Novaland lý giải về việc không thanh toán nợ đến hạn dù có lượng tiền lớn nằm trong ngân hàng

Hồng Vũ

28/12/2022 10:00

Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đến bộ trưởng Bộ Xây dựng - thường trực Tổ công tác của Thủ tướng - về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản; chủ trì, xem xét kiến nghị của Tập đoàn Novaland trong đơn kiến nghị khẩn cấp mới đây.

Theo đó, Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland; MCK: NVL) đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi tới Thủ tướng để xin cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn pháp lý dự án và thanh khoản.

Tập đoàn địa ốc này cho biết, tình trạng ách tắc pháp lý đang tạo tâm lý bất an cho người dân, môi trường đầu tư, ngân hàng.

Ngoài tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, đa số ngân hàng đều giữ lại tiền thu từ khách hàng của Novaland làm tài sản đảm bảo bổ sung. Hiện Tập đoàn Novaland có khoảng 32.000 tỉ đồng trong các tài khoản ngân hàng nhưng lại không có tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Với thực trạng này, nhà phát triển bất động sản lớn khu vực phía Nam đã khẩn xin Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc, giúp tập đoàn sớm hoàn thiện pháp lý dự án.

novaland-1-720x370-1672195884.jpeg

Novaland đã có nhiều kiến nghị gửi đến Thủ tướng.

Qua đó, Novaland kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính đề cử một công ty giúp tập đoàn định giá tiền sử dụng đất dự án Nova World Phan Thiết.  Hiện chưa có công ty thẩm định giá nào hướng dẫn khiến doanh nghiệp không đóng được tiền sử dụng đất dự án, không phát hành được hợp đồng mua bán hàng, không làm được sổ đỏ cho khách hàng.

Còn tại dự án Aqua City (Đồng Nai), Novaland kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000 làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch chung 1/500 của khu đô thị Aqua City, giúp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục pháp lý dự án.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Novaland cũng kiến nghị Chính phủ hướng dẫn về vấn đề gia hạn chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian sử dụng đất cho các dự án đang triển khai trên địa bàn.

Đáng lưu ý tại TP.HCM, Novaland kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn pháp lý cho 64 dự án bất động sản bị ách tắc thủ tục, trong đó có 23 dự án do Novaland đầu tư.

Trong đơn kiến nghị vừa gửi tới Thủ tướng, Tập đoàn Novaland cũng kiến nghị xem xét, hỗ trợ khẩn cấp 2 vấn đề:

Cho phép Novaland được tái cấu trúc mô hình kinh doanh, tái cơ cấu/gia hạn/ân hạn các khoản nợ trong vòng 2-3 năm, phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp mà không bị xem xét là nợ xấu để tập đoàn có thể phát triển bền vững.

Novaland xin Thủ tướng chỉ định một ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối cấp hạn mức tín dụng để tập đoàn tiếp tục thi công các dự án dở dang, qua đó giúp khách hàng có thể tiếp tục vay tiền mua nhà, tập đoàn có dòng tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn, người dân nhận nhà đúng hạn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Về lý do gửi đơn kiến nghị khẩn cấp xin cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ, Novaland cho hay những biến động khôn lường của nền kinh tế thế giới trong năm 2022, hậu quả của dịch bệnh, biến động kinh tế trong nước, cùng với chính sách thắt chặt tín dụng đã gây rủi ro hệ thống không thể chống đỡ đối với doanh nghiệp Việt, kể cả doanh nghiệp đầu ngành.

Novaland đang đứng trước thách thức chưa từng có, các ngân hàng dừng giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký, khách hàng không thể trả tiền mua nhà, nợ tới hạn chưa có cơ chế giãn/ân hạn. Tập đoàn buộc phải cắt giảm 50% nhân sự, bán rẻ tài sản, giảm một phần hoạt động thi công những dự án lớn.

Nhưng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mọi nỗ lực của Novaland như "muối bỏ biển", nên tập đoàn kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ khẩn cấp để có cơ hội khắc phục.

Trước sự việc của Novaland, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, Novaland có nhiều dự án…Tổ công tác đang phân loại dự án, xem các vướng mắc dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương nào thì chuyển cho bộ, ngành, địa phương đó trực tiếp giải quyết.

Theo ông Sinh, tổ công tác đang tập trung giải quyết những vướng mắc thủ tục pháp lý các dự án do Novaland đầu tư.

Trước đó, ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Novaland đã có tâm thư gửi đến khách hàng. Theo ông Huy, năm 2022 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có những biến động khôn lường, từ chiến tranh, lạm phát, hậu quả dịch bệnh đến chính sách thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn cầu. Trong đó, NVL không ngoại lệ.

“Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang cùng với cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu (Ernst & Young, KPMG, Công ty Luật YKVN) làm việc ngày đêm để giúp NVL rà soát, cân đối lại dòng tiền để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM”, tâm thư ghi.

Theo đó, ông Huy bày tỏ xin lỗi khi biết rằng, quý đối tác của Novaland có thể cảm thấy lo lắng và bất an trước những thông tin biến động của Tập đoàn nói riêng và thị trường nói chung. Dù những thông tin này được đến từ đâu và theo cách thức nào, Novaland rất mong nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ của khách hàng.

Hồng Vũ