Dịch COVID-19: Mối đe dọa mới từ biến chủng mang tên Lambda

Quỳnh Giang (t/h)

10/08/2021 22:22

Biến chủng Lambda có nguồn gốc tại Peru, được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh và kháng vaccine cao, sau khi hoành hành tại Nam Mỹ đã lan tới nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản.

lambda-1628602449.jpg

Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu cam) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Mỹ ngày 31/3/2021. (Ảnh: AFP )

Việc Nhật Bản, quốc gia châu Á đang áp đặt tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh thành do dịch COVID-19, công bố phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2,  đang khiến dư luận lo ngại.

Như vậy, loại biến thể mới có có nguồn gốc tại Peru, được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh và kháng vaccine cao, sau thời gian hoành hành tại Nam Mỹ đang có chiều hướng lan ra các châu lục khác.

Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên tại Peru cuối năm ngoái với tên ban đầu là C.37, song phải đến ngày 14/6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới xếp biến thể này vào danh mục biến thể cần chú ý, mức thấp hơn so với các biến thể cần quan tâm như biến thể Delta.

Đến cuối tháng 6, biến thể Lambda xuất hiện ở gần 30 nước. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, Lambda đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại các quốc gia Mỹ Latinh. 

Tại Peru, quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, tính từ tháng  4/2021 đến nay, hơn 80% bệnh nhân Covid-19 mắc biến thể Lambda.

Đáng chú ý hơn là tại Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong do COVID-19. Các kết quả phân tích gene cho thấy hơn 1.000 ca bệnh nhiễm biến thể Lambda đã được phát hiện tại 44 bang của nước Mỹ. Dù biến thể Delta vẫn đang là mối lo ngại chính lúc này tại Mỹ, nhưng giới chức cũng không ngừng theo dõi diễn biến lây lan của biến thể Lambda. 

Theo báo cáo của  Viện nghiên cứu quốc hội, một cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ, tới nay ít nhất  41 nước đã ghi nhận những ca đầu tiên mắc biến thể này.

Mặc dù vẫn còn nhiều “bí ẩn” của biến thể này cần tiếp tục được nghiên cứu, song giới chuyên gia cho rằng với tốc độ lây lan như hiện nay, nếu không được ngăn chặn, biến thể Lambda hoàn toàn có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng khác tương tự như cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ “cơn sóng thần” biến thể Delta.

Theo một  nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Nhật Bản, so với chủng gốc, biến thể Lambda mang 7 đột biến, trong đó có những đột biến liên quan đến việc tăng khả năng truyền nhiễm hoặc tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa, trong khi “sự kết hợp bất thường” của các đột biến có thể làm cho biến thể Lambda lây nhiễm mạnh hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2 và có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn. Cho đến nay, có vẻ Lambda có tốc độ lây nhanh hơn chủng SARS-CoV-2 ban đầu, tương tự như biến thể Delta và các biến thể khác.

Quỳnh Giang (t/h)