PAN của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng huy động hơn 1.500 tỷ đồng để ‘thâu tóm’ một loạt công ty

Yến Nhi

08/06/2022 13:23

Với kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, CTCP Tập đoàn PAN của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng dự kiến sẽ thu về 1.566 tỷ đồng để "thâu tóm" một loạt công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu và thủy sản.

nguyen-duy-hung-pan-1654669279.jpg
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN)

CTCP Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.

Cụ thể, tập đoàn PAN sẽ phát hành khoảng 83,6 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 5:2, tương ứng cổ đông sở hữu 5 cổ phần sẽ được hưởng 2 quyền, cứ 1 quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Nguồn vốn sử dụng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2021 của công ty. Số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Đồng thời, doanh nghiệp chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền, cứ 1 quyền được mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Sau 2 phương án phát hành trên, vốn điều lệ của tập đoàn PAN dự kiến tăng lên 4.102 tỷ đồng.

Riêng kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu, với giá chào bán 15.000 đồng/cp, doanh nghiệp dự kiến sẽ thu về 1.566 tỷ đồng.

Trong đó, 55 tỷ đồng từ việc huy động này sẽ được tập đoàn PAN góp vào CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco-LAF) để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm.

Bên cạnh đó, tập đoàn PAN còn đầu tư tăng sở hữu tại các công ty thành viên hiện tại để nâng cao lợi ích tổng thể và tạo điều kiện tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho từng đơn vị. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 3/2022 đến quý 3/2025.

pan-food-1-1654658954.PNG

Danh mục các công ty PAN dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu

Tập đoàn PAN sẽ chi 400 tỷ đồng cho các hoạt động M&A các công ty khác trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm để hoàn thiện hệ sinh thái và đa dạng hóa sản phẩm.

Doanh nghiệp này cũng dự chi 100 tỷ đồng đầu tư ngắn và trung hạn các sản phẩm đầu tư an toàn, thị trường tiền tệ để tối ưu nguồn vốn cho công ty.

Cuối cùng là tái cơ cấu các khoản vay nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực tài chính cho công ty thông qua việc trích hơn 186,7 tỷ đồng trong đợt huy động này để trả nợ cho Vietcombank.

Về tình hình kinh doanh, quý 1/2022 doanh thu thuần đạt 2.949 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ 2021; trong đó 699 tỷ đồng tăng từ hợp nhất kết quả kinh doanh của CTCP Khử trùng Việt Nam - VFC (mã: VFG). So với cùng kỳ 2021, hầu hết các đơn vị có tăng trưởng lớn về doanh thu: VFG (tăng 38%), NSC (tăng 38%), ABT (tăng 114%), nhóm FMC – KAF (tăng 37%), LAF (tăng 38%).

Lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng 234% so với cùng kỳ 2021, trong đó 74 tỷ tăng nhờ khoản thu nhập bất thường do thanh lý tài sản tại Bibica. Nếu loại trừ thu nhập do thanh lý tài sản tại Bibica, mức tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ 2021 là 87%. 

Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 77 tỷ đồng, tăng 245% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 54,6% và 47,8% so với năm 2021.

Yến Nhi