Hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ vì đầu tư chứng khoán: Cú ngã ngựa của các F0 “tay to”

Hồng Anh

25/07/2022 14:25

Nhiều doanh nghiệp từng lãi đậm nhờ đầu tư chứng khoán trong 2 năm trước giờ bắt đầu nhận “trái đắng” khi thị trường quay đầu.

Còn nhớ, vào năm 2021, shark Phú – Chủ tịch HĐQT của Sunhouse từng tiết lộ, năm 2020, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm khoảng 30% lợi nhuận Sunhouse. Đây là trường hợp điển hình của các doanh nghiệp “tranh thủ” đầu tư chứng khoán để cứu vãn lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn vì đại dịch. Có những doanh nghiệp gặp thời nhờ Covid, nhưng cũng “tranh thủ” xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán để đầu tư kiếm lời.

Có lẽ đây là dòng tiền lớn đổ vào, góp phần làm thị trường bùng nổ trong 2 năm qua.

doanhnghiep-dau-tu-chung-khoan-1658733905.jpg

Nhiều doanh nghiệp từng lãi đậm nhờ đầu tư chứng khoán trong 2 năm trước giờ bắt đầu nhận “trái đắng” khi thị trường quay đầu

Tuy nhiên cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, khi thị trường chứng khoán “sập” từ tháng 4 năm nay, báo cáo tài chính quý 2/2022 của một loạt doanh nghiệp đã trở nên thê thảm.

Được “chế giễu” nhiều nhất trong mùa BCTC năm nay có lẽ là CTCP Licogi 14 (mã L14). Công ty này có thành viên HĐQT là ông Nguyễn Mạnh Tuấn cực kỳ nổi tiếng trên thị trường với bí danh A7, cũng là người được thị trường cho là “lái chính” của DIG, CEO – những cổ phiếu làm mưa làm gió nhất thị trường thời gian qua. Tuy nhiên, L14 có vẻ đã thua lỗ đau đớn cũng bởi chính những cổ phiếu này.

Trong quý 2/2022, L14 đạt 88 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoai nhưng lỗ sau thuế lên đến 346 tỷ đồng. Cùng kỳ, công ty lãi 22,8 tỷ đồng và trước đó vẫn lãi 112 tỷ đồng.

Lý do chính là do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính, khiến cho chi phí tài chính tăng vọt lên 402 tỷ đồng (Trong đó, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên đến 375 tỷ đồng, còn lại là lỗ do thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn) và doanh thu tài chính chỉ 7,2 tỷ đồng. Quý liền trước, công ty này lãi 148 tỷ đồng từ đầu tư cổ phiếu.

Trong BCTC quý 2, L14 không công bố danh mục đầu tư nhưng tại BCTC năm 2021, L14 đã tiết lộ danh sách nắm giữ đến cuối năm bao gồm gần 7,8 triệu cổ phiếu CEO; 2,9 triệu cổ phiếu DIG. Với giá gốc là hơn 486 tỷ đồng, khoản đầu tư lúc đó có mức lãi dự tính gần 330 tỷ đồng.

Sau 6 tháng đầu năm 2022, danh mục chứng khoán của L14 tăng giá trị gốc lên 688 tỷ đồng. Với dự phòng giảm giá chứng khoán là 379 tỷ đồng, các cổ phiếu L14 đang sở hữu đã lỗ hơn 50%.

Dù vậy, L14 khẳng định tất cả các mã chứng khoán đang đầu tư đều là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, có nền tảng tài chính vững mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

a7-1658574610-1658733855.jpg

"Thầy" A7 xuất bản sách về đầu tư chứng khoán

“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) đã có một năm kinh doanh cực kỳ thuận lợi khi giá cá tra vào chu kỳ tăng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nổi tiếng bởi việc “lấn sân” sang đầu tư chứng khoán. Trong báo cáo quý 2/2022, chi phí tài chính của VHC đạt 110 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 153 tỷ đồng tăng 231%. Vĩnh Hoàn đang gửi ngân hàng 1.522 tỷ đồng và đầu tư chứng khoán gần 200 tỷ đồng đa phần là các cổ phiếu xây dựng và bất động sản như Nam Long, Đất Xanh, Kinh Bắc. Khoản đầu tư cổ phiếu này đang phải trích lập dự phòng gần 63 tỷ đồng, khoảng hơn 30%.

vhc-1658574677-1658733855.png

Danh mục đầu tư cổ phiếu của Nữ hoàng Cá tra

Trong khi đó, một công ty nhỏ là Đá Hóa An đã đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát và nhận về một tài khoản lỗ.

BCTC của công ty này ghi nhận chi phí tài chính quý 2/2022 lên tới 21 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ - chủ yếu là khoản trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn/dài hạn. Đến 30/6/2022 Hoá An có khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 86 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (giá trị tạm tính hơn 78 tỷ đồng), một phần vào cổ phiếu TTC của gạch men Thanh Thanh và cổ phần của Du lịch Phú Yên. Trong đó số cổ phần đầy tư vào Du lịch Phú Yên và Gạch Men Thanh Thanh vẫn giữ nguyên như số dư đầu năm.

Đối với khoản đầu tư vào HPG, số dư đầu năm 300.000 cổ phiếu với giá trị đầu từ hơn 15,26 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân gần 50.900 đồng/cổ phiếu. Đến cuối quý 2/2022 Hoá An tiếp tục mua thêm 2,24 triệu cổ phiếu HPG, nâng tổng lượng nắm giữ đến cuối kỳ lên 2,54 triệu cổ phiếu với giá trị đầu tư gần 78,16 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 30.771 đồng/cổ phiếu.

HPG đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 6/2022 ở mức 22.300 đồng/cổ phiếu khiến DHA phải trích lập dự phòng hơn 20 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào HPG.

Một doanh nghiệp nổi tiếng khác là CTCP Nhà Đà Nẵng (NDN). Trong quý 2/2022, NDN chỉ ghi nhận doanh thu thuần 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 185 tỷ đồng. Đối với hoạt động cốt lõi là chuyển nhượng bất động sản, Công ty không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào.

Về hoạt động đầu tư, Công ty chỉ ghi nhận lãi 356 triệu đồng từ hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng khoản lỗ trong kỳ lên tới hơn 52 tỷ đồng. Khoản lỗ từ đầu tư cổ phiếu khiến chi phí tài chính của Công ty đội lên gần 129 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.

Danh mục đầu tư của NDN tập trung chủ yếu ở 2 cổ phiếu là SHB và TCB. Theo thuyết minh của Công ty, giá trị khoản đầu tư ở 2 cổ phiếu này tại thời điểm 30/06/2022 giảm lần lượt hơn 37% và 31% so với thời điểm mua vào.

Với sự suy giảm ở cả lĩnh vực bất động sản lẫn đầu tư cổ phiếu, NDN lần đầu báo lỗ sau thuế trong một quý với 114 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế gần 85 tỷ đồng. Khoản lỗ trong quý 2 kéo kết quả nửa đầu năm của Công ty lỗ gần 91 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng).

Sự cố của NDN bắt đầu vào chiều ngày 07/12/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quang Trung, cựu Tổng Giám đốc NDN, về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 BLHS.

Sau sự việc trên, HĐQT NDN đã bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Minh Khoa vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT trong ngày 07/12. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 08/12/2021. Trước đó, ông Khoa từng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT tại Công ty.

Còn ông Nguyễn Quang Trung bị miễn nhiệm với lý do sức khỏe và chính thức không còn giữ chức vụ kể từ ngày 07/12/2021.

Ngoài các doanh nghiệp đã “nổi danh” trên TTCK, một công ty sản xuất phụ tùng ô tô là CTCP Đầu tư CMC (mã CMC) cũng “nhẹ nhàng” đầu tư chứng khoán nhưng thua lỗ.  Trong quý 2, chi phí tài chính của CMC tăng mạnh gấp gần 3,5 lần cùng kỳ lên đến 9,7 tỷ đồng do trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán và khiến cho CMC lỗ ròng hơn 6,4 tỷ đồng - quý lỗ đầu tiên kể từ quý 3/2020. 

Cuối quý 2, giá trị chứng khoán kinh doanh ở mức 28,9 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, danh mục đầu tư chứng khoán của CMC đến thời điểm cuối năm ghi nhận thêm nhiều cổ phiếu mới trong đó có 75.000 cổ phiếu HPG - giá mua trên 37.000 đồng; 69.000 cổ phiếu VLC - giá mua trên 30.000 đồng và khoản đầu tư bổ sung hơn 240.000 cổ phiếu GEX - giá mua bình quân hơn 38.000 đồng. CMC đã trích lập dự phòng 5,2 tỷ đồng đối với cổ phiếu GEX và 1,1 tỷ đồng đối với cổ phiếu HPG. Ngoài ra còn có các khoản trích lập dự phòng rủi ro hàng trăm triệu đồng đối với các mã LTC, VLC hay EVG.

Hồng Anh