Netflix có thể gặp khó tại Việt Nam

dang.pham

Netflix đứng trước nguy cơ bị các nhà sản xuất tivi thông minh hàng đầu Việt Nam gỡ bỏ ứng dụng khi cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu.

Bốn doanh nghiệp sản xuất tivi lớn của Việt Nam gồm Electronics Việt Nam (TCL), Samsung Vina Electronics Việt Nam (Samsung), Sony Electronics Việt Nam (Sony) và LG Electronics Việt Nam(LG) 

Theo thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong tháng 8.2019, cơ quan này đã làm việc với bốn doanh nghiệp sản xuất tivi lớn của Việt Nam gồm Electronics Việt Nam (TCL), Samsung Vina Electronics Việt Nam (Samsung), Sony Electronics Việt Nam (Sony) và LG Electronics Việt Nam(LG) về việc dịch vụ Netflix tích hợp trên các thiết bị sản phẩm của các hãng này tại Việt Nam.

Theo quan điểm của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Netflix chưa thực hiện thủ tục cần thiết với giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng internet tại Việt Nam, nội dung chưa được biên tập theo quy định của Việt Nam và nghĩa vụ thuế. Khi có yêu cầu của phía Việt Nam, bốn doanh nghiệp trên đồng ý sẽ gỡ bỏ nút ứng dụng Netflix khỏi sản phẩm tivi smartphone bán ra tại thị trường Việt Nam.

Mỗi năm có khoảng hai triệu smart tivi của bốn hãng trên bán ra tại thị trường Việt Nam có tích hợp dịch vụ Netflix. Ở Việt Nam có khoảng 300.000 thuê bao đăng kí tài khoản Netflix. Các tài khoản đăng kí Netflix phải có thẻ thanh toán quốc tế với giá các gói cước vào khoảng 180.000-260.000/tháng.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 theo hướng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới được tham gia kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước trên cùng điều kiện pháp lý”, đại diện của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết.

Trước đó, trong một hội nghị về truyền hình trả tiền, ông Nguyễn Chấn – Trưởng phòng Quản lý Dịch vụ (thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) cho biết, những năm gần đây thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống trong khu vực tăng trưởng chậm với mức khoảng 4-5%, với doanh thu khoảng 6-7%. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT (dich vụ truyền hình trên nền tảng Internet) tăng trưởng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với 50%/năm.

Hồi cuối tháng 8.2019, Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á đã gặp gỡ Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng và bày tỏ nguyện vọng muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Netflix cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

ông Kuek Yu-Chuang Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á Thái Bình Dương của Netflix (phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng (trái) hồi cuối tháng 8.2019 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền Thông
Ông Kuek Yu-Chuang Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á Thái Bình Dương của Netflix (phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng (trái) hồi cuối tháng 8.2019 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền Thông

Netflix là công ty cung cấp dịch vụ xem phim theo nhu cầu trên nền tảng trực tuyến trả phí lớn nhất thế giới. Dịch vụ của công ty này đang có mặt tại 190 quốc gia, với hơn 150 triệu lượt đăng kí. Netflix không chỉ mua bản quyền của các hãng mà còn là nhà sản xuất các bộ phim chiếu độc quyền trên nền tảng này. Trên thế giới, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran cũng ban hành lệnh cấm với Netflix.

Thành lập từ năm 1997 bởi Reed Hastings, một doanh nhân người Mỹ và đồng sáng lập - kĩ sư phần mềm Marc Randolph, Netflix có xuất điểm là một doanh nghiệp cho thuê băng đĩa phim trực tuyến. Đến nay Netflix đã phát triển thành nền tảng xem phim trực tuyến trên nhiều thiết bị có kết nối internet, và trở thành hiện tượng trên toàn cầu. Netflix nhắm đến các đối tượng người tiêu dùng trẻ, có nhu cầu giải trí tiện lợi.

Mô hình phân phối phim trực tuyến của Netflix đe dọa ngành công nghiệp sản xuất phim chiếu rạp hay các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình số trên toàn cầu, khi mà người xem chỉ cần đăng kí tài khoản đã có thể xem phim, chương trình gameshow tại mọi lúc mọi nơi với mức giá thấp hơn.

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, đối tượng dễ tiếp cận, cập nhật những xu hướng mới trên thế giới. Mặc dù các nền tảng giải trí miễn phí và có quảng cáo vẫn thống trị, nhưng giới trẻ Việt Nam cũng có xu hướng làm quen với những nền tảng trả phí toàn cầu như Spotify, Apple Music hay Netflix.

Theo dữ liệu của Google Trends trong báo cáo mới công bố về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, lượng tài khoản đăng kí dịch vụ video streaming (xem video trực tuyến) trên các nền tảng như Netflix tại Việt Nam đã tăng gấp tám lần so với năm 2016. Xuất phát từ việc tiêu thụ nội dung trực tuyến miễn phí, người dùng đã bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng sang trả phí cho một số nội dung của các nhà cung cấp trực tuyến.

Các dịch vụ như nhạc, phim trực tuyến cũng bắt đầu chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam như Spotify, hay trước đó là Apple Music. Với nội dung cung cấp theo xu hướng toàn cầu và hình thức thanh toán quốc tế, việc tiếp cận của người dùng ở khu vực có hạ tầng internet ngày một phát triển như Việt Nam ngày càng trở nên dễ dàng hơn.

Theo Google và Temasek, quy thị trường dịch vụ cung cấp video, nhạc, game trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã tăng bốn lần kể từ năm 2015, và dự báo sẽ đạt 9 tỉ USD vào năm 2025.

Khảo sát của Google Trends về lượng tài khoản đăng kí sử dụng dịch vụ xem video trả phí tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á
Khảo sát của Google Trends về lượng tài khoản đăng kí sử dụng dịch vụ xem video trả phí tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á



dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Netflix có thể gặp khó tại Việt Nam" tại chuyên mục Khoa học quản lý.