Thấy gì qua việc Địa ốc Hoàng Quân từ chối yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường của nhóm cổ đông?

Minh Quân

02/04/2022 14:25

Lãnh đạo Địa ốc Hoàng Quân cho rằng quyết định dời tổ chức ĐHĐCĐ thường niên không vi phạm pháp luật và nhóm cổ đông chưa cung cấp đủ bằng chứng chứng minh về tỷ lệ sở hữu tại thời điểm gửi yêu cầu.

dai-hoi-co-dong-dia-oc-hoang-quan-nam-2021-1648008042.jpeg
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Hoàng Quân Group đã diễn ra ngày 24/4/2021 (Ảnh tư liệu)

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân  (HoSE: HQC) vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua từ chối yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường 2022 của nhóm cổ đông đề ngày 23/3. Theo đó lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng quyết định dời ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 và hủy danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng 7/2 là cần thiết và không vi phạm quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.

Bên cạnh đó, nhóm cổ đông, nhà đầu tư chưa cung cấp đủ bằng chứng chứng minh về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Địa ốc Hoàng Quân tại thời điểm gửi yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.

Chiều 21/3, HĐQT địa ốc Hoàng Quân đã ra thông báo dời ngày tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên đồng thời huỷ danh sách người sở hữu chứng khoán đã chốt vào giữa tháng trước.

Theo văn bản do Chủ tịch địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn ký, nguyên nhân hoãn phiên họp cổ đông thường niên là do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến công tác chuẩn bị cho cuộc họp bị ảnh hưởng. HĐQT địa ốc Hoàng Quân chưa ấn định ngày họp mới, chỉ dự kiến tổ chức trước 30/6 – hạn chót theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên một nhóm cổ đông (gồm 25 cá nhân và 2 doanh nghiệp có địa chỉ tại TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Lâm Đồng và An Giang) đang nắm hơn 47 triệu cổ phiếu, tương đương 10% cổ phần đã ngay lập tức phản đối quyết định hoãn đại hội nói trên của HĐQT Hoàng Quân. Đại diện nhóm cổ đông này cho rằng, việc ra một thông báo hoãn cuộc họp mà không có chứng cứ chứng minh là hành động mang tính tuỳ tiện, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của HĐQT và vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông.

Lập luận để phản đối của nhóm cổ đông này là TP HCM hiện không còn phường/xã ở cấp độ 3, 4 (vùng cam và đỏ) nên việc HĐQT viện lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp để hoãn họp là không thuyết phục. Ngoài ra công ty cũng không cung cấp thông tin nào về công tác chuẩn bị bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức không thể tổ chức được cuộc họp thường niên.

Nhóm cổ đông này cho rằng rất nhiều công ty niêm yết khác vẫn đăng ký tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên trong tháng 3/2022, cho thấy tình hình dịch bệnh không phải là một trở ngại. Và lại, nếu dịch bệnh ảnh hưởng thì tại sao HĐQT Hoàng Quân không chọn phương thức họp trực tuyến?. Từ đó trong văn bản gửi HĐQT Hoàng Quân, nhóm cổ đông này yêu cầu triệu tập phiên họp bất thường để thông qua các tờ trình trong phiên họp thường niên và bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Được biết Báo cáo tài chính kiểm toán của địa ốc Hoàng Quân ghi nhận tổng nợ tính đến cuối năm ngoái xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Phần lớn trong số này là các khoản nợ ngắn hạn. Trong đó, công ty nợ Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn 1.166 tỷ đồng. Khoản nợ mới phát sinh trong năm ngoái dưới dạng "tiền mượn", không có thông tin lãi suất phải trả.

Cuối tuần qua, công ty trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu với giá 10.000 đồng cho ông Tuấn để cấn trừ nợ. Nếu được thông qua, ông Tuấn sẽ có thêm 87 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm, trong khi dư nợ giảm còn khoảng 300 tỷ đồng.

Công ty còn nợ bà Nguyễn Thị Diệu Phương (vợ ông Tuấn, đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị) và các công ty liên quan hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ông Tuấn, Hoàng Quân còn muốn phát hành thêm 130,7 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ với bốn chủ nợ khác. Công ty đang nợ mỗi cá nhân này khoảng 300-337 tỷ đồng. Sau khi phát hành, các chủ nợ cũng không được chuyển nhượng cổ phiếu trong một năm.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) được Công ty Hoàng Quân chuyển nhượng cho Công ty Thành Phố Vàng.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) được Công ty Hoàng Quân chuyển nhượng cho Công ty Thành Phố Vàng.

Hoàng Quân là một trong những doanh nghiệp bất động sản hiếm hoi chọn phát triển nhà ở xã hội là dòng sản phẩm chủ lực, phân bổ nhiều dự án khắp các tỉnh phía Nam như TP HCM, Tiền Giang, Tây Ninh... và một số tỉnh miền Trung. Sau nhiều năm kinh doanh phân khúc này không hiệu quả, ông trùm nhà ở xã hội định hướng từng bước rẽ sang bất động sản nhà ở thương mại nhưng tình hình kinh doanh chưa cải thiện được như mục tiêu đề ra do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Về tình hình kinh doanh năm 2021, Địa ốc Hoàng Quân đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất với doanh thu thuần 279 tỷ đồng, giảm 48% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng lao dốc, chỉ đạt 4,1 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi thấp nhất 13 năm qua và kém xa so với kế hoạch của năm (mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh quý IV/2021 của HQC cũng khiêm tốn khi doanh thu thuần chỉ đạt hơn 73 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ dừng ở mức 1,1 tỷ. Báo cáo giải trình của doanh nghiệp cho biết, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước, khách hàng và nhà đầu tư hạn chế giao dịch, dẫn đến doanh thu không đạt như kỳ vọng.

Tuy nhiên ban lãnh đạo địa ốc Hoàng Quân nhận định kinh tế năm nay đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhờ các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành. Do đó, công ty kỳ vọng các chỉ tiêu tài chính sẽ tăng trưởng đột biến. Dự kiến doanh thu gấp 5 lần, lên 1.085 tỷ đồng và lãi sau thuế gấp 39 lần, đạt 165 tỷ đồng.

Thông tin này đã tác động mạnh đến cổ phiếu Hoàng Quân. Thị giá HQC đang có chuỗi tăng bốn phiên liên tiếp, trong đó ba phiên tăng mạnh, đưa giá từ 7.400 đồng lên 8.650 đồng. Thanh khoản hai phiên gần nhất lần lượt đạt 38 triệu và 37 triệu cổ phiếu, gấp khoảng bốn lần những phiên giao dịch đầu tháng.

Minh Quân