Ông chủ DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn và hành trình từ cán bộ nhà nước trở thành “ông trùm” bất động sản

Cao Chí Cang

14/10/2022 13:21

Ông Nguyễn Thiện Tuấn bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc tại văn phòng ở một xí nghiệp thuộc Bộ Xây Dựng, trải qua 10 năm làm việc, ông được Bộ thăng tiến lên vị trí giám đốc Nhà nghỉ tại Vũng Tàu. Kể từ đó, ông Tuấn bắt đầu được giao các khu đất “khủng” để thực hiện các dự án nghìn tỷ đồng và đưa DIC Corp trở thành một trong 5 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam.

3juozyomoqc0wjqhw3le-1665728437.jpg
 

Ông Nguyễn Thiện Tuấn là ai?

Ông Nguyễn Thiện Tuấn sinh ngày 16/5/1957 tại Hậu Lộc, Thanh Hóa, là một thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh. Ông bắt đầu sự nghiệp từ một cán bộ làm việc tại Bộ Xây Dựng, và trở thành Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) (Mã: DIG) từ năm 1990 đến nay. Vợ ông là bà Lê Thị Hà Thành, không như những phu nhân của các vị đại gia khác sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bà Thành chỉ nắm giữ vài nghìn cổ phiếu DIG. Vợ chồng ông Tuấn có được hai người còn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền, cả hai hiện đều là lãnh đạo cấp cao tại DIG.

Hiện tại ông Tuấn đang sở hữu 50.424.783 cổ phiếu DIG tương đương 10,09% cổ phần tại công ty, với giá trị lên đến 1.336 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông chưa phải là người nắm giữ số lượng cổ phiếu DIG nhiều nhất trong gia đình. Mà người đó chính là con trai ông - Phó Chủ tịch DIG Nguyễn Hùng Cường, đang có 62.713.734 cổ phiếu trị giá 1.661 tỷ đồng. Ông Cường cũng chính là cổ đông lớn thứ hai của công ty chỉ sau CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân. Con gái của ông Tuấn đồng thời là Phó chủ tịch, cũng gây sự chú ý khi mới tuyên bố sẽ mua thêm 20 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn của công ty, giữa lúc thị giá cổ phiếu đang lao dốc mạnh từ đầu năm đến nay.

Con đường trở thành ông chủ DIC Corp - top 5 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam của ông Nguyễn Thiện Tuấn

nguyen-thien-tuan-2-1665484165.jpgChân dung hai người con của ông Tuấn: ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đều là Phó chủ tịch HĐQT của DIC Corp (Nguồn ảnh: DIC)

Bắt đầu sự nghiệp từ năm 21 tuổi, ông Nguyễn Thiện Tuấn là cán bộ làm việc tại Phòng Tổ chức - Lao động, Xí nghiệp 101 thuộc Công ty Xây dựng cấp thoát nước số 1 của Bộ Xây dựng. Đến năm 1981, ông làm việc tại Công ty Xây dựng Dầu khí và lần lượt được thăng tiến lên các vị trí Phó phòng, Trưởng phòng. Chỉ sau 10 năm làm việc, ông trở thành Giám đốc lần đầu vào năm 31 tuổi khi công tác tại Xí nghiệp Xây dựng đời sống cũng thuộc công ty dầu khí. Ngoài ra, ông Tuấn là một người hoạt động tích cực trong các công tác của Đảng và Đoàn, từng đảm nhiệm các công việc như: Bí thư đoàn tại công ty dầu khí, Ủy viên Ban chấp hành tỉnh đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Thường vụ Đảng Ủy tại Công ty Xây dựng Dầu khí và là Ủy viên Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam. 

Năm 1990, Bộ Xây Dựng quyết định thành lập Nhà nghỉ để kinh doanh dịch vụ du lịch, và quan trọng là công tác điều dưỡng cho nhân viên ngành xây dựng tại Vũng Tàu. Khi đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc của đơn vị này, đây cũng chính là tiền thân của DIG ngày nay. Đến năm 2008, công ty được chuyển đổi sang mô hình cổ phần hóa với vốn điều lệ 370 tỷ đồng và chính thức được đổi tên thành Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng. Công ty tập trung vào lĩnh vực: đầu tư phát triển xây dựng các dự án bất động sản, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, tư vấn đầu tư và môi giới bất động sản. kinh doanh dịch vụ du lịch,...Trước khi niêm yết trên sàn Hose vào năm 2009, công ty đã thực hiện việc phát hành cổ phần ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng. Thời điểm này, ông Tuấn đại diện phần vốn nhà nước nắm giữ 19.517.415 số cổ phần tương đương 32,5% vốn của công ty, nhưng cá nhân ông chỉ sở hữu 4.702 cổ phần. Ông cũng chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đầu tiên của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng. Lúc này, con trai của ông Tuấn cũng đã có được 1.008.036 cổ phần và người em gái của vị chủ tịch này là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có được 2,594 cổ phần.

Dự án bất động sản “khủng” đầu tiên của ông Tuấn là Khu đô thị Chí Linh ở tại trung tâm thành phố Vũng Tàu được thực hiện từ năm 1997. Dự án có diện tích 99,7ha với tổ hợp 20 tòa chung cư cao từ 15 đến 34 tầng, tổng vốn đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng, và đây cũng chính là dự án khu đô thị mới đầu tiên tại miền Nam. Tiếp theo là dự án có diện tích đất lên đến gần 465 ha, có cả sân golf - Khu Đô thị Du lịch sinh thái Đại Phước Nhơn Trạch - Đồng Nai, tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng vào thời điểm năm 2009. Cũng trong năm này, ông Tuấn đã đưa DIC Corp tiến ra miền Bắc với dự án Khu đô thị mới Nam TP Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô 446 ha và tổng số tiền đầu tư dự án là 8.700 tỷ đồng. Đặc biệt, ông Tuấn và công ty có thể sở hữu được những quỹ đất “khủng” như vậy phần lớn nhờ vào lợi thế là đơn vị của Bộ Xây Dựng. Có thời điểm, DIG còn được giao quỹ đất lên đến 19 triệu m2 và trở thành tập đoàn bất động sản lớn mạnh nhất sàn chứng khoán. 

nguyen-thien-tuan-3-1665484479.jpgHình ảnh Dự án Khu đô thị Chí Linh của DIC Corp tại Vũng Tàu (Nguồn ảnh: DIC)

Đến tháng 11/2017, Bộ Xây dựng đã thoái vốn và bán hết 118,3 triệu cổ phiếu tương đương 49,65% cổ phần thông qua giao dịch khớp lệnh. Trước đó vào quý 1/2017, ông Tuấn chỉ sở hữu gần 4,1% cổ phần tại công ty, vẫn chưa là cổ đông lớn nắm giữ trên 5%. Kể từ khi thoái hết vốn nhà nước, ông Tuấn cùng gia đình bắt đầu gom mua số lượng lớn cổ phiếu của công ty. Hiện tại, cả gia đình ông đã nắm giữ hơn 20% cổ phần chi phối của công ty. Đáng chú ý, các thông tin mua bán cổ phiếu DIG của các con ông Tuấn gần đây liên tục xôn xao dư luận. Đầu năm 2022, giá cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đạt “đỉnh” trong vòng chưa đầy 5 tháng, lên con số 119.800 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau đó giá cổ phiếu lại liên tục “tìm đáy”. Lúc này, ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch HĐQT đã tuyên bố mua 5 triệu cổ phiếu của công ty, nhưng kết quả cuối cùng chỉ thực hiện mua 145.000 cổ phiếu, tỷ lệ chưa đầy 0,03% so với đăng ký. Lý do được ông đưa là do “giá không phù hợp” vào thời điểm đó. Lần thứ hai là vào cuối tháng 6/2022, ông Cường tiếp tục đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu DIG, nhưng cuối cùng lại không mua cổ phiếu nào với lý do không thu xếp kịp tài chính. Đặc biệt, trước lúc mỗi lần con trai ông Tuấn tuyên bố thì giá cổ phiếu của công ty lúc đó đang liên tục giảm mạnh. Hiện nay, giá cổ phiếu chỉ rơi vào khoảng 26.000, mất đi gần 79% so với đỉnh đầu năm, vốn hóa của công ty đã bay hơn 2 tỷ USD trong vòng 9 tháng. 

Sau khi Bộ Xây Dựng thoái vốn, lợi nhuận sau thuế của DIC Corp liên tục tăng “thẳng đứng”. Năm 2017, doanh thu của DIG tăng hơn 40% so với năm trước đó đat hơn 1.593 tỷ đồng, lợi nhuận tăng gấp 3 lần lên con số 202 tỷ. Sang năm 2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh gần 50% ở mức 2.345 tỷ, lợi nhuận tiếp tục tăng lên 332 tỷ đồng. Đang trên đà tăng trưởng mạnh doanh, thì ngột đột giảm gần 10% ở năm 2019, nhưng lợi nhuận vẫn tiếp tục tăng nhẹ lên 371 tỷ. Kể từ thời điểm này về sau, doanh thu không còn tăng “nóng” mỗi năm 40% như trước, khi năm 2020 - 2021, doanh thu chỉ còn tăng lần lượt 17% và 3%. Nhưng chỉ số lãi ròng vẫn luôn tăng trưởng mạnh, khi năm 2020 tăng 90% và năm 2021 tăng 37% đạt gần 990 tỷ đồng. Ngược lại với các kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh thì dòng tiền kinh doanh và đầu tư của công ty liên tục âm. Gần đây nhất vào năm 2021, dòng tiền từ hoạt động đầu tư đã ghi nhận âm lên đến con số 2.767 tỷ đồng và từ hoạt động kinh doanh là âm 1.966 tỷ đồng. Vì thế trong năm DIG đã phải phát hành cổ phiếu để thu về 1.948 tỷ đồng và vay thêm 4.660 tỷ đồng, mới có thể đủ tiền để bù vào dòng tiền âm và trả nợ vay gốc. Mặc dù dòng tiền liên tục ghi nhận âm, nhưng công ty vẫn đang có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án bất động sản “khủng”.

Theo kế hoạch năm 2021, công ty sẽ chi ra khoảng 9.264 tỷ đồng để đầu tư các dự án, trong đó khu vực miền Nam và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi sẽ sử dụng nhiều vốn nhất, lần lượt là 4.547 tỷ và 2.580 tỷ. Tuy nhiên, hết năm 2021, DIC Corp chỉ thực hiện được 20,4% so với kế hoạch với số tiền là 1.894 tỷ đồng. Năm 2022, kế hoạch của công ty triển khai tổng cộng 12 dự án, trong đó bao gồm tiếp tục thực hiện các dự án củ và chuẩn bị cho dự án mới. Một số dự án tiếp tục thực hiện như: lập hồ sơ gia hạn dự án Khu đô thị sinh thái Đại Phước ở Đồng Nai, dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, đầu tư cho dự án Khu trung tâm Chí Linh để thi công chung cư, bàn giao căn hộ tại dự án Vũng Tàu Gateway,...Đặc biệt, ông Nguyễn Thiện Tuấn chuẩn bị triển khai hai “siêu dự án” có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đầu tiên là dự án Khu đô thị du lịch Long Tân tại Nhơn Trạch, Đồng Nai có quy mô gần 332 ha diện tích đất và vốn đầu tư là 12.618 tỷ đồng. Thứ hai là dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu nằm ngay trung tâm thành phố Vũng Tàu với quy mô hơn 90 ha đất có tổng vốn đầu tư là 10.971,9 tỷ đồng. Dự tại Vũng Tàu từng gây chú ý khi DIG tuyên bố lập liên doanh với CTCP Him Lam khi đơn vị này vẫn còn là cổ đông lớn của công ty. Khi đó, phương án được đưa ra là DIC Corp góp 65% vốn và 35% còn lại của Him Lam. Tuy nhiên, cổ đông của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đã không đồng ý, và gần đây Him Lam đã thoái vốn khi cổ phiếu DIG đạt đinh để thu về hàng nghìn tỷ đồng. 

nguyen-thien-tuan-4-1665484728.jpgHình ành Dự án Khu đô thị Đại Phước của DIC Corp 

Hiện nay, trong bối cảnh các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản liên tục xuất hiện hàng loạt thông tin gây chấn động dư luận, thì ông Nguyễn Thiện Tuấn là một trong những “ông trùm” kín tiếng nhất hiện nay. Liệu rằng vị đại gia này có thể nắm bắt cơ hội để đưa DIC Corp lên “đỉnh” một lần nữa hay không?

Cao Chí Cang