Đề xuất gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, công nhân

Tường Minh

21/10/2021 18:28

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, cả nước đã có 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn. 278 dự án khác với quy mô khoảng 276.000 căn đang được triển khai. Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 30.000 tỷ để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

nha-o-xa-hoi-cho-cong-nhan-1634815375.jpg
Một số doanh nghiệp địa ốc không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân cho chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất. Việc này theo nhận định của Bộ Xây dựng, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân; vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.

Với nhà ở cho công nhân, trong dài hạn, Bộ Xây dựng đề xuất giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ cho rằng quy hoạch các khu công nghiệp phải có quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê. Trong đó, diện tích sử dụng tối thiểu đảm bảo ít nhất khoảng 10 m2 một người.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các cơ chế ưu đãi khác khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Ví dụ, miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về vốn vay; cho phép hạch toán chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.

Trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rà soát, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nghiên cứu dành một phần quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân.

Với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp, Bộ đề xuất cho chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch để có đất xây nhà cho công nhân. Việc đầu tư sẽ do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp làm hoặc phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động.

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, cả nước đã có 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn. 278 dự án khác với quy mô khoảng 276.000 căn đang được triển khai. Trong đó, 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành, 100 dự án đang xây dựng.

Bộ Xây dựng cho biết tỷ lệ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân chỉ đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch đề ra. Con số này cho thấy nguồn cung nhà ở xã hội dành cho công nhân đang khan hiếm trầm trọng.

Liên quan đến kết quả thực hiện nhà ở xã hội đang ở mức thấp, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra có 4 nguyên nhân chính khiến việc triển khai nhà ở xã hội cho công nhân gặp nhiều trở ngại.

Thứ nhất, nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân thiếu. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020).

Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội cũng chưa có.

Thứ hai, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Thực tế nhiều địa phương đã chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật.  Đặc biệt, vấn đề thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cũng còn bỏ ngỏ.

Thứ ba, một số doanh nghiệp địa ốc không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân cho chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.

Thứ tư, những công nhân lao động đa phần gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chưa đủ lực tài chính để mua nhà.

Trước khó khăn này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế. Cụ thể, Bộ Xây dựng đang hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tích cực tạo nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở công nhân từ nguồn lực tài chính đến nguồn lực từ tổ chức công đoàn.

Liên quan đến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, Bộ Xây dựng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu.

 

Tường Minh