào để doanh nghiệp xã hội có thể đạt được sự tăng trưởng tốt nhất?. Cuốn sách cũng sẽ là nguồn kiến thức nền tảng cho các giảng viên đưa vào nội dung giảng dạy về khởi nghiệp, đặc biệt cho những ai mong muốn khởi nghiệp theo loại hình doanh nghiệp xã hội.

TS. Sheila Cannon, Trung tâm Sáng tạo Xã hội, Trường Kinh doanh Trinity, Đại học Trinity Dublin, Ireland: Cuốn sách Doanh nghiệp xã hội: Khởi nghiệp, Quản trị và Tăng trưởng là kết quả của nhiều nỗ lực giúp phát triển khu vực doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. PGS. Trương Thị Nam Thắng và các đồng nghiệp đã tập hợp các chủ đề chính về doanh nghiệp xã hội một cách bài bản và dễ tiếp cận, đây chắc chắn cung cấp nguồn tài liệu quý giá cho cả các giảng viên cũng như những nhà thực hành. Cuốn sách này sẽ mang đến một giai đoạn mới chuyên nghiệp và hiệu quả hơn cho khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam. Tôi đánh giá cao nỗ lực và chúc mừng tất cả những đồng nghiệp đã đóng góp cho cuốn sách quan trọng này.

 

Ngọc Hùng