Đông Nam Á đang là chiến trường mới của các siêu ứng dụng

dang.pham

31/07/2019 12:35

Ngày 29.7, siêu ứng dụng Grab công bố khoản đầu tư 2 tỉ USD vào thị trường Indonesia, quốc gia mà đối thủ Gojek đang chiếm thị phần áp đảo.

Indonesia là quốc gia tại Đông Nam Á nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư vào các nền tảng gọi xe trực tuyến.

Grab tuyên bố sẽ đầu tư 2 tỉ USD vào Indonesia trong khoảng thời gian năm năm. Mục đích của khoản đầu tư là phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng kĩ thuật số tại Indonesia.

Trước khi công bố với báo chí, Chủ tịch - CEO của Tập đoàn SoftBank, ông Masayoshi Son và CEO Grab, Anthony Tan đã có cuộc gặp gỡ với tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Quốc gia này cũng chia sẻ tham vọng trở thành nền kinh tế kĩ thuật số lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á trong những năm tới. Trong đó Indonesia sẽ tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái cho xe điện.

Ảnh: Grab
Ảnh: Grab

Trước khi Uber bán thị phần tại Đông Nam Á cho Grab, Gojek - đối thủ địa phương là ứng dụng chiếm thị phần cao nhất tại Indonesia, khoảng 80%, theo Ủy ban Cạnh Tranh của Indonesia. Đến cuối năm 2018, Grab công bố chiếm 60% thị phần gọi xe máy trực tuyến và 70% thị phần gọi xe ô tô trực tuyến tại Indonesia.

Mặc dù tại một số nước trong khu vực mà điển hình là Việt Nam, Gojek chưa mở rộng nhiều dịch vụ như Grab nhưng tại Indonesia, Gojek cũng nở rộ các dịch vụ từ logistics, thanh toán điện tử, thức ăn, cho tới mua vé và chăm sóc cá nhân. Tính đến nay, Gojek gọi vốn thành công hơn 3 tỉ USD từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới như JD.com, Google, Mitsubishi. Gần đây nhất, Visa công bố đầu tư vào mảng thanh toán điện tử của Gojek.

Việc SoftBank rót 2 tỉ USD cho Grab sẽ tiếp sức cho ứng dụng này đẩy mạnh tại quốc gia có tiềm năng phát triển quy mô kinh tế số mạnh nhất khu vực. Indonesia là thị trường có quy mô nền kinh tế số lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính lên tới 100 tỉ USD vào năm 2025, theo báo cáo của Google và Temasek.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực di chuyển, với khoản đầu tư mới, siêu ứng dụng Grab còn tìm cách phát triển các lĩnh vực khác như dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến (e-healthcare) trong vòng vài tháng tới. Trong dài hạn, Grab muốn xây dựng trụ sở thứ hai tại đây, bao gồm một trung tâm nghiên cứu tại thủ đô Jakarta và biến đây thành trụ sở chính cho dịch vụ giao thức ăn GrabFood - dịch vụ giao thức ăn lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Với độ phủ tại 224 thành phố, Indonesia là thị trường lớn nhất của Grab, Anthony Tan, CEO Grab nói trong thông cáo báo chí. Anthony cũng cho biết, Grab xem Indonesia như thị trường kiểu mẫu cho khu vực.

Từ năm 2017, Grab đã đầu tư 1 tỉ USD vào thị trường Indonesia. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED), Indonesia là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là quốc gia duy nhất có mặt trong G20 - Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên do dân số đông gần 270 triệu người năm 2018, theo WorldBank, đứng thứ tư thế giới về dân số và thứ ba châu Á nên thu nhập bình quân của người dân vẫn ở mức thấp. Lãnh thổ có hơn 14 nghìn đảo.

Hệ sinh thái công nghệ của Indonesia ngày càng mở rộng, theo nhận xét trong báo cáo của e27, công ty chuyên nghiên cứu về công nghệ tại châu Á. Indonesia hiện có tới bốn kì lân công nghệ gồm Go-Jek, Tokopedia, Traveloka, và Bukalapak. Từ năm 2017, quốc gia này chứng kiến nhiều công ty công nghệ bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Mới đây, Tập đoàn SoftBank đến từ Nhật Bản cũng công bố quỹ SoftBank Vision Fund với quy mô 108 tỉ USD đầu tư tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó SoftBank đóng góp hơn 30%.

Dâng Phạm

dang.pham