Kết cục nào cho nhân viên thích nịnh sếp

HR Insider

19/08/2022 15:42

Trong công việc, sếp và nhân viên luôn có mối quan hệ đặc biệt. Đó là mối quan hệ giữa sếp - bên có quyền và nhân viên - bên thừa hành. Từ ngàn xưa, giữa sếp và nhân viên, người ta thường truyền tai nhau về thói nịnh hót, bợ đỡ và hàng loạt câu chuyện cười ra nước mắt. Thế nhưng, hiện nay vẫn có nhiều người vẫn giữ quan điểm nịnh hót sếp để có con đường thăng tiến thuận lợi hơn. Dưới đây là kết cục cho nhân viên thích nịnh sếp.

shutterstock-198729170-1-1660898518.jpg

 

Bị liệt vào danh sách ghét nhất

Phàm là những kẻ xu nịnh là một trong những kiểu người bị ghét nhất dù ở bất cứ đâu, và môi trường công sở cũng không ngoại lệ. Tất nhiên, bất kì ai cũng thích những lời khen, đặc biệt là những lời khen có cánh. Tuy nhiên, mật ngọt chết ruồi, sẽ chẳng ai thích những lời xu nịnh quá “ngọt ngào”. Sếp là người quyền lực và mọi quyết định đều phải thông qua sếp. Tất nhiên, bất kì nhân viên nào cũng muốn tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng lãnh đạo. Tuy nhiên, việc khen cũng cần đúng lúc và đúng nơi. Việc khen bất chấp trong mọi hoàn cảnh sẽ khiến hình ảnh bản thân xấu gắn liền với hình ảnh kẻ xu nịnh 

Việc trang bị cho mình những lời nói tâng bốc khi nói chuyện với sếp, từ việc khen chiếc áo là “Rất độc đáo, quyến rũ và hợp thời trang” đến việc “Mái tóc mới khiến sếp trông trẻ ra, mém chút nữa là em không nhận ra”, những việc này đều rất dễ khiến bản thân bị liệt vào danh sách những kẻ bị ghét nhất công ty. 

Ấn tượng không tốt trong mắt mọi người

Từ xưa đến nay, những kẻ nịnh sếp thường là những tên lẻo mép, xoay chiều theo quan điểm của sếp, bất chấp đúng sai. Đa số đều là những kẻ vừa thiếu tài, mồm mép nhưng chẳng giỏi giang, nên chỉ còn cách sử dụng mồm miệng để nâng chân đỡ tay. Vì muốn giữ được vị trí trong công ty, thăng quan tiến chức nhanh chóng mà hạ thấp bản thân để nâng người khác, thỏa lòng người khác. 

Nhưng thực chất đằng sau lưng họ lại cười cợt và bàn luận về những việc mà chỉ vài giây trước họ vừa mở miệng ra khen, đại loại như “Chắc gu thẩm mỹ của sếp có vấn đề, kiểu đầu từ thưở nào mà vẫn còn để cho được, trông chẳng ra làm sao cả.” Điều này tạo nên một ấn tượng về con người “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, không nên dính líu hoặc có mối quan hệ tới nếu không muốn mang họa tại thân.

Tôi phải làm gì khi đồng nghiệp kế bên quá ồn ào?

Không nhận được sự tôn trọng của mọi người

Việc nhân viên thích nịnh sếp và “tận dụng” sự nịnh bợ ấy làm bệ phóng cho sự phát triển của bản thân trong môi trường công sở đôi khi sẽ đổi lại những kết quả không mong muốn. Mặc dù ai cũng thích được nghe những lời ngợi khen. Tuy nhiên, lời xu nịnh thì lại khác. Nếu sếp của bạn là một người tỉnh táo, thì đương nhiên họ sẽ phân biệt được đâu là lợi thật lòng tán dương và ca ngợi mình, còn đâu là những lời khen sáo rỗng. 

Những nhân viên thích xu nịnh sẽ ít khi nhận được thiện cảm của mọi người xung quanh, bao gồm cả sếp. Bởi lẽ, việc đánh giá năng lực của nhân viên không chỉ nằm ở những lời hoa mỹ, xu nịnh mà còn thông qua thành quả và những cống hiến của nhân viên cho sự phát triển của công ty. Việc xu nịnh với mục đích bản thân sẽ không cần cố gắng quá nhiều nhưng vẫn có con đường thăng tiến tốt. Đây là một trong những sai lầm. Hãy chú ý nếu bạn không muốn trở thành mục tiêu bị ghét trong công ty, trong mắt đồng nghiệp và cả sếp nữa. 

Bài học từ những kẻ xu nịnh thời xưa

Thời nào mà chẳng có những kẻ xu nịnh, chuyên nịnh hót để trục lợi cho bản thân. Chuyện xưa kể về quan đại phu nước Tề, tự Trâu Ký. Ông là người rất khôi ngô, tuấn tú. Ông có ba người vợ và cả ba đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công. Nhận thức được việc người đời xu nịnh, Trâu Ký tâu vua Tề Uy Vương tìm cách lắng nghe những suy nghĩ trực tiếp của thực dân. Nhà vua bèn ra lệnh xuống toàn dân: “Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1. Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3.” Lệnh vua ban xuống cũng là lúc dân chúng nườm nượp kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Lúc này, Tề Uy Vương mới nhận thức được những lời nham hiểm nịnh nọt của lũ nịnh thần. 

Trong sử sách cùng truyền lại chuyện của Sở Trang Vương, một người lo lắng việc nước, quan tâm và hỏi han quần thần. Lúc nào cũng vậy, lũ nịnh thần luôn xu nịnh ông là người sáng suốt, tài ba. Bản thân Sở Trang Vương rất buồn, ông than “Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được yên.” Kể từ đó, ông đã loại bỏ hết lũ nịnh thần, đồng thời trọng dụng người tài, làm cho nước Sở ngày càng hùng mạnh. 

Lúc nào cũng vậy, luôn tồn tại những kẻ nịnh hót, và đa số chúng đều không có kết cục tốt đẹp. 

Làm sao để giao tiếp thông minh?

Vậy, câu hỏi đặt ra, làm thế nào để giao tiếp một cách thông minh? Thẳng thắn bày tỏ quan điểm của bản thân cộng với sự khéo léo trong cách ăn nói cũng là một biện pháp hay. Thay vì xu nịnh, hãy thể hiện bạn là một người giao tiếp tốt và phát huy điểm mạnh này. Một người giao tiếp tốt trong khi vẫn đảm bảo được chuyên môn và năng lực bản thân sẽ được lòng mọi người trong công ty hơn là một kẻ xu nịnh. Còn nếu bản thân bạn không phải là một người giao tiếp tốt, không sao cả, hãy cứ tập trung vào phát triển năng lực của bản thân. Giá trị bạn mang lại sẽ luôn được mọi người và xếp công nhận. 

Điều cốt lõi nhất trong các mối quan hệ chính là sự chân thành. Mối quan hệ giữa nhân viên và sếp trong công ty cũng không nằm ngoài mối quan hệ trên. Những lời xu nịnh chỉ là cái kim trong bọc sớm muộn gì cũng sẽ lòi ra. Việc xu nịnh sẽ không thể nào phát huy tác dụng mãi và tất cả chúng đều chỉ là những số 0 tròn trĩnh. 

Vậy nên, suy cho cùng sự chân thành vẫn là yếu tố cốt lõi giúp hình thành các mối quan hệ với mọi người, bao gồm cả sếp.

Nguồn: Kết cục nào cho nhân viên thích nịnh sếp - HR Insider VietnamWorks

HR Insider
Bạn đang đọc bài viết "Kết cục nào cho nhân viên thích nịnh sếp" tại chuyên mục Khoa học quản lý.