Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao

thunguyen

03/09/2019 15:37

Lãi suất bình quân của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành trong tám tháng đầu năm là 10,01%, cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Thống kê được SSI Research đưa ra trong báo cáo về Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 8 tháng 2019. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng gần 37 nghìn tỉ đồng, tương đương 31,5% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong kỳ.

Các dự án bất động sản chen chúc nhau tại trung tâm quận I - Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Bảo Zoãn)
Các dự án bất động sản chen chúc nhau tại trung tâm quận I - Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Bảo Zoãn)

Ngân hàng đứng đầu trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị trái phiếu phát hành trên 56 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 48% khối lượng trái phiếu phát hành. Tuy nhiên lãi suất bình quân trái phiếu do ngân hàng phát hành chỉ ở mức 6,75%/năm - thuộc nhóm có lãi suất thấp nhất.

Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh có nhu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để đảm bảo an toàn hệ thống, các ngân hàng thương mại đang bị hạn chế các khoản vay trong lĩnh vực này với tiêu chuẩn cho vay ngày càng khắt khe. Nhu cầu vay vốn tăng cao trong khi việc vay vốn ngân hàng đang trở nên khó khăn khiến các doanh nghiệp bất động sản buộc phải huy động vốn với lãi suất cao. Nhóm trái phiếu có lãi suất từ 10 - 11%/năm chiếm 41,5% trong tổng giá trị trái phiếu bất động sản phát hành, theo thống kê của SSI Research. Kỷ lục về lãi suất trái phiếu phát hành thuộc về lô trái phiếu trị giá 200 tỉ đồng của Bất động sản Phát Đạt với lãi suất 14,45%/năm, kỳ hạn 12 tháng.

Cơ cấu trái phiếu bất động sản theo lãi suất (Nguồn: SSI Research)
Cơ cấu trái phiếu bất động sản theo lãi suất (Nguồn: SSI Research)

Bị hạn chế cho vay các dự án bất động sản, các ngân hàng thương mại lại là đối tác mua tới một phần năm khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành, tương đương trên 7,4 nghìn tỉ đồng.

SSI Research nhận định, việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn vì các ngân hàng này có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại yêu cầu tăng cường kiểm soát các hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nói chung.

Sau nghị định 163 của Chính phủ, với việc nới lỏng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, tám tháng đầu năm đã có tổng cộng trên 117 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được chào bán thành công, tương đương 10,2% quy mô GDP cả nước.

Các ngân hàng thương mại tham gia sâu vào thị trường trái phiếu, đứng đầu cả về khối lượng phát hành lẫn khối lượng mua vào, đều trên 56 nghìn tỉ đồng. Mức lãi suất bình quân của trái phiếu ngân hàng là 6,75%/năm, tương đương lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại lớn, do vậy không hấp dẫn các nhà đầu tư thông thường. SSI Research nhận định có thể các ngân hàng thương mại đang sở hữu chéo trái phiếu của nhau nhằm gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước.


Đan Nguyên

thunguyen