Để cứu Vietnam Airlines khỏi phá sản, ba ngân hàng cam kết cho vay 4.000 tỷ đồng

Ngô Giang

21/06/2021 16:39

Trước thông tin Vietnam Airlines đang đối diện với nguy cơ phá sản do ảnh hưởng Covid 19, đã có ba ngân hàng lên tiếng cho Hãng hàng không quốc gia vay 4.000 tỷ đồng. Cụ thể, các ngân hàng cam kết là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). 

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 21/6, được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Hiện những ngân hàng này đã có văn bản cam kết tài trợ cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vay vốn ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, nhưng chưa có ngân hàng nào giải ngân.

a350-1-tdsn-1623910981-1623912905.jpg

Với 4.000 tỷ đồng này, bước đầu Vietnam Airlines đã có nguồn tài chính cho các hoạt động của mình. Ảnh: VNA.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, các tổ chức tín dụng và Vietnam Airlines đang tích cực thực hiện các thủ tục, đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân cho vay cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2021.

Lý do có chuyện này là trước đó, phía Vietnam Airlines đã có kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng) nhằm tháo gỡ khó khăn vì dịch Covid 19.

Nguyên nhân là theo Vietnam Airlines, dù phục hồi toàn bộ thị trường nội địa nhưng Vietnam Airlines vẫn bị thất thu do các đường bay quốc tế vẫn chưa được mở lại. Theo thống kê trong năm 2020, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay, giảm hơn 48% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid 19, điều này khiến doanh thu chỉ đạt 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021,Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến số lỗ 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh từ 34,5% - 65,9% so với năm 2019; doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không đã giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp cũng suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Hiện tại số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn.

Trước tình trạng khó khăn của Vietnam Airlines, vào cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp này vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines được tái cấp vốn là các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

 

Ngô Giang