Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam dễ tổn thương

dang.pham

Dịch Covid-19 diễn ra đồng thời làm bộc lộ tính dễ tổn thương của doanh nghiệp bán lẻ.

Ước chừng khoảng 10 mặt bằng đăng thông tin cho thuê lại trên một đoạn đường Nguyễn Trãi,  ngay trung tâm Quận 1, dài chưa đến 500m - nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại những mặt bằng trên đường các con đường khác như Lý Tự Trọng, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM.

Tại đường Phan Xích Long - nơi tập trung đa phần các cửa hàng kinh doanh ăn uống, cũng xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng treo biển cho thuê. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra rải rác vài cửa hàng nhỏ trên cùng tuyến đường, tỉ lệ thấp hơn nếu so với những con đường có nhiều cửa hàng thời trang như Lý Tự Trọng, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng 8. 

Các cửa hàng có tiềm lực mạnh như Hutong, hay Hoàng Yến trên Phan Xích Long - nơi chiếm những vị trí đắc địa trong thành phố vẫn hoạt động bình thường. Trong khi đó, Canifa - một thương hiệu thời trang Việt Nam buộc phải đóng cửa cửa hàng của mình trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ thời trang có xu hướng đóng cửa nhiều hơn so với cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thời điểm hiện tại.

Trong khu vực trung tâm, các cửa hàng thời trang thương hiệu nội địa có phân khúc tầm trung, chịu ảnh hưởng nhiều hơn các cửa hàng có phân khúc cao hơn. Đồng thời một số mặt bằng khác trên cùng tuyến đường cũng đang tiến hành sửa sang, lắp đặt và thay mới biển hiệu.

Nhiều ý kiến cho rằng, Covid-19 là nguyên nhân chính khiến các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Trước đó, dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán đúng dịp Tết Nguyên Đán, Trung Quốc và nhanh chóng lan sang các nước. Ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam hồi cuối tháng 1.2020.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này, mọi chuyện không hẳn là như vậy. Dịch bệnh diễn ra cùng thời điểm mùa thấp điểm của thời trang. Điều này khiến lượng khách có nhu cầu mua sắm vốn đã thấp càng trở nên thấp hơn vì e ngại dịch bệnh. Vốn dĩ trước đó, thị trường bán lẻ luôn hấp dẫn bởi những thông tin về dòng tiền đổ vào. Tuy nhiên, khi những yếu tố như dịch bệnh diễn ra bất ngờ và có diễn biến bất thường khiến doanh nghiệp bán lẻ bộc lộ những điểm yếu.

Tương tự sức đề kháng của con người, bệnh dịch khiến những điểm yếu trong nội tại của ngành bộc lộ, đặc biệt với những ngành cần traffic (lượng khách hàng đến quán). Chỉ một khủng hoảng diễn ra như dịch bệnh cũng dễ làm doanh nghiệp bán lẻ trong những lĩnh vực như ăn uống hay thời trang - lĩnh vực phải gánh phí mặt bằng cao có nguy cơ rơi vào tình trạng đóng cửa.

Ngành bán lẻ thời trang bấy lâu vốn đã phải san sẻ traffic (lượng khách hàng mua sắm) với các hình thức thương mại điện tử. Khi gặp những khủng hoảng như bệnh dịch hay suy thoái kinh tế, phần nào dẫn đến xu hướng đóng cửa trả mặt bằng nhiều hơn như vừa qua. 

Bệnh dịch chỉ là giọt nước tràn ly của các vấn đề bên trong doanh nghiệp bán lẻ. Trước khi Covid-19 bùng phát, ông Mai Trường Giang, sáng lập và quản lý chuỗi bánh kem Chewy Junior cũng chia sẻ, với mức độ cạnh tranh như ở thời điểm hiện tại, chỉ có những công ty có tiềm lực về vốn, do các quỹ đầu tư bơm tiền mới có thể trụ được lâu trên thị trường. Kinh doanh bán lẻ mặt phố từ lâu đã bùng nổ cuộc đua của các chuỗi. Tuy nhiên, dịch bệnh, mà khả năng cao là một cuộc khủng hoảng kinh tế khó tránh khỏi do Covid-19 để lại đang thử sức bền của các doanh nghiệp.


Dâng Phạm

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam dễ tổn thương" tại chuyên mục Khoa học quản lý.