Một thế hệ lãnh đạo F2 đang dần hình thành ở nhiều ngân hàng tư nhân

Mai Ngọc

08/06/2023 15:38

Thời gian vừa qua, nhiều vị trí lãnh đạo ở các ngân hàng thương mại đã liên tục đổi chủ. Điều đáng chú ý, một thế hệ lãnh đạo mới đang dần được hình thành trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng. Đặc biệt là thế hệ lãnh đạo F2 ở các ngân hàng khi sở hữu hồ sơ học vấn khủng, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính.

Hiện nay, tại một số ngân hàng tư nhân ở Việt Nam đã bắt đầu có sự tham gia ngày càng lớn của thế hệ F2. Hầu hết, các thế hệ F2 tại các ngân hàng tư nhân đều nhận được sự hỗ trợ rất lớn của thế hệ F1 là những người sáng lập, điều hành, quản lý tại các nhà “bank”.

Dương Nhất Nguyên – Chủ tịch HĐQT Vietbank

351459053-718430190051763-1324152390171055991-n-1686210946.jpeg
Ông Nguyên được xem là một trong những Chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ hiện nay.

Ông Dương Nhất Nguyên được biết đến một doanh nhân thế hệ F2 đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB).  Ông Nguyên (SN 1983), được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT hồi cuối tháng 4/2021.

Được biết, ông Dương Nhất Nguyên là cử nhân trường Greenwich University (Anh), có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Devry (Mỹ).

Ông Nguyên bắt đầu vào Ban Điều hành Vietbank từ tháng 1/2013 với vị trí Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2013 đến nay, ông đã kinh qua nhiều chức vụ lớn khác tại Vietbank như: Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Ông Dương Nhất Nguyên cũng sinh ra trong gia đình truyền thống làm ngân hàng, là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT Vietbank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.

Ông Dương Nhất Nguyên từng là cử nhân ngành Dược và bắt đầu làm việc tại Dược phẩm Hoa Lâm trước khi chuyển sang ngành ngân hàng. Trước khi về VietBank, ông Nguyên từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm.

Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyên, Vietbank đã có nhiều bước chuyển mình trong thời gian qua. Kết quả kinh doanh năm 2022, với những con số tăng trưởng tích cực, trong đó: tăng trưởng dư nợ đạt 67.541 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2021, hoàn thành 104% kế hoạch năm 2022; tổng tài sản đạt 111.307 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2021, hoàn thành 96,8% kế hoạch năm 2022; tổng huy động đạt 81.110 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021, hoàn thành 96,6% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 656 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2021, hoàn thành 82% kế hoạch năm 2022. Thu nhập từ các hoạt động nghiệp vụ cốt lõi như thu nhập lãi thuần, thu nhập từ hoạt động dịch vụ, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối… đều tăng trưởng so với năm 2021. Tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn, các chỉ số thanh khoản được quản lý tốt trong mức cho phép của NHNN.

Năm 2023, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên 46%, tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022, niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%.

Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB

351041039-1556534211536583-2921388620533353946-n-1686178270.jpeg
Ông Trần Hùng Huy gần đây đã gây chú ý dự luận với màn trình diễn âm nhạc ấn tượng trong lễ kỹ niệm 30 năm thành lập của ACB.

Cái tên Trần Hùng Huy đang nhận được nhiều sự chú ý của dự luận trong thời gian gần đây. Ông Trần Hùng Huy được biết đến thế hệ F2 doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Trần Hùng Huy (SN 1978), hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB). Năm 2002, ông Huy tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ). Đến năm 2011, ông Huy bảo vệ xong luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ).

Chủ tịch HĐQT ACB sinh ra trong gia đình có truyền thống làm trong lĩnh vực nhà “bank”, khi có cha là ông Trần Mộng Hùng, là người sáng lập ACB; mẹ của ông Huy là bà Đặng Thị Thu Thuỷ vẫn đang là thành viên HĐQT ngân hàng.

Năm 2012, sau "sự kiện" bầu Kiên, ông Trần Hùng Huy bất ngờ đảm nhiệm vị trí ghế nóng Chủ tịch ACB khi mới chỉ 34 tuổi. Đến tháng 4/2013 ông chính thức được bầu làm chủ tịch ngân hàng này. Từ khi tiếp nhận vai trò chủ tịch, ông Trần Hùng Huy với nhiều nổ lực của mình đã vực dậy ACB.

Cuối tháng 6/2014, ngân hàng này được Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch nâng triển vọng tín nhiệm từ “tiêu cực” lên “ổn định” sau khi đánh giá những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) lên hệ thống tài chính của ABC đã giảm thiểu.

Những bước “nhảy vọt” của ACB bắt đầu vào những năm 2017, 2018. Năm 2017, doanh thu của ACB tăng 50% so với năm trước, đạt hơn 11.000 tỷ đồng; lợi nhuận năm tăng gấp hơn 2 lần, đạt 2656 tỷ.

Đến năm 2022, ACB ghi nhận tổng cộng 28.790 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 17.114 tỷ, tăng lần lượt 22% và 43%. Đáng chú ý, kết quả lợi nhuận này không chỉ vượt 14% kế hoạch cổ đông ngân hàng đã đề ra mà còn là mức lãi trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACB. Sau khi trừ thuế thu nhập, nhà băng này thu về khoản lãi ròng 13.688 tỷ đồng, cũng tăng tới 43%.

Kết thúc quý 1/2023 vừa qua, ngân hàng này đạt gần 5.157 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 25% so với cùng kỳ, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Cho đến thời điểm này, ông Trần Hùng Huy vẫn là người đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vào độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Không chỉ có ngoại hình điển trai và học vấn “khủng”, ông Trần Hùng Huy còn là một trong 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ước tính số cổ phiếu ACB do Chủ tịch Trần Hùng Huy nắm giữ hiện có giá trị hơn 2.900 tỷ đồng.

Ngoài ACB, ông Trần Hùng Huy cũng giữ vai trò chủ chốt tại một số doanh nghiệp khác như Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ACB (ACBA), Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACBL)…

Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT SHB

le-trao-quyet-dinh-jpeg-165011-9906-5649-1650112169-931-1686210700.jpeg
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển và PCT Đỗ Quang Vinh.

Đỗ Quang Vinh (SN 1989), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được biết đến là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển). Ông Hiển được biết người đặt nền móng xây dựng SHB và Tập đoàn T&T. Bầu Hiển cũng đang là Chủ tịch HĐQT của SHB.

Ông Đỗ Quang Vinh học ngành tài chính ngân hàng tại đại học Middlesex (Anh). Ông Vinh có nhiều năm làm trong doanh nghiệp, ngân hàng ở nước ngoài trước khi trở về Việt Nam năm 2019.

Tháng 10/2021, ông Vinh trở thành Phó Tổng Giám đốc trẻ tuổi nhất SHB. Cũng trong năm này, ông Vinh cũng được bầu vào thành viên HĐQT. Đến tháng 4/2023 vừa qua, ông Vinh được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT SHB.

Tại SHB, ông Đỗ Quang Hiển trực tiếp nắm giữ 78 triệu cổ phiếu (2,54%). Trong khi, ông Đỗ Quang Vinh chỉ trực tiếp nắm giữ 736.000 cổ phiếu (0,024%). 

Tuy nhiên, em trai ông Vinh là Đỗ Vinh Quang hiện nắm giữ hơn 84 triệu cổ phiếu SHB. Tính chung bầu Hiển và hai con trai sở hữu lượng cổ phiếu trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trịnh Thị Mai Anh – Thành viên HĐQT OCB

anh-chup-man-hinh-2023-06-08-luc-150123-1686211305.png
Trịnh Thị Mai Anh – Thành viên HĐQT OCB là ái nữ của ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB.

Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có 4 người con gái. Trong đó, Trịnh Thị Mai Anh (SN 1992) đang là thành viên HĐQT của ngân hàng này. Bà Mai Anh là nữ thành viên duy nhất trong HĐQT của OCB, cũng là 9x duy nhất được tham gia vào HĐQT của một ngân hàng Việt hiện nay.

Bà Mai Anh tốt nghiệp Cử nhân Khoa Khoa học – London School of Economics and Political Science (Vương quốc Anh).

Con gái của Chủ tịch HĐQT OCB có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng HSBC London, Công ty CP Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam, Tập đoàn VinaCapital, Tập đoàn Temasek Singapore. Tháng 6/2020, bà Mai Anh được bầu làm thành viên HĐQT OCB nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện Mai Anh sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,94%. Số cổ phiếu này có giá trị ước tính hơn 750 tỷ đồng.

Lê Thu Thủy – Phó Chủ tịch HĐQT SeABank

edit-photo-1-16130958200826123-3276-5973-1637139268-1686211403.jpeg
Bà Lê Thu Thủy – Phó Chủ tịch HĐQT SeABank.

Bà Lê Thu Thủy (SN 1983), hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Bà Thuỷ còn được nhiều người biết đến là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG và Phó Chủ tịch thường trực SeABank).

Bà Lê Thu Thủy tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Tài chính ngân hàng tại Đại học George Mason (Mỹ). Trước khi về Việt Nam, bà có thời gian làm việc ở ngân hàng nước ngoài và lấy chồng người Mỹ.

Bà Thuỷ từng chia sẻ rằng lúc đầu, việc trở về làm việc tại SeABank "thuần túy là bởi vì gia đình tôi mong muốn như vậy". Tuy nhiên tại đây, sau rất nhiều trải nghiệm, bà đã khám phá ra được khát vọng bản thân.

Năm 2009, bà Thuỷ lúc đó mới 26 tuổi đã đảm nhiệm vị trí Ủy viên thường trực HĐQT SeABank. Đến năm 2011, bà Thuỷ nắm quyền Tổng giám đốc SeABank, rồi lại rời cương vị này vào năm 2013. Sau đó, bà Thuỷ đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc SeABank. Đến năm 2018, bà Thuỷ trở lại ngồi vào vị trí Tổng giám đốc SeABank.

Tháng 7/2022, Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc sau nhiệm kỳ 5 năm và tiếp tục tham gia công tác quản trị ngân hàng với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.

Về khối tài sản trên sàn chứng khoán, bà Thủy hiện sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu SSB của SeABank, giá trị ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.

Mai Ngọc