Góc nhìn chuyên gia: Các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN vừa qua sẽ có tác động như thế nào đến thị trường?

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát đi thông báo điều chỉnh giảm 1 điểm % nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Vậy những điều chỉnh này của NHNN sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, đây là động thái đi tắt đón đầu giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng là sự linh hoạt của cơ quan này trong điều hành chính sách tiền tệ.

Thứ nhất, đây có thể là phản ứng của NHNN với sự kiện 2 ngân hàng sụp đổ đang xảy ra ở Mỹ. Một trong những nguyên nhân khiến hai ngân hàng này sụp đổ là do lãi suất tăng, khiến họ phải bán trái phiếu ra với giá thấp hơn giá họ mua vào rất nhiều, dẫn đến khoản lỗ khổng lồ. Khoản lỗ đã đánh sụp 2 ngân hàng này. Hiện tại trên thế giới, mọi người đều đang đặt vấn đề là liệu lãi suất có quá cao hay không?

Thứ hai, có thể NHNN nhìn thấy rằng, lãi suất cao sẽ phá huỷ nền kinh tế, buộc họ phải giảm xuống. Trong 6 chỉ tiêu trong mô hình CAMELS để đánh giá sức khoẻ ngân hàng thì có 2 chỉ tiêu mà các ngân hàng Việt Nam đang gặp thử thách lớn, đó là Liquidity (thanh khoản) và Sensitivity (độ nhạy cảm với các rủi ro của thị trường). Vấn đề của Sensitivity hiện nay chính là lãi suất của chúng ta đang rất cao. Thời gian vừa qua, một số ngân hàng lớn cũng đã giảm lãi suất, nhưng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Lãi suất cao, tuy một mặt phục vụ cho kiểm soát lạm phát, nhưng mặt khác đánh mạnh vào nền kinh tế, khiến nhiều thị trường rơi vào khó khăn. Do đó, động thái giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ nền kinh tế thời gian tới.

Đáng chú ý, theo thông báo của NHNN, cơ quan này chỉ giảm một số loại lãi suất điều hành, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%/năm, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 6%/năm.

ngan-hang-nao-khong-mat-phi-hang-thang-1678973593.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khó khăn thanh khoản vẫn còn gây áp lực cho ngân hàng. Do đó, các ngân hàng vẫn còn phải duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản. Tín dụng là dòng tiền phải chảy ra và trở về, tuy nhiên nếu rơi vào nợ xấu, dòng tiền này sẽ đi ra mà không quay lại, gây khó khăn cho thanh khoản.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc NHNN quyết định giảm một số lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm %, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng giảm 1 điểm %, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 điểm %), hiệu lực từ ngày 15/3/2023 sẽ có 4 tác động chính đến thị trường.

Một là, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các TCTD trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; qua đó, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tác động này sẽ không nhiều vì vay tái chiết khấu của các TCTD là khá khiêm tốn. Điểm lợi đáng chú ý ở đây là, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các TCTD.

Hai là, lãi suất giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lần này chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ, đối với các lĩnh vực ưu tiên, nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều. Sau này, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm thì sẽ tác động tích cực đối với tất cả các bên vay. Đồng thời, doanh nghiệp có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.

Ba là, động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra. 

Bốn là, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản khi mà: (i) nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của TTCK hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn…v.v. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư vì đầu tư chứng khoán, bất động sản rủi ro hơn so với gửi tiền tiết kiệm.

image3-2-1678973622.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Còn ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập, giám đốc công ty tư vấn tài chính FIDT cho hay, động thái vừa qua của NHNN phù hợp với định hướng của nhà nước và chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn.

Một điều nữa cần lưu ý là lãi suất điều hành được giảm là lãi suất áp dụng cho thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng giữa NHNN và các NHTM). Mức lãi suất được áp dụng kể từ ngày hôm nay là mức thấp hơn so với trước dịch.

"Về tác động của giảm lãi suất điều hành lên lãi suất thị trường 1 (giữa ngân hàng và khách hàng), chúng tôi cho rằng lãi suất huy động thị trường 1 đã giảm trước đó và dự địa giảm là còn nhưng không quá nhiều, song giai đoạn xấu nhất về lãi suất đã qua", ông Tuấn nhận định.

Việc hạ lãi suất điều hành lần này cũng cho thấy chính sách tiền tệ sẽ không tiếp tục thắt chặt và sẽ trở lại hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn cho rằng dư địa để các cơ quan điều hành tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ trong năm nay là không quá lớn và dư địa hỗ trợ lớn sẽ nằm trong tay chính sách tài khóa.

"Động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN vừa mang tính chiến lược dài hạn, song cũng là phản ứng ngắn hạn để "phòng ngự từ xa" trước những biến số khó lường từ Mỹ. Không chỉ quyết định hạ lãi suất điều hành, việc hút tiền cũng đã được ngừng lại từ tín phiếu. Hai giải pháp mà NHNN có thể thực hiện là giảm chi phí đầu vào và tăng cung tiền", ông Huỳnh Minh Tuấn nói thêm.

Mai Ngọc

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/goc-nhin-chuyen-gia-cac-quyet-dinh-dieu-chinh-lai-suat-cua-nhnn-vua-qua-se-co-tac-dong-nhu-the-nao-den-thi-truong-a10011.html