Logistics Cái Mép Hạ: Nhìn từ trong nước

minhtam

29/11/2020 10:10

Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ có vị trí đắc địa tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Vì tầm quan trọng như vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư cho cần được tính toán kỹ lưỡng.

Gần đây, dư luận đang quan tâm đến câu chuyện các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc các nhà đầu tư quan tâm đến dự án cho thấy đây là dự án có tiềm năng rất lớn trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia được đánh giá là sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về dịch vụ logistics cũng như sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển trong những thập niên tới đây.

Quả thật, dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án có vị trí rất đắc địa, nằm ở cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng container nước sâu đầu tiên của Việt Nam và đã phát triển mạnh mẽ sau một thập kỷ qua, thu hút hàng chục chuyến tàu mẹ đến làm hàng mỗi tuần, góp phần giúp Việt Nam tạo dấu ấn trên bản đồ khai thác cảng thế giới. Cái Mép – Thị Vải đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tham gia vào lĩnh vực khai thác cảng và phát triển dịch vụ logistics tại đây.

Nhưng cũng chính vì tầm quan trọng như vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư cho Trung tâm logistics Cái Mép Hạ cần được tính toán kỹ lưỡng.

Điểm đầu tiên, và cực kỳ quan trọng, là các doanh nghiệp Việt Nam có đủ tiềm lực để đóng vai trò chủ đạo phát triển dự án này. Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã liên tục chứng tỏ vị thế trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics trên chính trên “sân nhà” của mình. Dù kinh nghiệm phát triển logistics quốc tế có thể chưa thể so sánh với các doanh nghiệp quốc tế, nhưng với tinh thần cầu thị, sáng tạo, nắm bắt những đổi mới công nghệ, đồng thời thấu hiểu thị trường logistics trong nước, một loạt các doanh nghiệp đã tạo ra dấu ấn trên thị trường khai thác cảng và logistics trong nước và khu vực. Không khó có thể điểm qua những doanh nghiệp thành công như Gemadept, ITC, Tân Cảng Sài Gòn, Transimex, ITL, Sotrans…

Những cái tên nêu trên đều là các doanh nghiệp có khởi đầu với lĩnh vực kinh doanh không quá đa dạng, nhưng sau những hành trình nỗ lực phát triển song hành cùng hội nhập kinh tế quốc tế, họ đều đã phát triển thành các tập đoàn đa ngành và có chỗ đứng trên thị trường vận tải và logistics trong nước, một vài doanh nghiệp đã vươn tầm hoạt động ra khu vực như ITC, Gemadept, ITL. Và trong số các nhà khai thác cảng thành công nhất Việt Nam, người ta cũng có thể kể ra ngay những cái tên hoàn toàn là “của nhà trồng được” như Gemadept, ITC, Viconship, Tân Cảng Sài Gòn.

Tiếp theo, việc giao dự án cho nhóm doanh nghiệp quốc tế tiềm ẩn một số quan ngại nhất định. Một vài dự án khai thác cảng tại Việt Nam có yếu tố quốc tế cho đến nay được ghi nhận là không thành công, và mặc dù là các cảng liên doanh, nhưng phía Việt Nam lại thường bị lấn át trong các dự án này, có thể điểm qua những cái tên như SPCT ở TP.HCM, Cảng quốc tế Cái Lân (CICT) ở miền Bắc. Cảng CICT từng lỗ liên tục cả triệu USD mỗi tháng, trong khi một số cảng tại miền Nam như SP-PSA, SITV, SPCT rơi vào tình trạng khai thác không đúng công năng, và cũng ghi nhận lỗ lũy kế kéo dài. Có dự án cảng tại CM-TV, dù được đầu tư mới về hạ tầng nhưng trang thiết bị lại được bên nước ngoài đưa thiết bị đã qua sử dụng về khai thác, ảnh hưởng đến năng lực chung của cụm cảng. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư dù có “mác” là nhà đầu tư châu Âu, nhưng chưa có kinh nghiệm trong phát triển cảng mà chỉ hoạt động ở những lĩnh vực có liên quan như nạo vét luồng, xây dựng công trình, do đó chưa hẳn đã phù hợp với một dự án phát triển cảng biển và logistics. Khi đó, các nhà đầu tư này sẽ chỉ xây dựng dự án và cho doanh nghiệp khác thuê lại hạ tầng, lợi nhuận mà dự án mang lại sẽ được chuyển ra nước ngoài. Cũng cần nhắc lại rằng, nhiều cảng thành công ở Việt Nam mang dấu ấn của các doanh nghiệp trong nước, trong đó các bến cảng như Cát Lái, SP-ITC hoàn toàn không có vốn nước ngoài.

Cuối cùng, nhưng quan trọng không kém, đó là hiện nay CM-TV đang được xem là một tài nguyên quan trọng của quốc gia. Việc giao dự án có vị trí đắc địa tại CM-TV cho các nhà đầu tư cần phải được đặt trong bối cảnh rộng hơn là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách cần cẩn trọng, một tài nguyên quốc gia cần được cân nhắc phát triển trên tinh thần lợi ích dân tộc phải được được bảo đảm, và một trong các nội dung cần được xem xét thấu đáo chính là giao dự án cho doanh nghiệp có tinh thần dân tộc. Tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII (5/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân".

Tinh thần từ phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là rất rõ ràng, Việt Nam không vì tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài mà không thấy được vai trò và sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Mở rộng quan điểm này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh “Doanh nghiệp dân tộc sẽ là chủ thể, là cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam”.

Việt Nam luôn hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng khi một dự án trọng điểm như Trung tâm logistics Cái Mép Hạ hoàn toàn có thể được phát triển thành công bằng kinh nghiệm và nguồn lực của doanh nghiệp trong nước, thì việc trao dự án cho các doanh nghiệp dân tộc phải được xem là ưu tiên hàng đầu.

Khánh Vũ - Chuyên gia Cảng biển

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Logistics Cái Mép Hạ: Nhìn từ trong nước" tại chuyên mục Doanh nghiệp.