Phó Bí thư Phan Văn Mãi: Chủ tịch quận, huyện ở TP HCM có quyền áp dụng Chỉ thị 16

Quỳnh Giang

02/07/2021 19:38

Chỉ đạo trên được Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nêu tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 của TP HCM ngày 2/7.

khu-vuc-cach-ly-1625229186.jpg
Huyện Hóc Môn đã phong toả các khu vực nguy cơ rất cao

Tuần qua, nhiều địa phương tại TPHCM đã chủ động phối hợp xét nghiệm, đề xuất các khu phong toả, cách ly. Ví dụ như huyện Hóc Môn đã phong toả các khu vực nguy cơ rất cao. Việc này thể hiện trách nhiệm, đúng thẩm quyền quản lý nhà nước trên địa bàn trong phòng chống dịch.

Mặc dù Thành phố đã phân cấp và hầu hết các nơi tiếp nhận và điều hành rất tốt. Khuôn khổ pháp lý đã có, thành phố cũng đã có chỉ đạo, vấn đề còn lại các chủ tịch quận huyện thực hiện theo chức trách, thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo quận huyện băn khoăn trong việc áp dụng Chỉ thị 16.

Vì vậy, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 của TP HCM ngày 2/7, Phó Bí Thành uỷ Phan Văn Mãi đã chỉ đạo rằng lãnh đạo quận, huyện ở TPHCM có quyền áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng cho một phần hoặc toàn địa bàn mình quản lý,

"Địa phương có thể xin ý kiến trước khi áp dụng Chỉ thị 16 hoặc vừa làm vừa thông báo để thường trực Ban chỉ đạo thành phố nắm và chỉ đạo", Phó Bí thư Phan Văn Mãi chỉ đạo. Ông Phan Văn Mãi đánh giá việc thông báo phong toả, cách ly của huyện Hóc Môn hôm qua rất rõ ràng theo tinh thần "nhà cách ly với nhà, người cách ly với người", đề nghị các địa phương cứ điều hành theo cách làm này.

"Quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong từng khâu, nhất là công tác xét nghiệm kết hợp với test nhanh kháng nguyên"- Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhấn mạnh. Kế hoạch xét nghiệm tầm soát diện rộng đặt mục tiêu 5 triệu mẫu để nhanh chóng xác định F0, tuy nhiên việc tổ chức nên phân chia thời gian cụ thể để công tác này an toàn, tránh chạy đua với số lượng, thành tích.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng ban hành ngày 31/3/2020 với nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh". Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác...

Tính đến tối 2/7, tổng số ca nhiễm trong cộng đồng tại TP HCM trong đợt dịch này lên đến hơn 4.500 ca. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định tỉ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể virus Delta mạnh mẽ và số ca COVID-19 có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới.

Nhưng điều đáng lo lắng nhất là mỗi ngày TPHCM đều phát hiện nhiều trường hợp nhiễm mới thông qua sàng lọc không rõ nguồn lây. Điều này cho thấy mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng. Tại TPHCM, từ ngày 19-6 đến 30-6 (thời điểm áp dụng chỉ thị 10), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày, số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày.

Chỉ riêng số liệu mà Bộ Y tế công bố ngày 1-7 khiến cho chúng ta phải giật mình: TP HCM phát hiện 85 ca nhiễm nCoV qua sàng lọc tại cơ sở y tế và cộng đồng. Ngày 2/7, con số ca nhiễm chưa rõ nguồn lây cũng tương tự. Việc này cho thấy các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng, đồng thời phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh.

TP.HCM đang bước vào giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh với các biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai quyết liệt.  HCDC khuyến cáo người dân cần cùng tuân thủ đúng các quy định theo Chỉ thị 10 của UBND TPHCM, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế khi ra khỏi nhà, hạn chế các tiếp xúc không cần thiết. 

 

Quỳnh Giang