Ngang Chợ Lớn Ghé Hào Sĩ phường

vutuan

09/03/2020 11:26

Ẩn mình sau một đường phố sầm uất, Hào Sĩ phường là câu chuyện dài về nơi lập nghiệp của những di dân Trung Hoa chọn Sài Gòn làm quê hương.

V mt tên gi

Lang thang trên các đường phố Chợ Lớn, thỉnh thoảng người ta vẫn có thể bắt gặp những chứng tích một thời, gây bất ngờ cho người thưởng ngoạn. Và sẽ càng thú vị hơn nếu ai đó tình cờ lạc vào những con hẻm xưa, vốn là hồn cốt của Chợ Lớn. Một trong những hẻm được người Hoa bồi hồi nhớ đến nhiều nhất là Hào Sĩ phường.

Khu vực Chợ Lớn bao gồm toàn bộ ba quận 5, 6, 11 và phần lớn hai Quận 8, Quận 10. Địa bàn này có khoảng 400 con hẻm lớn nhỏ, trong đó là hàng trăm con hẻm cổ, phần lớn tập trung ở Quận 5. Nếu không biết địa chỉ cụ thể, người thời nay vô phương tìm ra các hẻm xưa. Nhưng với dân Chợ Lớn thuở trước, chẳng ai quan tâm tới con số địa chỉ hẻm. Người ta chỉ gọi chúng bằng tên.

Mỗi con hẻm người Hoa xưa được đặt tên. Sau đuôi những tên đó thường kèm theo chữ “hạng”, “lý” hoặc “phường”. Ba tiếp vĩ ngữ này giúp ta đoán được phần nào mối liên hệ giữa các thành viên trong hẻm. Hạng (巷) là nơi những người chung dòng họ quây quần. Lý (里) là chỗ những kẻ đồng hương tụ lại. Phường (坊) là chốn nương thân của những người cùng làm chung ngành nghề. Hào Sĩ phường (豪仕坊) tức hẻm 206 đại lộ Đồng Khánh - nay là Trần Hưng Đạo B - được liệt vào hàng “trưởng lão” của các hẻm Chợ Lớn. Đồn rằng hẻm đã có hơn trăm năm, do “Chú Hỏa”, một trong tứ đại phú hào Sài Gòn xưa, xây cho đồng hương thuê.

Tên hẻm này cũng do Chú Hỏa đặt. Tới nay, nhiều gia đình ở đây vẫn còn giữ được bản hợp đồng thuê nhà và biên lai đóng tiền hằng tháng cho Huỳnh Vinh Viễn Đường, công ty thuộc gia đình Chú Hỏa vào đầu thế kỷ trước.

Về ý nghĩa tên Hào Sĩ, sách báo hiện nay đều giải thích: “Hào” là hào hiệp, “Sĩ” là văn sĩ. Sở dĩ đặt tên như vậy vì hào hiệp và văn nhã là đặc trưng của cư dân hẻm này. Tuy nhiên, có lẽ cần trao đổi thêm đôi chút. Thuở đó, Hào Sĩ phường toàn hạng bình dân lam lũ thất học, lấy đâu ra khí chất hào hiệp, văn nhã?

Cho nên có giả thuyết “Hào Sĩ” là danh từ riêng, đặt theo tên ông chủ của các lao công ở trong xóm. Giả thuyết này hợp lý nhất do tổ tiên mấy đời trước của di dân Trung Hoa ở đây nếu không phải làm bốc vác thì cũng bồi bàn, hoặc công nhân hãng xà-bông.

Tới đây, một nghi vấn nảy ra: kinh doanh nhiều ngành nghề, thậm chí chẳng liên quan nhau như vậy, chắc ông chủ nọ phải là tay cự phú nổi tiếng? Nhưng tra tìm danh sách thương nhân người Hoa ở Chợ Lớn vào đầu thế kỷ XX lại không có ai mang tên hoặc hiệu Hào Sĩ.

Dựa theo lối kêu tên trống trơn ngang hàng, không kèm theo họ, thì Hào Sĩ ắt không phải bậc cao vọng, nên có thể suy luận đây là một người làm nghề môi giới nhân công, chứ không phải xì-thẩu nào.

Kiến trúc trăm năm

Ngày nay, ghé qua hẻm 206 Trần Hưng Đạo B, ta thấy bảng tên “Hào Sĩ phường” chữ Hán xưa đắp nổi bằng xi-măng nay đã không còn, thay vào đó là bảng mi-ca Việt ngữ, tuy vậy khung cổng vẫn còn y thinh. Bên trong cổng là khu nhà hai tầng sơn vàng tách biệt nhau, được bố cục theo lối giếng trời của người Quảng Đông, gồm 67 căn quây quần lại. Các căn nhà và gian chái được nối với nhau bằng hồi lang.

Ở hai nhà đầu và cuối hẻm không có tầng trệt, thay vào đó là cầu thang song hành bắc lên hồi lang ở tầng trên. Cầu thang này được gọi là “Kỵ lâu tẩu lang” (騎樓⾛廊), đặc trưng của kiến trúc Mân Việt cổ. Hào Sĩ phường lưu giữ gần như hoàn chỉnh hình dạng trăm năm trước. Những ai mê Châu Tinh Trì dễ nhận ra khung cảnh nơi đây tương tự khu phố nghèo trong phim “Tuyệt đỉnh công phu” (Kung Fu Hustle) nổi tiếng của ông.

Khung cửa các căn nhà có phần thông gió bằng sắt uốn hình vòm cung bên trên. Cửa được thiết kế ba lớp: lớp ngoài có tác dụng như bình phong với hai cánh chớp lửng; kế đó là cửa lùa bằng khung gỗ song ngang; trong cùng mới là cửa thực thụ.

Bên trong, nhiều nhà vẫn giữ nguyên lối trần thiết cổ, với bàn tròn ghế gỗ đánh vẹc-ni đỏ, bộ kỷ trà đựng trong giỏ mây, trên tường là chân dung ông bà thuở trước lồng trong khung hình bầu dục.

Chuyn xưa hm cũ

Đầu thế kỷ XX, khi những cư dân đầu tiên tới ở, nơi đây còn hoang vắng, chung quanh lau lách mọc dày thành bụi rậm, thỉnh thoảng vẫn có chồn, rắn vô nhà. Tới thập niên 1970 thì dân cư đã nhét chật như nêm, những người đứng tên ký hợp đồng mướn nhà chính thức bèn ngăn nhà ra từng phòng, cho người khác mướn lại kiếm lời. Lúc đầu còn dựng vách ngăn, riết về sau họ chỉ giăng sợi kẽm kéo màn che. Thậm chí mấy nhà đắt mối còn làm ván sắp lớp ba bốn tầng, mỗi tấm ván vừa bằng chiếc giường cá nhân thành chỗ sinh hoạt cho nguyên một hộ. Người ra vô phải cúi rạp để khỏi đụng đầu vô mấy tấm ván, cũng là để ngó chừng kẻo có khi giẫm đạp trúng người khác.

Dân cư nơi đây gồm đủ người, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Phước Kiến, nhưng do Quảng Đông chiếm đa số nên ngôn ngữ chính trong hẻm là tiếng Quảng Đông.

Thế hệ đầu tiên của Hào Sĩ phường đều thuộc lớp cần lao ít học, họ sống bằng đủ thứ nghề: kéo xe, bốc vác, chạy bàn, thậm chí có cả những kẻ làm công ở sòng bài, tiệm hút, ổ điếm. Việc ai nấy làm, mỗi người đều nặng gánh lo sinh kế chẳng ai hơi đâu phẩm bình kẻ khác. Muốn tồn tại ở tha hương, chủ yếu là phải biết đùm bọc san sẻ cho nhau đã, chuyện ai trong đục thế nào để đó tính sau.

Lúc ban đầu có lẽ chưa hợp thủy thổ, dân Hào Sĩ phường cứ nay ốm mai đau nên có tin đồn khu nhà này được xây dựng bên trên nghĩa địa. Mọi người hùn nhau thỉnh thầy pháp làm phép trục quỷ, rồi lên chùa Ông coi phong thủy tốt xấu. Thầy bà bày cho họ phải trấn yểm, lập bốn trang thờ Bao Công ở hai tầng trên dưới. Tới nay, người ở đây vẫn còn thói quen thắp nhang cho các trang thờ Bao Công, có người còn lập bàn thờ Bao Công luôn trong nhà, thay vì thờ Quan Công như những cư dân gốc Hoa nơi khác.

Trải qua trăm năm, lớp lớp nhân vật Hào Sĩ phường đã xuất hiện rồi đi vào hư không theo quy luật thời gian. Hào Sĩ phường có nhiều giai thoại về ông “Vua bếp” (trù sư) Thái Hữu, ngoại hiệu “Khoái đao thủ”, có thể xắt rau bằm thịt trên bụng người ta mà không làm xước miếng da. Lại có chuyện kể về Lưu đạo sĩ được Tề Thiên đại thánh hộ thể nên võ nghệ siêu quần, lộn nhào bay nhảy lên xuống hai tầng nhà như chơi. Lại có Mai cô cô coi bói như thần, trăm quẻ không trật quẻ nào... Người ta còn liệt kê xếp hạng cho các quái kiệt phường Hào Sĩ, đặt thành câu cú: Nhất Tà, Nhị quái, Tam Yêu, Tứ Mỹ, Ngũ Lão, Lục Ma, Thất Dâm, Bát Bà, Cửu Lạn, Thập Ác. Những con người vô danh xưa từng sinh sống vô ra cổng Hào Sĩ, nay chỉ còn lưu lại hơn chục biệt hiệu mơ hồ.

Ngày mai Hào Sĩ v đâu?

Kiến trúc kết hợp Đông-Tây hòa quyện, không gian nơi đây trầm lắng, hoàn toàn trái ngược với náo nhiệt của phồn hoa bên ngoài, nên Hào Sĩ phường được mệnh danh “Phồn hoa tịnh thổ” - vùng đất bình yên giữa đô thị ồn ào. Vài chục năm nay, chiều chiều người Hào Sĩ không còn thói quen bắc ghế trước cửa như xưa để vừa hàn huyên với lối xóm, vừa ngó chừng tụi nhỏ chơi đùa ngoài sân chung. Tuy thế, tình hương lân giữa họ vẫn bền chặt; dù gì cũng chung đụng nhau ít nhất ba bốn đời rồi, có muốn ghét nhau cũng khó.

Ban ngày đi làm không kể, tối về nhà ai nấy ở, nhưng phải tránh gây tiếng ồn ảnh hưởng hàng xóm. Việc láng giềng cự cãi vì vậy hiếm khi xảy ra, mà vợ chồng lỡ có gây lộn cũng phải tự ém volume (âm lượng) vặn nhỏ tiếng bớt. Tập tục thờ cúng Thổ địa lộ thiên của dân gian Quảng Đông vẫn còn gìn giữ, nhưng được vén gọn sao cho khỏi ảnh hưởng lối đi chung. Người phường Hào Sĩ đã sẵn thói quen lịch sự văn minh thành nếp hàng mấy chục năm trước khi được công nhận “khu phố văn hóa”.

Cả năm nay, chính quyền đã năm lần bảy lượt thông báo là Hào Sĩ phường sắp tới phải giải tỏa bởi chung cư xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa thấy chính quyền có động thái nào. Ngoài những thông tin mơ hồ khiến cư dân nơi đây lo lắng ra, chẳng ai biết chính sách giải tỏa cụ thể như thế nào, sẽ di dời các hộ đi đâu, diện tích nơi ở mới rộng hẹp ra sao?

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Ngang Chợ Lớn Ghé Hào Sĩ phường" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.