Fed giảm lãi suất là tín hiệu tốt với thị trường

thunguyen

16/03/2020 16:47

Việc giảm lãi suất của Fed - Ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới chưa giúp các chỉ số chứng khoán khởi sắc ngay lập tức, nhưng là tín hiệu tốt trong dài hạn.

Đêm qua, 15.3 theo giờ Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp ngay trước cuộc họp thường kỳ, đưa lãi suất cơ bản xuống mức từ 0 - 0,25%. Quyết định giảm lãi suất được đưa ra đồng thời với gói nới lỏng định lượng (QE) trị giá 700 tỉ USD - trong nỗ lực giảm ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Việc giảm lãi suất khiến các khoản vay trở nên “rẻ” hơn, đồng thời một lượng tiền lớn được bơm ra ngoài thị trường qua gói QE, được kỳ vọng là tín hiệu tốt với thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.

Tuy nhiên, bất kể nỗ lực từ Fed, các chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ và trên thế giới đều quay đầu giảm điểm trong phiên 16.3: Dow Jones giảm hơn 9%, NASDAQ 100 giảm 5%, Nikkei 225 giảm 3%, S&P 500 giảm 5%…

Nỗi lo khi dịch bệnh COVID-19 lây lan khắp thế giới khiến kinh tế toàn cầu trở nên u ám do người dân hạn chế hoạt động, tiêu dùng, và doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực ngay cả với tin tốt là Fed giảm lãi suất và tung gói QE 700 tỉ USD.

Các quỹ đầu tư đang bán hầu hết các tài sản: cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí vàng, để mua trái phiếu chính phủ Mỹ, hoặc đưa về tiền mặt. Việc giảm lãi suất và gói QE sẽ giúp thị trường giảm rủi ro hệ thống, giảm tâm lý sợ hãi. Người ta tin được rằng luôn có tiền mua lại các tài sản tài chính của mình, là trái phiếu, các khoản vay,… vì vậy sẽ giảm áp lực bán tháo - ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư SGI nhận xét.

Hiện nay các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu khống chế được dịch bệnh sau một thời gian ngắn thực thi nghiêm ngặt các biện pháp phong toả, kiểm soát các nguồn lây lan. Đang lan sang Mỹ và các nước châu Âu, tình hình khiến người dân các nước phát triển bắt đầu lo sợ và bớt chủ quan. Nỗ lực ngăn cản dịch bệnh từ Mỹ, Ý có thể sớm có hiệu quả, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Trong khi dịch bệnh đang kéo các chỉ số chứng khoán giảm điểm, thì lãi suất mới và gói QE từ Fed được kỳ vọng giúp thị trường phục hồi. “Trong khoảng một đến hai tuần tới” - ông Phúc cho rằng thị trường sẽ ổn định trở lại khi dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu bắt đầu ổn định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 16.3. VnIndex đóng cửa tại mức điểm 748, giảm 1,83% so với phiên cuối tuần trước. “Thị trường Việt Nam chưa thể tách ra khỏi xu hướng chung của thị trường thế giới” - ông Phúc nhận định.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Fed giảm lãi suất là tín hiệu tốt với thị trường" tại chuyên mục Tài chính.