Dịch bệnh và Kinh tế

caodung

Các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh hoặc bùng phát lại có thể tác động sâu rộng đến kinh tế.

Các bệnh truyền nhiễm chết người đã được đẩy lùi, nhưng vẫn còn là một mối đe dọa lớn trên toàn cầu. Chúng ta đang phải tiếp tục chiến đấu với cả mầm bệnh cũ như dịch hạch - căn bệnh đã khiến nhân loại khốn đốn trong nhiều thiên niên kỷ, lẫn mầm bệnh mới, chẳng hạn như virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV). Những mầm bệnh này là các loài vi sinh vật bị đột biến hoặc nhảy từ vật chủ là động vật sang người.

Một số bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như bệnh lao và sốt rét, là bệnh đặc hữu ở nhiều khu vực, tuy là gánh nặng lớn nhưng có thể dự báo và chủ động đối phó. Một số bệnh khác, chẳng hạn như các chủng cúm, khác nhau về khả năng lây nhiễm và mức độ nguy hiểm, tàn phá nền kinh tế cả nước phát triển và đang phát triển khi xảy ra một đợt bùng phát (tăng nhanh về số người nhiễm trong một khu vực hay một cộng đồng dân cư tương đối nhỏ), phát triển thành một trận dịch bệnh (tăng nhanh về số người nhiễm trên một vùng hay cộng đồng dân cư lớn hơn), hoặc một đại dịch (một dịch bệnh trên phạm vi đa quốc gia hoặc đa châu lục).

Rủi ro cho sức khỏe khi xảy ra bùng phát hoặc dịch bệnh, và sự sợ hãi hoảng loạn đi kèm với chúng, gắn liền với nhiều rủi ro kinh tế khác nhau.

Đầu tiên, và có lẽ dễ thấy nhất, là các chi phí cho hệ thống y tế, cả công cộng lẫn tư nhân, để điều trị cho người bị nhiễm bệnh và kiểm soát đợt bùng phát. Một đợt bùng phát quy mô lớn có thể áp đảo hệ thống y tế, làm giảm hiệu suất đối phó các vấn đề sức khỏe thường ngày và trầm trọng thêm vấn đề. Ngoài cú sốc về sức khỏe (health shock: được WHO định nghĩa là các bệnh không lường trước được làm suy giảm tình trạng sức khỏe), dịch bệnh còn buộc cả người bệnh lẫn người chăm sóc họ phải nghỉ việc hoặc làm kém hiệu quả, khiến giảm và gián đoạn năng suất. Nỗi sợ bị lây bệnh có thể gây ra xa lánh xã hội hoặc đóng cửa trường học, doanh nghiệp, cơ sở thương mại, giao thông vận tải và các dịch vụ công cộng, tất cả những điều này làm gián đoạn kinh tế cũng như các hoạt động xã hội khác.

Lo ngại về sự lây lan khi xảy ra bùng phát, dù đã được kiểm soát tương đối, vẫn có thể dẫn tới suy giảm giao thương. Chẳng hạn, lệnh cấm do Ủy ban châu Âu áp đặt lên sản phẩm thịt bò từ nước Anh kéo dài tận 10 năm kể từ khi bệnh bò điên bùng phát ở Vương quốc Anh, bất chấp mức độ lây nhiễm sang người thấp. Việc di chuyển và du lịch đến các vùng chịu ảnh hưởng của bùng phát cũng có khả năng giảm đi. Một vài dịch bệnh kéo dài, như HIV và sốt rét, cũng làm cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Rủi ro kinh tế của dịch bệnh là không nhỏ. Victoria Fan, Dean Jamison, và Lawrence Summers mới đây đã đánh giá chi phí dự kiến mỗi năm cho đại dịch cúm là vào khoảng 500 tỉ USD (0,6% GDP toàn cầu), bao gồm khoản giảm thu nhập và chi phí liên quan đến số người tử vong. Thậm chí dù chi phí y tế của đợt bùng phát là tương đối nhỏ, hậu quả kinh tế cũng có thể nhanh chóng tăng gấp mấy lần. Chẳng hạn, nước Liberia năm 2014 đã chứng kiến suy giảm tăng trưởng GDP 8% so với năm trước do bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi, cho dù tổng tỉ lệ tử vong trong giai đoạn đó giảm so với cùng kỳ năm trước.

Hậu quả của bùng phát và dịch bệnh không phân phối đều cho các ngành nghề trong nền kinh tế. Một số lĩnh vực thậm chí còn có thể được lợi về mặt tài chính, trong khi số khác bị tổn hại nặng nề. Các công ty dược phẩm sản xuất vaccine, kháng sinh hoặc các sản phẩm cần thiết để đối phó bùng phát dịch là những người có khả năng hưởng lợi. Các công ty về dịch vụ y tế và bảo hiểm nhân thọ có thể chịu tổn thất nặng nề, nhất là về ngắn hạn, tương tự như những nhà sản xuất gia cầm gia súc trong thời kỳ bùng phát dịch có liên quan đến động vật. Tầng lớp dễ bị tác động, đặc biệt là người nghèo, có thể phải chịu tổn thất rất lớn, vì họ ít cơ hội tiếp cận chăm sóc y tế và số tiền tiết kiệm được cũng không đủ để bảo vệ họ trong thảm họa tài chính.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã quen với việc quản trị các hình thức rủi ro khác nhau, chẳng hạn như mất cân bằng cán cân thương mại, biến động tỉ giá và các thay đổi lãi suất thị trường. Cũng có các rủi ro không xuất phát từ mặt kinh tế. Xung đột vũ trang là một trong số các rủi ro này; thảm họa tự nhiên cũng vậy. Chúng ta cũng có thể coi gián đoạn kinh tế do bùng phát và dịch bệnh thuộc kiểu rủi ro này. Cũng như các loại rủi ro khác, rủi ro kinh tế do cú sốc về sức khỏe có thể quản lý được bằng những chính sách làm giảm khả năng xảy ra rủi ro đó hoặc chuẩn bị tư thế sẵn sàng ứng phó khi xảy ra.

Một loạt mối đe dọa đáng sợ

Có một vài yếu tố làm phức tạp việc quản trị rủi ro dịch bệnh. Các bệnh có thể lây lan nhanh chóng, cả trong và ngoài nước, điều này có nghĩa là các ứng phó kịp thời để chặn đứng các đợt bùng phát đầu tiên là vô cùng cần thiết. Bên cạnh sự toàn cầu hóa, rủi ro dịch bệnh còn trở nên nghiêm trọng hơn do hiện tượng sóng đôi của biến đổi khí hậu và đô thị hóa. Biến đổi khí hậu đang mở rộng nơi cư trú của nhiều loại trung gian truyền bệnh phổ biến, chẳng hạn như Aedes aegypti - loài muỗi vằn có khả năng truyền bệnhsốt xuất huyết, chikungunya, Zika và sốt vàng da. Đô thị hóa có nghĩa là thêm nhiều người sinh sống trong một khu vực chật hẹp, làm gia tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng các khu ổ chuột buộc nhiều người phải sống trong điều kiện vệ sinh kém và khó tiếp cận nguồn nước sạch, khiến bệnh dịch càng trầm trọng hơn.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với nhân loại là một loạt các tác nhân đáng gờm có thể gây ra dịch bệnh, bao gồm cả những mầm bệnh hiện chưa được biết. Vào tháng 12 năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một danh sách ưu tiên các loại bệnh có nguy cơ trở thành dịch cần được khẩn cấp nghiên cứu và phát triển vaccine. Danh sách đó đã được cập nhật hai lần, gần đây nhất là vào tháng 2 năm 2018 (xem bảng).

Nguồn: WHO
Các loại bệnh yêu cầu khẩn cấp nghiên cứu và phát triển vaccine, 2018

Ngoài danh sách này, các loại bệnh hiện là đặc hữu ở một vài khu vực nhưng có thể lây lan nếu không kiểm soát đúng, là một mối đe dọa khác. Lao, sốt rét và sốt xuất huyết là một vài ví dụ như vậy, tương tự như HIV. Các vi sinh vật gây bệnh có kháng năng với kháng sinh đang gia tăng khắp nơi trên thế giới, và siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc đang lan rộng có thể trở thành một mối nguy hiểm khác. Việc lây lan nhanh chóng của các vi sinh vật kháng kháng sinh không thể biến thành đại dịch, nhưng việc xuất hiện siêu vi khuẩn đang khiến thế giới trở thành một nơi đầy bất trắc.

Quản trị rủi ro

Rủi ro do dịch bệnh rất phức tạp, nhưng những nhà hoạch định chính sách vẫn có công cụ để triển khai ứng phó. Một số công cụ làm hạn chế khả năng bùng phát hoặc giới hạn mức độ lây lan. Số khác nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động lên sức khỏe do bùng phát dịch mà không thể ngăn chặn hoặc kiểm soát ngay lập tức. Số còn lại nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh đến kinh tế.

Đầu tư vào cải thiện vệ sinh, cung cấp nước sạch và cơ sở hạ tầng đô thị tốt hơn có thể làm giảm tần suất tiếp xúc của con người với tác nhân gây bệnh. Xây dựng hệ thống y tế vững mạnh và hỗ trợ dinh dưỡng đúng đủ sẽ giúp đảm bảo mặt bằng sức khỏe tốt, giúp người dân ít khả năng nhiễm bệnh hơn. Dĩ nhiên, việc tăng cường hệ thống y tế, dịch vụ và cơ sở hạ tầng căn bản dễ dàng thực hiện hơn khi kinh tế tăng trưởng; tuy nhiên, các chính sách bảo hộ chi tiêu cho các lĩnh vực trên, kể cả khi nguồn vốn hạn chế, có thể giúp bảo vệ các nền kinh tế đang phát triển khỏi các cơn sốc về sức khỏe lớn có thể ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư vào hệ thống giám sát dịch bệnh đáng tin cậy ở cả người và động vật cũng quan trọng mật thiết. Tại các hệ thống giám sát toàn cầu chính thức, có thể việc phát triển một cơ chế khuyến khích báo cáo nghi ngờ bùng phát dịch sẽ có ích lợi, vì các quốc gia có nỗi lo sợ hợp lý là việc báo cáo tình hình dịch bệnh sẽ tác động xấu đến kết quả thương mại, du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác ở nước họ. Chẳng hạn, dịch SARS lẽ ra có thể được ngăn chặn tốt hơn nếu Trung Quốc báo cáo đợt bùng phát đầu tiên cho WHO sớm hơn.

Các hệ thống giám sát không chính thức, chẳng hạn như ProMED và HealthMap, tổng hợp thông tin từ các báo cáo giám sát chính thức, báo cáo truyền thông báo chí, các thảo luận và tóm tắt online, và quan sát của người chứng kiến, cũng có thể giúp hệ thống y tế quốc gia và các cơ quan cơ động quốc tế lường trước đường cong dịch tễ trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát. Mạng xã hội cũng đưa ra thêm cơ hội để phát hiện sớm những thay đổi trong sự cố bệnh truyền nhiễm.

Các tổ chức hợp tác để theo dõi chuẩn bị ứng phó dịch bệnh ở cấp quốc gia, chẳng hạn như Global Health Security Agenda và Joint External Evaluation Alliance, cung cấp thông tin mà chính phủ các nước có thể sử dụng để tăng cường các biện pháp ứng phó dịch bệnh. Việc nghiên cứu sâu hơn về các tác nhân gây bệnh có khả năng lây nhanh và gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế cũng đáng được thực hiện.

Các quốc gia nên sẵn sàng thực hiện các biện pháp ban đầu để hạn chế lây bệnh khi bùng phát xảy ra. Trong lịch sử, các tàu thuyền bị cách ly ở cảng khi xảy ra dịch tả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan của đến các thành phố cảng. Trong trường hợp các bệnh dễ lây và dễ nhiễm, các biện pháp phong tỏa có thể vẫn cần thiết, mặc dù các biện pháp này có thể dấy lên lo ngại về nhân quyền. Các quốc gia nên quyết định ngay từ đầu là sẽ ưu tiên nhóm nhân viên cơ động và nhân sự chủ chốt khác để chống dịch hay sẽ ưu tiên các nhóm dễ tổn thương, như trẻ em và người lớn tuổi; các chiến lược khác nhau có thể phù hợp với các loại bệnh khác nhau.

Các giải pháp công nghệ có thể giúp làm giảm gánh nặng kinh tế do bùng phát và dịch bệnh quy mô lớn. Các biện pháp điều trị tốt hơn và ít tốn kém hơn, bao gồm các loại kháng sinh và kháng virus mới để chống lại các mầm bệnh kháng thuốc, là vô cùng cần thiết. Các loại vaccine mới phát minh hoặc được cải tiến có lẽ còn quan trọng hơn trong giai đoạn dịch bệnh.

Hợp tác là cần thiết

Khi nói đến một số mầm bệnh, mà khi từng loại đơn lẻ thì ít nguy cơ gây dịch, nhưng nếu hợp chung lại thì có khả năng cao gây ra dịch bệnh, thị trường cung cầu vaccine phòng chống các loại này thất bại nghiêm trọng. Do có ít khả năng sẽ cần đến các loại vaccine đơn này, cộng thêm chi phí nghiên cứu và phát triển cao mà lại chậm hoàn vốn, nên các công ty dược phẩm ngần ngại đầu tư vào phát triển. Mục tiêu kiếm lợi nhuận không đi đôi được với lợi ích xã hội của việc làm giảm rủi ro của tổng hợp các loại bệnh này.

Việc hợp tác quốc tế dài hạn có thể vượt qua thất bại thị trường này, ví dụ: Liên hiệp Sáng kiến Phòng chống Dịch bệnh (CEPI), được hỗ trợ bởi chính phủ Úc, Bỉ, Canada, Ethiopia, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, và Na Uy, cũng như Ủy ban châu Âu và nhiều nhà tài trợ phi chính phủ. Mục tiêu của tổ chức này bao gồm chuẩn bị trước các loại vaccine chống lại các tác nhân gây bệnh ít khả năng gây dịch, mức độ nguy hiểm cao thông qua triển khai thử nghiệm để cho phép nhanh chóng thử nghiệm lâm sàng và tăng cường thêm vaccine trong trường hợp bùng phát các mầm bệnh này. Tổ chức cũng nhằm tài trợ phát triển các tổ chức và nền tảng công nghệ để đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển nhằm ứng phó bùng phát dịch trong trường hợp không có vaccine. Các mô hình tài trợ tương tự có thể hỗ trợ sự phát triển của một số loại vaccine cúm toàn cầu.

Dĩ nhiên, các loại vaccine mới này sẽ ít hữu dụng nếu chính phủ các nước không đảm bảo rằng người dân hiện có nguy cơ nhiễm bệnh ở nước mình được tiếp cận với vaccine. Đảm bảo tiếp cận cũng tạo động lực cho các quốc gia đang phát triển tham gia tích cực vào quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine. Năm 2007, Indonesia đã giữ lại các mẫu virus cúm H5N1 không giao cho WHO nhằm phản đối việc các công ty ở các nước phát triển thường sử dụng mẫu bệnh miễn phí do các nước có nền kinh tế đang phát triển cung cấp, để sản xuất ra vaccine và các biện pháp trị bệnh khác mà không hoàn trả bất kỳ lợi nhuận hay lợi ích đặc biệt nào cho người hiến mẫu.

Trên cả tài trợ nghiên cứu và phát triển, hợp tác quốc tế có thể thúc đẩy sự chuẩn bị ứng phó dịch bệnh bằng cách ủng hộ hệ thống tích trữ tập trung vaccine và thuốc men để triển khai ở nơi cần nhất. Sự hợp tác như vậy có lợi thế rõ rệt so với việc mỗi quốc gia tự tích trữ một hệ thống thuốc y sinh của riêng mình. Trong khi một vài quốc gia cần đến một loại thuốc chữa bệnh hơn các quốc gia khác, chúng ta nên thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ chi phí vì lợi ích chung - toàn cầu không dịch bệnh. Thêm vào đó, trong hầu hết các trận dịch bệnh lớn, dù các quốc gia thịnh vượng có rủi ro tác động sức khỏe tương đối thấp, nhưng vẫn phải chịu thiệt hại kinh tế lớn – thậm chí từ các dịch bệnh ở rất xa, do quy mô của nền kinh tế và sự phụ thuộc vào ngoại thương.

Nếu bùng phát dịch xảy ra và trở thành gánh nặng y tế đáng kể, có các công cụ để hạn chế rủi ro thảm họa kinh tế. Cũng như các thảm họa tự nhiên, ngành bảo hiểm có thể giúp phân tán gánh nặng kinh tế cho nhiều ngành nghề và khu vực. Ưu tiên nhân sự chẳng hạn như nhân viên chăm sóc y tế, quân nhân và nhân viên hướng dẫn công cộng đến phân bổ phương pháp phòng trị y sinh trong một đợt bùng phát có thể giúp bảo vệ các nguồn lực kinh tế quan trọng.

Chúng ta không thể dự đoán liệu loại vi sinh vật nào sẽ nổi lên trong đợt dịch lớn tiếp theo, hay nguồn gốc của chúng ở đâu, hay hậu quả sẽ tàn khốc như thế nào. Nhưng miễn là con người và các mầm bệnh lây nhiễm còn cùng tồn tại, bùng phát và dịch bệnh chắc chắn sẽ xảy ra và gây ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Điều lạc quan là chúng ta có thể thực hiện các bước đi chủ động tích cực để quản lý rủi ro do dịch bệnh và làm giảm nhẹ tác động của chúng. Hành động đoàn kết cùng mục tiêu ở các cấp địa phương, quốc gia và liên quốc gia nên bắt đầu càng sớm càng tốt.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Dịch bệnh và Kinh tế " tại chuyên mục Khoa học quản lý.