Gỡ nút thắt xuất khẩu nông sản

dang.pham

14/10/2020 13:03

Nhu cầu rau củ quả nhiệt đới của các thị trường trên thế giới ngày càng tăng cao nhưng những rào cản về kĩ thuật đang là thách thức cản trở tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam.

Theo giám đốc phát triển kinh doanh của Green Yard, một trong những nhà phân phối nông sản dẫn đầu thị trường toàn cầu với mạng lưới hoạt động trên 25 quốc gia, nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới tại khu vực châu Âu trong những năm tới sẽ tăng từ 5% lên tới 8% và mở ra nhiều cơ hội cho các nước như Việt Nam. Người Châu Âu ưa chuộng những loại trái cây nhiệt đới đặc biệt như bưởi, chanh dây, vải, chôm chôm.

Tuy nhiên, một trong những thách thức nhập khẩu vào thị trường châu Âu như Anh quốc là nhiều tiêu chuẩn chất lượng khắt khe về việc giới hạn hàm lượng chất bảo vệ thực vật. Nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam muốn bán hàng cho thị trường châu Âu thì phải đạt được những tiêu chuẩn đó và cam kết trong lâu dài, theo nhà báo Ben Briggs, Nghiên cứu kinh tế chính sách nông nghiệp Farmers Weekly.

Ngày 12.10, UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam tổ chức Lễ công bố dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường Châu Âu, Trung Đông và khởi công kho lạnh thông minh tại Trà Vinh.

Kho lạnh với công nghệ IoT là một trong những tiêu chuẩn để hàng hoá xuất sang thị trường châu Âu và Trung Đông. Từ lâu, kho lạnh đã được biết đến với mắt xích quan trọng trong việc bảo quản nông sản tươi ngon, chất lượng trong thời gian dài, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thông tin sản phẩm, cũng như hỗ trợ nông dân quản lý, quy hoạch vùng trồng. Ngoài ra, việc kho lạnh được trang bị hệ thống năng lượng mặt trời sẽ giúp tiết kiệm điện, chi phí và bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành.

Kho lạnh thông minh đầu tiên của Trà Vinh là khởi đầu cho chuỗi Dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường Châu Âu, Trung Đông do Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam khởi xướng.

Quy mô dự án kho lạnh thông minh tại tỉnh Trà Vinh ước tính vào khoảng 1,1 triệu USD, tương ứng với 24,5 tỉ đồng. Trong đó vốn tài trợ vào mức 900 nghìn USD chiếm gần 84% trong tổng dự án. Vốn đối ứng từ địa phương là 150 USD, tương đương 16%. Dự kiến khi xây xong, kho lạnh thông minh có hệ thống cảm biến IoT để điều tiết, giám sát chặt chẽ môi trường bảo quản nông sản thông qua điều khiển từ xa; tự động đăng ký, kiểm soát chi tiết sản phẩm (loại, nguồn gốc, chất lượng, kích cỡ, tên nhà vườn…).

“Trong kế hoạch tương lai, kho lạnh thông minh đầu tiên tại tỉnh Trà Vinh thuộc giai đoạn 1 của dự án hỗ trợ xây dựng, phát triển một hệ thống logistics thông minh”, Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam cho biết.

Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam là đại diện đã phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức khởi công dự án mô hình trình diễn kho lạnh thông minh tại huyện Bình Phú, tỉnh Trà Vinh với nguồn kinh phí tài trợ từ uỷ ban FineExpo (Bỉ) do công ty IceLoft làm đơn vị đầu tư phi công. Toàn bộ nguyên liệu, máy móc xây dựng được nhập khẩu từ Bỉ.

“Chúng tôi muốn hỗ trợ cho nông dân vì khoảng cách từ Việt Nam đến châu Âu rất xa nhưng chất lượng vẫn phải được đảm bảo”, Marc Van Bouwel, Giám đốc vận hành của Ice Loft phát biểu. Ông Marc cũng cho biết, mục tiêu của Ice Loft sẽ là xây dựng chuỗi Logistics Lạnh Thông minh hoàn chỉnh với công nghệ làm nền tảng. Sự hợp tác giữa Ice Loft, Viện Kinh tế xanh, với sự hỗ trợ của UBND Tỉnh Trà Vinh sẽ thử nghiệm và ra mắt.

Đại diện Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam cũng cho biết thêm, Quỹ đang kết nối, vận động tài trợ từ các nguồn lực xã hội và quốc tế để thực hiện dự án xây dựng chuỗi năm kho lạnh thông minh tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Những kho lạnh này sử dụng công nghệ cảm biến IoT để điều tiết, giám sát chặt chẽ môi trường bảo quản nông sản thông qua điều khiển từ xa; tự động đăng ký, kiểm soát chi tiết sản phẩm (loại, nguồn gốc, chất lượng, kích cỡ, tên nhà vườn…).

“Chúng tôi đã kết nối với những nhà phân phối lớn ở ngoài nước như Green Yard để giải quyết đầu ra nông sản cho bà con nông dân. Khi người nông dân cùng theo những chuẩn mà dự án đưa ra thì sẽ có đầu ra bền vững, cải thiện đời sống”, bà Diệp nói.

Mỗi năm, Green Yard cung cấp ra thị trường 1,7 triệu tấn trái cây, rau tươi cùng 770 nghìn tấn rau quả đông lạnh và chế biến sẵn từ những vùng trồng trên toàn thế giới và Greenyard cũng là nhà cung cấp các sản phẩm rau củ quả cho 20 nhà bán lẻ hàng đầu của EU.

Theo các chuyên gia Green Yard tại châu Âu, Việt Nam là đối tác thương mại ngày càng quan trọng. Đại diện của Green Yard cũng cho biết, sản lượng trái cây công ty này nhập khẩu từ Việt Nam sang châu Âu ngày càng tăng. Hiệp định thương mại EVFTA của Việt Nam được thông qua, tạo cơ hội cho việc xuất khẩu trái cây từ Việt Nam sang các nước châu Âu. Trong bối cảnh này, hầu hết các mặt hàng của Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế, tạo nên sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường châu Âu. Thị trường châu Âu luôn quan trọng tính bền vững trong quá trình sản xuất trái cây, hoa quả. Do đó, người sản xuất phải thận trọng trong việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Green Yard sẽ làm việc chặt chẽ với Viện Kinh tế xanh và Ice-loft như một đối tác cung cấp kiến thức cho nông dân Việt Nam.

Viện Kinh tế Xanh việt Nam cũng làm việc với đại diện Tập đoàn Sunbullah (Ả Rập Xê Út) và mở ra cơ hội để trái cây Việt Nam có thể tiếp xúc với thị trường 2 triệu người. Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam có chiều hướng tiêu thụ tích cực ở thị trường Ả Rập Xê Út, Sunbullah sẵn sàng hỗ trợ để phân phối vì nhìn thấy tiềm năng từ sản phẩm Việt Nam, đại diện Tập đoàn Sunbullah (Ả Rập Xê Út) cho biết.

Để hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam cho biết, Quỹ đã kết nối với các doanh nghiệp lớn như chuỗi siêu thị Coop Mart, nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood… để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa song song với việc kết nối các các nhà phân phối hàng đầu thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu sang Châu Âu và Trung Đông.

Đã có 400 hộ nông dân đăng kí tham gia vào dự án Nông dân Khởi nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu và Trung Đông. Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam cũng cho biết đang phối hợp với nông dân trong bán kính 50km xung quanh khu vực kho lạnh để người dân hiểu được lợi thế của thị trường khó tính. Sau khi dự án tại Huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh thành công, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng tới các huyện khác tỉnh khác của ĐBSCL, tiến tới giai đoạn 2 của dự án.

Phía nhà đầu tư Bỉ cũng đồng ý chuyển giao công nghệ kho lạnh cho Việt Nam để tự chủ động quản lý với chi phí tốt nhất. Trong đó, vai trò của Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam sẽ là “hỗ trợ về khoa học công nghệ, kết nối đầu vào đầu ra”.

Đại diện Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam cho biết, mục đích của dự án thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, từ tài chính, thị trường đến khoa học, công nghệ, nhân lực để nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng vì sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng logistic hiện đại.

Trong đó, Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo giúp nông dân sử dụng thuần thục công nghệ trong sản xuất, làm ra sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp nông dân nâng cao năng lực và trở thành nhà cung ứng của chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Bên cạnh đó, dự án cũng đồng hành hỗ trợ tài chính, cây giống, phân bón vi sinh… giúp nhà nông tăng năng suất, hiệu quả canh tác xanh, bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Thông tin doanh nghiệp





dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Gỡ nút thắt xuất khẩu nông sản" tại chuyên mục Doanh nghiệp.