Ngân hàng chịu thêm sức ép

minhtam

23/10/2020 15:52

Lãi suất khoản dự trữ bắt buộc các ngân hàng thương mại (ngân hàng) gửi vào ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa được điều chỉnh giảm.

Lãi suất khoản dự trữ bắt buộc các ngân hàng thương mại (ngân hàng) gửi vào ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa được điều chỉnh giảm từ mức 1%/năm xuống còn 0,5%/năm vào tháng Tám.

Đây là khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc, do vậy với bất kỳ mức lãi suất nào, thậm chí lãi suất âm (tức ngân hàng phải trả tiền cho NHNN), thì việc gửi tiền là bắt buộc. Theo quy định, cứ mỗi 100 đồng huy động được từ doanh nghiệp và cá nhân, các ngân hàng phải gửi vào NHNN từ 1 đến 3 đồng tuỳ kỳ hạn các khoản tiền gửi. Tỷ lệ tiền gửi bắt buộc và lãi suất của khoản tiền gửi này đều do NHNN quyết định.

Do tính chất bắt buộc của khoản tiền gửi, việc thay đổi lãi suất hầu như sẽ không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động hay cho vay của các ngân hàng.

Căn cứ vào tổng số tiền huy động được của hệ thống ngân hàng, có thể tính được việc giảm 0,5% lãi suất mỗi năm, các ngân hàng sẽ hụt một nguồn thu gần 1.300 tỉ đồng mỗi năm.

Trong điều kiện hiện nay, khi nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp đang bị thu hẹp do ảnh hưởng dịch bệnh, các ngân hàng không có nhiều dư địa để tăng lãi suất cho vay bù đắp vào khoản thu nhập hụt đi từ NHNN. Sức ép lợi nhuận lên các ngân hàng vì vậy sẽ ngày càng căng thẳng.

Các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất huy động trong bảy tháng đầu năm, trước khi NHNN có quyết định giảm lãi suất khoản dự trữ bắt buộc.

Tính đến cuối tháng 7.2020, lãi suất tiền gửi đã tiếp tục được điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,5 điểm % tất cả các kỳ hạn, tại một số ngân hàng thương mại lớn. So với cuối năm 2019, mức giảm tương ứng từ 1 - 2 điểm % - theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI.

Bên cạnh giảm lãi suất huy động vốn, các ngân hàng đang tìm kiếm lợi nhuận qua những hoạt động phi tín dụng. Xu hướng đang ngày càng trở nên rõ rệt.

Từ năm 2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tập trung đẩy mạnh chiến lược kinh doanh với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Với Techcombank, các khoản phí dịch vụ thu được trong nửa đầu năm 2020 đạt trên 2.800 tỉ đồng, tăng hơn 900 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019. Các hoạt động phi tín dụng như bancassurance (dịch vụ bán các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng), dịch vụ thanh toán, bảo lãnh phát hành chứng khoán,…đang có vai trò ngày càng to lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng…

Linh Anh

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng chịu thêm sức ép" tại chuyên mục Khoa học quản lý.