Người đứng sau Digiworld - doanh nghiệp tham vọng đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD là ai?

Chí Cang

22/02/2023 09:34

HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) vừa thông qua mục tiêu doanh thu năm 2023 của cả công ty là 25.109 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) và lãi ròng đạt 787 tỷ đồng. Theo báo cáo quản trị năm 2022, gia đình Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt hiện đang là cổ đông lớn nhất của Digiworld với tỷ lệ sở hữu hơn 40%. Ông Việt chính là người từng được biết đến với câu chuyện lấy sổ đỏ biệt thự của mình cầm cố để cho sếp mượn tiền vì tin tưởng sếp sẽ trả lại.

Mới đây, thông tin về một doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối hàng điện tử như: điện thoại, laptop, thiết bị văn phòng,...đặt mục tiêu thu về hơn 1 tỷ USD trong năm 2023 đã khiến mọi người bất ngờ. Bởi vì trong bối cảnh các tập đoàn lớn khác cùng ngành đang phải thu hẹp quy mô và đóng cửa các mảng kinh doanh không hiệu quả, thì công ty này liên tục thực hiện các thương vụ M&A để tăng trưởng.

Cụ thể, HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) vừa thông qua mục tiêu doanh thu năm 2023 của cả công ty là 25.109 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) và lãi ròng đạt 787 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên điều kiện nền kinh tế sẽ khởi sắc trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Theo kế hoạch, ngành hàng điện thoại di động sẽ là mảng chủ lực mặc dù doanh số toàn thị trường di động sẽ đi ngang, nhưng Digiworld vẫn kỳ vọng vào mức tăng trưởng 13% lên 12.157 tỷ đồng. Trong đó, doanh số của thương hiệu Xiaomi đi ngang và sản phẩm của Apple sẽ tăng trưởng.

Ngành hàng đứng thứ hai về doanh thu trong tổng cơ cấu là laptop sẽ đem về 7.122 tỷ đồng, sau đó là thiết bị văn phòng kỳ vọng tăng mạnh 17% lên 3.895 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nguồn thu của công ty chuyên phân phối hàng điện tử này còn có sự đóng góp từ hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng sau các thương vụ M&A trong thời gian gần đây. 

ai-la-chu-cua-digiworld-doanh-nghiep-dang-co-tham-vong-dat-doanh-thu-1-ty-do-la-2-1676967867.jpg

Kế hoạch kinh doanh theo từng ngành hàng của Digiworld trong năm 2023 (Nguồn: DGW, BVSC)

Cuối năm 2022, công ty đã hoàn tất mua 60% cổ phần của Archison (công ty nhỏ chuyên về thiết bị công nghiệp). Trong năm 2023, Digiworld sẽ hoàn tất 2 thương vụ M&A trong lĩnh vực thiết bị văn phòng và cả hàng tiêu dùng. Việc liên tục mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau được xem như là một bước đi chiến lược của CTCP Thế giới số, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong khi thị trường hàng điện tử đã bão hòa.

Theo lời ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Digiworld từng chia sẻ: “Nếu 10 năm nữa làm gì tôi chưa biết chính xác, nhưng trong 3 năm tới, tôi biết rõ để có thể đảm bảo mức tăng trưởng 25%/năm, hướng đến tầm vóc doanh nghiệp tỷ USD.”

Người đứng sau “ông trùm” phân phối hàng điện tử này là ai?

Theo báo cáo quản trị năm 2022 của CTCP Thế giới số, cổ đông lớn nhất của công ty là Công ty TNHH Created Future với tỷ lệ sở hữu lên đến 32,8% cổ phần. Theo thông tin tìm hiểu, Chủ tịch HĐTV của công ty này chính là ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Digiworld. Ông Việt còn là Chủ tịch của Công ty TNHH MTV DHV - pháp nhân đang nắm giữ 4,27% cổ phần.

Về phía công ty Created Future có giám đốc là bà Tô Hồng Trang - thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của Digiworld, đồng thời cũng là vợ của ông Việt. Bên cạnh đó, bà Trang còn là chủ tịch của Công ty TNHH MTV TOHT - đơn vị nắm giữ 3,21% vốn của Thế giới số. Tổng tỷ lệ nắm quyền sở hữu của hai vợ chồng ông Đoàn Hồng Việt lên đến 40,28% với giá trị khoảng hơn 2.682 tỷ đồng (theo thị giá của cổ phiếu DGW gần đây là 40.800 đồng/cổ phiếu).

Cổ đông lớn thứ hai hiện đang nắm giữ 5,2% cổ phần của DGW là Công ty TNHH MTV DKP do bà Đặng Kiện Phương - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Digiworld làm chủ tịch. Cả ba người đều là cổ đông sáng lập công ty và cùng nhau gắn bó hơn 23 năm. Ngoài ra, ông Việt và bà Phương vừa hoán đổi vị trí cho nhau kể từ tháng 3/2022.

ai-la-chu-cua-digiworld-doanh-nghiep-dang-co-tham-vong-dat-doanh-thu-1-ty-do-la-3-1676968075.jpg

Chân dung Chủ tịch HĐQT Digiworld - ông Đoàn Hồng Việt

Ông Đoàn Hồng Việt sinh ngày 06-10-1970 tại Hà Nội, từng tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Kinh tế tại trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1992 và đã được ba tặng một căn biệt thự. Sau đó, ông Việt có khoảng thời gian làm việc 4 năm tại Công ty TNHH Liên Phương - doanh nghiệp chuyên phân phối hàng công nghệ nước ngoài với vị trí là Trưởng phòng Công nghệ thông tin.

Ông Việt từng tiết lộ về một câu chuyện vô cùng thú vị khi còn đi làm thuê. Theo đó vào năm 1994, ông đã từng đem sổ đỏ căn biệt thự của mình đem đi cầm cố ngân hàng chỉ để cho…sếp mượn tiền vì công ty đang kẹt tiền để xử lý đơn hàng 100 máy tính server cho một ngân hàng, mà deal là do ông Việt đã tốn nhiều thời gian để theo đuổi nên không muốn bỏ. Ông nói rằng mình hoàn toàn tin tưởng sếp sẽ trả lại tiền cho mình, vì ông biết rõ cả người mua và người bán.

Sau khi nghỉ việc tại đây, ông đã quyết định thành lập Công ty TNHH Hoàng Phương (tiền thân của Digiworld) vào năm 1997 với số vốn khoảng 25.000 USD.

ai-la-chu-cua-digiworld-doanh-nghiep-dang-co-tham-vong-dat-doanh-thu-1-ty-do-la-4-1676968275.jpg

Chân dung hai "nữ tướng" quyền lực của Digiworld: bà Đặng Kiện Phương (bên trái) - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc và bà Tô Hồng Trang (bên phải) - thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc

Dự định làm kinh tế và thành lập công ty riêng được ông Đoàn Hồng Việt ấp ủ sau cuộc gặp với người chú làm giám đốc doanh nghiệp vào thời điểm còn đi học cấp ba. Thời gian đầu mới hoạt động, công ty tập trung bán linh kiện của các hãng Đài Loan phục vụ nhu cầu lắp ráp máy tính bàn. Lúc đó Internet ngày càng phổ cập nên nhu cầu thị trường ngày càng tăng mạnh, giúp cho việc kinh doanh của công ty thu được lợi nhuận và lớn dần.

Đến năm 2000, khi sang Thái Lan nhìn thấy laptop được sử dụng rất phổ biến nên ông Việt nghĩ rằng đây là sẽ xu hướng của Việt Nam. Nghĩ là làm. Năm 2001, vị doanh nhân này quyết định trở thành nhà phân phối của Acer - thương hiệu máy tính hàng đầu trên thế giới. Nhờ bước ngoặt này, công ty dần lớn mạnh và liên tiếp trở thành nhà phân phối chính thức của các thương hiệu lớn khác như: Lexmark, HP, Dell, Toshiba, Logitech,...

Bước ngoặt thứ hai đưa Digiworld của ông Việt lên một vị thế mới đó là hợp tác làm nhà phân phối độc quyền của thương hiệu điện thoại Xiaomi vào năm 2017. Từ một thương hiệu chưa được phổ biến trên toàn cầu và tại Việt Nam, ông Việt cùng Digiworld đã giúp Xiaomi tăng thị phần từ 0% lên 17% chỉ trong vòng 4 năm, đứng thứ hai trên toàn thị trường. Nhờ đó ông Đoàn Hồng Việt tiếp tục giành được quyền phân phối Apple và hợp đồng cung cấp MES (Market Expansion Services) độc quyền với ông lớn Huawei. Đây cũng là lý do giúp cho CTCP Thế giới số liên tục đạt mức tăng trưởng trên 30% trong giai đoạn 2018 - 2021.

Tuy nhiên đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Digiworld bắt đầu chậm lại vì ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô. Theo kết quả kinh doanh năm 2022, doanh thu của công ty đạt 22.059 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ khoảng 5,4% so với cùng kỳ. Về chỉ tiêu lợi nhuận ròng được ghi nhận ở mức 683 tỷ đồng, cao hơn 4,4% so với 654 tỷ đồng của năm 2021. Với kết quả này công ty đã không đạt chỉ tiêu đặt ra vào đầu năm 2022.

Liệu rằng trong năm 2023, ông Đoàn Hồng Việt có thể dẫn dắt Digiworld đạt được tham vọng tỷ đô la trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hay không?

Chí Cang