Công ty Cà phê Phước An chìm sâu trong thua lỗ, Nutifood muốn thoái sạch vốn và ước tính thu về 214 tỷ đồng

Quang Khải

27/12/2022 05:25

Theo đó, Công ty CP Thực phẩm dinh dương Nutifood đã đăng ký bán toàn bộ gần 18.3 triệu cổ phiếu của Công ty CP Cà phê Phước An (mã: CPA). Lý do, Nutifood đưa ra là với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Cụ thể, giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 27/12/2022-19/01/2023. Qua tìm hiểu, Nutifood sở hữu gần 18.3 triệu cổ phiếu của CPA với tỷ lệ 77.31%. Nếu thành công, Nutifood sẽ thoái sạch vốn khỏi CPA.

Được biết, ông Lê Nguyên Hoà hiện là Chủ tịch HĐQT CPA và cung là Phó Chủ tịch HĐQT của Nutifood.

Ngày 30/12/2019, cổ phiếu CPA được giao dịch trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, sức hấp dẫn và thanh khoản của CPA khá thấp, hầu như không có người bán. Nguyên nhân chính là do cơ cấu cổ đông quá cô đặc tại doanh nghiệp này. Trong đó, với 97.5% vốn nằm trong tay 2 cổ đông lớn là UBND tỉnh Đắk Lắk và Nutifood.

320050697-3297283937253299-5320994205190049072-n-1672093410.jpeg

Nutifood sẽ thoái sạch vốn khỏi Cà phê Phước An.

Tuy nhiên, sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu CPA tăng trần 14.71%, giao dịch ở mức 11,700 đồng/cổ tại phiên 26/12, với hơn 14 ngàn cp được khớp lệnh. Tạm tính theo mức giá này, Nutrifood có thể thu về hơn 214 tỷ đồng từ thương vụ.

Cà phê Phước An có tiền thân là Nông trường Quốc doanh Phước An, được thành lập ngày 1/4/1977. Đến cuối năm 2017, CPA tiến hành cổ phần hoá, đây cũng là thời điểm Nutifood tham gia đầu tư chiến lược.

Thế nhưng, sau khi được cổ phần thì hoạt động sản xuất kinh doanh của Cà phê Phước An gặp nhiều khó khăn. Nutifood đã hỗ trợ CPA vay 47 tỷ đồng. Đến năm 2020, Nutrifood tiếp tục rót thêm 100 tỷ đồng. Cụ thể, số tiền này dùng để mua 10 triệu cổ phiếu CPA trong đợt chào bán riêng lẻ với giá chào bán 10,000 đồng/cổ. Mục đích chào bán để bổ sung vốn lưu động (40 tỷ đồng) và trả nợ vay ngắn hạn (60 tỷ đồng).

Dù được sự rót vốn mạnh mẽ của Nutifood, nhưng CPA vẫn chìm trong thua lỗ. Trong đó lỗ luỹ kế vào năm 2017 là hơn 35 tỷ đồng. Đến 30/9/2022, CPA ghi nhận mức lỗ 153 tỷ đồng.

Nếu tính theo quý, kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM (từ quý 4/2019-3/2022), CPA lỗ tới 11 quý. Trong đó, quý 4/2021 lỗ đậm nhất với hơn 10.7 tỷ đồng. Công ty chỉ ghi nhận lãi “khiêm tốn” trong quý 1, 2/2021.

Trong 9 tháng năm 2022, CPA ghi nhận doanh thu gần 62 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn và chi phí quản lý tăng cao trong khi doanh thu tài chính giảm khiến cho doanh nghiệp này lỗ ròng 6.4 tỷ đồng.

Quang Khải
Người theo dõi

Người theo dõi

10:19 28/12/2022

Cổ phần hóa 5 năm mà chưa lên sàn được thì hơi yếu kém