Hiện tượng Trump và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Jackson

tamvu

25/08/2019 10:07

Giờ là lúc để hiểu về “Chủ nghĩa Jackson”, khái niệm đặt theo tên cố Tổng thống Mỹ Andrew Jackson - cha đẻ của chủ nghĩa dân túy vốn rất được lòng tầng lớp bình dân da trắng Mỹ.

Trong bài luận “The Return of Jacksonianism: the International Implications of the Trump Phenomenon” (tạm dịch: Sự trở lại của Chủ nghĩa Jackson: Các hàm ý quốc tế của Hiện tượng Trump), học giả người Hàn Quốc Taesuh Cha* bàn về sự trỗi dậy của “Hiện tượng Trump” và mối đe dọa của chủ nghĩa Jackson đối với chủ nghĩa tự do của thế giới sau Thế chiến II.

Bức tranh D. M. Carter vẽ cố Tổng thống Mỹ Andrew Jackson

Về học thuyết Jackson

Theo Taesuh Cha, Hiện tượng Trump (Trump Phenomenon) là sự kiện không mới trong lịch sử Mỹ. Nó là phiên bản mới nhất của làn sóng Jackson ở những bang phía nam và trung tây nước Mỹ. Trong văn cảnh này, theo tác giả, chủ nghĩa Jackson được miêu tả như một hệ thống lý tưởng dân túy, phi tự do, có từ sự mâu thuẫn từ những ngày đầu giữa những người định cư châu Âu và cư dân Mỹ bản địa.

Chủ nghĩa này xây dựng nước Mỹ thành một “cộng đồng dân được gắn chặt vào nhau bởi sắc tộc và văn hóa”, với cốt lõi là “một cảm thức mạnh mẽ về nhân dạng da trắng và thù địch dành cho những sắc dân khác”, tác giả dùng chữ của nhà khoa học chính trị Anatol Lieven.

Một mặt, chủ thuyết này được xây dựng để chống lại tầng lớp thống trị tinh hoa sống ở đô thị và tách rời thần quyền ở vùng bờ Đông nước Mỹ. Ngay từ thời lập quốc, những người định cư ở phía Nam và Tây nước Mỹ đã bày tỏ “sự ghét bỏ mang tính vùng miền dành cho tầng lớp tinh hoa sống ở đô thị”, như Lieven miêu tả. Người theo chủ nghĩa Jackson tin rằng giới tư bản và trí thức ở thành thị có âm mưu bóc lột người lao động và làm xói mòn nhân dạng quốc gia nguyên bản của họ (ví dụ: người da trắng và người theo Thiên chúa giáo) nhân danh chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) và đa văn hóa.

*Taesuh Cha nhận bằng tiến sĩ của trường đại học Johns Hopkins và hiện là giảng viên khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại trường đại học Seoul.

Theo tác giả, những người theo chủ nghĩa Jackson phân loại một cách có hệ thống những ai được xem là “người Mỹ” và những ai không phải. Theo đó, người da đỏ bản địa, người Mehico, người châu Á, người Mỹ gốc Phi, những kẻ phạm tội tình dục và những người nhập cư không theo Thiên chúa giáo đều bị xem “không phải người Mỹ”. Và những đối tượng này đã luôn đối mặt với cảnh bị đàn áp về kinh tế, phân biệt đối xử về mặt xã hội cũng như chịu cảnh bạo lực trong suốt lịch sử Mỹ.

Theo tác giả, những người theo chủ nghĩa Jackson luôn hoài nghi những nỗ lực cải cách thế giới của giới toàn cầu hóa thông qua luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương hay những cuộc can thiệp mang sứ mạng nhân đạo.

Mặc dù những người theo chủ nghĩa Jackson thường là những người cục bộ và không quan tâm nhiều đến tình hình quốc tế, nhưng nếu bị khiêu khích, họ có thể chọn giải pháp bạo lực và nhẫn tâm trong việc giải quyết những mâu thuẫn tầm quốc tế. Những người Jackson thường không quan tâm đến luật pháp về chiến tranh trong những cuộc chiến với những sắc dân khác, điều đã được kiểm chứng qua những cuộc chiến với người da đỏ bản địa đầu thế kỷ 20, cuộc chiến với người Nhật trong Thế chiến II hay trong cuộc chiến chống khủng bố với kẻ thù là người Hồi giáo ngày hôm nay.

Học thuyết Trump: Nền tảng cơ bản và chính sách đối ngoại

Theo tác giả, có nhiều yếu tố đã làm nên cái gọi là “Chủ nghĩa Trump”, bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 và sự sa sút về điều kiện kinh tế xã hội trong cộng đồng người da trắng vùng trung tây nước Mỹ (vốn đã âm ỉ nhiều thập kỷ qua). Những hiệu ứng tiêu cực của chủ nghĩa toàn cầu hóa thuộc “chủ nghĩa tân tự do” (neoliberal), chẳng hạn như phân cực kinh tế, trì trệ thu nhập đối với tầng lớp lao động và trung lưu, giảm tuổi thọ trong cộng đồng người Mỹ da trắng đã “làm giảm lòng tin” đối với nhà nước Mỹ.

Chưa kể, làn sóng nhập cư lớn không chỉ tạo ra cảm giác thiếu an toàn nơi tầng lớp lao động Mỹ, mà còn làm lung lay cảm nhận về căn tính quốc gia của họ.

Theo tác giả, sự trỗi dậy của đảng Cộng hòa cùng Trump là dấu hiệu cho sự cáo chung của chủ nghĩa tự do truyền thống thời hậu chiến của nước Mỹ và là “sự quay lại rùm beng của tinh thần Andrew Jackson” trong bức tranh chính trị Mỹ.

Theo nhà nghiên cứu chính trị Stephen Walt, tầng lớp cử tri da trắng vì đã “chán ngán với tầng lớp chính trị gia liên tục tham gia vào những hành vi sai trái mà không hề hấn gì, trong khi bắt người khác phải trả giá cho sai lầm của họ” – bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và cuộc chiến bất tận ở Iraq và Afghanistan. Trong bối cảnh đó, hiện tượng Trump về cơ bản đã dựa vào phong trào dân túy theo chủ nghĩa Jackson và tinh thần chống lại hệ thống cũ. Theo Mead, Trump chính là “màn chiếu trắng, mà người theo chủ nghĩa Jackson chiếu lên đó hy vọng của họ”.

Tổng thống Donald Trump phát biểu trước bức chân dung cố Tổng thống Mỹ Andrew Jackson tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng

Trump luôn chống lại thiết chế kinh tế toàn cầu, bằng cách nhấn mạnh rằng toàn bộ kiến ​​trúc của chủ nghĩa đa phương kinh tế có thể được thiết kế lại hoặc từ bỏ để khởi đầu một kỷ nguyên của chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa bảo hộ chống lại tinh thần tự do lâu đời của thương mại tự do. Nhằm cứu vãn những thỏa thuận thương mại được ông cho là “tồi tệ”, lấy đi việc làm của người Mỹ, làm tổn hại tầng lớp trung lưu, ông tuyên bố sẽ “thực hiện từng thỏa thuận riêng rẽ với từng quốc gia, và chấm dứt làm ăn hàng loạt với nhiều nước một lúc”.

Theo Trump, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một trong những thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất mà Mỹ từng ký kết và tuyên bố sẽ rút khỏi NAFTA bất cứ lúc nào. Tương tự, ông miêu tả việc Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một trong những sai lầm khổng lồ của Bill Clinton, cũng như cho rằng thỏa thuận Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Obama sẽ “không chỉ làm tổn hại giới sản xuất Mỹ, mà còn khiến Mỹ lệ thuộc vào luật lệ của nước ngoài”.

Theo tác giả, Trump đang muốn biến Mỹ thành một “Pháo đài”, trong đó ông sẽ dùng kế hoạch xây tường để chống lại những người di cư ở phía Nam, hoặc khi bàn về vấn đề Hồi giáo cực đoan, Trump từng gây tranh cãi khi đòi cấm toàn bộ người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Xa hơn, Taesuh Cha cho rằng, “học thuyết Trump” đang thể hiện một thái độ thù địch với những chuẩn mực tự do quốc tế, đặc biệt khi liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố. Chẳng hạn, ông từng tuyên bố ủng hộ các biện pháp tra tấn tù nhân. Khi được phóng viên hỏi về Công ước Geneva, ông cho rằng không chỉ công ước này, mà mọi thứ chúng ta đang có đều đã lỗi thời và đòi hỏi cần có một thế giới mới.

Theo tác giả, thái độ tàn bạo này chắc chắn được thiết lập dựa trên tiêu chuẩn kép của chủ nghĩa Jackson về sự phân loại giữa “kẻ thù đáng kính” (kẻ thù công khai tuyên chiến trong một cuộc chiến quy ước) và “kẻ thù không đáng kính”. Trong một bài phát biểu tại trường cao đẳng cộng đồng bang Iowa, Trump tuyên bố sẽ ném bom vào “từng inch của nhà nước Hồi giáo IS, cho đến khi không còn gì sót lại”.

Phản ứng của thế giới trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa Jackson

Với hầu hết lãnh đạo châu Âu, thắng lợi của chủ nghĩa Jackson ở Mỹ đồng nghĩa với việc các thành viên NATO sẽ có thêm gánh nặng trên vai. Đối với người châu Âu, điều đáng báo động sâu sắc là Trump rõ ràng chống lại chủ nghĩa đa phương và một mình theo đuổi lợi ích quốc gia thuần túy cục bộ của Mỹ.

Bộ trưởng ngoại giao Đức, Frank-Walter Steinmeier lập luận rằng, “Khẩu hiệu ‘nước mỹ trước tiên’ không phải là câu trả lời đúng đắn cho các vấn đề thế giới đương đại. Do đó, cuộc bầu cử của Trump sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, theo lời của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Hơn nữa, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nhấn mạnh, nhiều điều mà Donald Trump nói tạo ra cho một thế giới bất ổn hơn nói chung.

Trên khắp Thái Bình Dương, các đồng minh Đông Á cũng đã theo dõi sự phát triển của chủ nghĩa Jackson một cách dè dặt. Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại về việc Hoa Kỳ có thể chuyển sang một định hướng cô lập hơn và đã rất khó chịu bị Trump mô tả là “những kẻ bán hàng tham lam”.

Trong khi các chính trị gia và các quan chức chính phủ có xu hướng từ chối bình luận về hiện tượng Trump, các cơ quan truyền thông lớn trong khu vực đã theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống của Hoa Kỳ với chi tiết gây khó chịu và chỉ trích gay gắt khẳng định rằng Trump và Tokyo không đóng góp tài chính cho chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ.

Cả hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản thường lo lắng rằng sự vắng mặt của Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á sẽ dẫn đến chủ nghĩa bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc. Từ một góc độ khác, một số người ở Seoul lo ngại rằng chủ nghĩa cô lập mới của Trump có thể thúc đẩy Nhật Bản trở nên cực hữu và quay về với chính sách đối ngoại hung hăng trong quá khứ, điều gợi nhớ đến Nhật Bản trong Thế chiến II.

Một số người cho rằng, Trung Quốc sẽ hoan nghênh chính sách tự cô lập của chủ nghĩa Jackson như một cơ hội để xây dựng quyền bá chủ của Trung Quốc ở Đông Á. Tuy nhiên, chiến dịch công kích (bằng miệng) Trung Quốc liên tục cho thấy các mối quan hệ dưới thời tổng thống Trump có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Theo quan sát của tác giả, Trump dường như ít có ý định lôi kéo Trung Quốc thông qua những công thức sẵn có của chủ nghĩa quốc tế tự do. Tác giả bình luận, trong mắt của những người Mỹ theo chủ nghĩa Jackson, Trung Quốc không phải là đối tác làm ăn, mà chỉ là kẻ thù truyền kiếp, chuyên thao túng tiền tệ, đánh cắp công ăn việc làm của người dân Mỹ và do đó góp phần làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ.

Dù hầu hết quan chức Trung Quốc đều cố gắng giữ im lặng trước những động thái mang tính khiêu khích của Trump, nhiều tờ báo lớn của Trung Quốc (những cơ quan ngôn luận của nhà nước) đã nhấn mạnh hiện tượng Trump như “giới hạn” của nền dân chủ Mỹ vốn “đầy tham nhũng.”

Sự sụp đổ của trật tự thế giới tự do?

Theo tác giả, với tư cách là “đầu tàu của thế giới tự do”, nước Mỹ đã góp phần tạo ra và duy trì một trật tự thế giới tự do sau Thế chiến II. Theo tác giả, nước Mỹ cần phải kiên trì đóng vai trò của mình trong trật tự quyền lực toàn cầu để duy trì sự hòa bình và thịnh vượng sau chiến tranh. Mặc dù có nhiều vấn đề và tranh cãi, những người theo chủ nghĩa quốc tế đương thời cho rằng Hoa Kỳ vẫn là cường quốc mạnh nhất thế giới và trật tự tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo là sự sắp xếp quốc tế tốt nhất, tốt hơn nhiều so với các lựa chọn thay thế phi chính thống khác, trong đó các nhà lãnh đạo độc đoán theo đuổi chủ nghĩa chính trị dân tộc.

Tác giả đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu cùng với sự bắt đầu của Brexit ở Anh, hàng loạt nhà dân túy ở Tây Âu lên nắm quyền và chuyển sang các sáng kiến đơn cực để chống lại những nỗ lực đa phương trong quá khứ như EU và NATO? Kịch bản này, theo tác giả, còn ảm đạm hơn nếu nhìn vào những cường quốc chuyên chế đang lên như Trung Quốc hay Nga cùng những quốc gia thù địch ở thế giới Hồi giáo.

Chính người Mỹ cũng đang lo lắng về tương lai của “tượng đài” Hoa Kỳ. Chính sách đối ngoại của Mỹ (của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa) cùng những chiến lược lớn của nước này đã làm gia tăng rối loạn ở Trung Đông và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo quan sát của tác giả, phần lớn người Mỹ thích tình trạng “biệt lập” hiện có. Theo các cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew, một bộ phận người Mỹ cho rằng Hoa Kỳ nên giải quyết vấn đề của riêng mình và để kệ những quốc gia khác tự giải quyết vấn đề của họ.

Về điểm này, Trump và những người ủng hộ ông không còn chia sẻ những giá trị quốc tế tự do truyền thống, và rõ ràng không còn muốn đóng vai bá quyền toàn cầu. Nói ngắn gọn, theo tác giả, chủ nghĩa Trump nổi lên với mục đích không gì khác để phá hủy trật tự thế giới tự do, dù cho trật tự này được dựng xây và thụ hưởng bởi chính nước Mỹ.

Đông Phan

tamvu