Những khó khăn, thách thức của một người lần đầu làm quản lý cần phải vượt qua

Từ một nhân viên, với việc chỉ cần tập trung làm hoàn thành công việc, khi trở thành một nhà quản lý, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong công việc. Vậy, những khó khăn, thách thức của một nhà quản lý mới là gì?

1. Khó khăn trong quản trị nhân sự

Quản trị nhân sự luôn là bài toán khó mà người làm quản lý phải đối mặt. Đặc biệt là với những nhà quản lý vừa mới được thăng chức. Các nhà quản lý mới luôn gặp khó khăn khi bước đầu chuyển từ đồng nghiệp sang cấp trên. Ít nhiều nhà quản lý nào cũng cảm thấy khó xử và cảm thấy họ đang “phải” quản lý đồng nghiệp cũ của mình.

Không những vậy, nhà quản lý mới còn ngập trong những băn khoăn phải làm sao quản lý, điều phối và tạo ảnh hưởng với những nhân viên không trực tiếp thuộc quyền quản lý của mình. Những khó khăn trong quản trị nhân sự là điều mà bất cứ nhà quản lý mới nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên theo thời gian, bằng sự lãnh đạo đúng đắn mọi việc sẽ ổn định và đi vào quỹ đạo riêng của nó, khi đó nó sẽ không còn là vấn đề quá nghiêm trọng nữa.

Lời khuyên dành cho bạn là hãy đảm bảo với cấp dưới rằng bạn sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần thiết. Vào lúc vừa được thăng chức thành quản lý bạn nên có một cuộc họp với mọi người để đánh dấu bước thay đổi về vai trò của bạn và giải đáp những thắc mắc của họ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người làm quen và tiếp nhận vai trò mới của bạn.

1602777347320-nhung-ky-nang-can-co-cua-mot-operation-manager-4-1679472245.jpeg
Ảnh minh hoạ.

2. Cảm thấy cô độc

Không có công thức rõ ràng cho việc giải quyết các thử thách mà đột nhiên việc quản lý phải đối mặt. Mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau. Khi đối mặt với nhiều áp lực, với ít thời gian và các nhu cầu liên tục tăng lên, các vị sếp mới có thể cảm thấy đơn độc. Người giám sát chịu trách nhiệm để trở thành một người chủ trương cho tổ chức và một người chủ trương cho nhân viên. Ví dụ, nếu tổ chức thực thi một chính sách mới chưa phổ biến, nhà quản lý phải truyền đạt và giải thích các chính sách mới đó cho nhân viên.

Trong trường hợp này, việc quản lý mong đợi người quản lý trình bày và hỗ trợ cho chính sách mới, còn nhân viên chia sẻ sự thất vọng về chính sách với sếp của mình. Nhà quản lý phải đứng ở giữa.

3. Ra quyết định

“Bệnh” đáng sợ nhất trong một doanh nghiệp là “bệnh” sợ trách nhiệm. Người ta không dám quyết định những việc ngoài nguyên tắc và chưa có tiền lệ. Đối với người quản lý, dám ra quyết định (đúng) là cả một vấn đề lớn. Vì thế, hai điều khó nhất khi ra quyết định là: thứ nhất, làm sao để cấp dưới biết cách tự quyết định nhằm tránh dồn việc cho mình, tránh làm nảy sinh bệnh sợ trách nhiệm và mang tiếng “độc đoán” nhưng vẫn kiểm soát được công việc; thứ hai, làm sao để mình phải biết tự đưa ra quyết định khi cấp dưới… bế tắc (và chịu trách nhiệm). Một nguyên tắc cơ bản trong quản lý là “dân chủ nhưng tập trung” cũng là cách nói ngắn gọn về năng lực ra quyết định của người quản lý.

8a6bf449cca39419512c83a422496837-1679472198.jpeg
Ảnh minh hoạ.

4. Khó khăn trong đảm bảo doanh số

Trở thành quản lý, đồng nghĩa với việc bạn vừa là người lãnh đạo nhưng cũng đồng thời là một nhân viên. Lúc này bên cạnh việc phải đảm bảo hiệu suất làm việc của cá nhân, bạn còn phải chịu trách nhiệm về kết quả làm việc của cả nhóm. Bạn sẽ phải đảm bảo các mục tiêu về doanh số, KPI không chỉ cho riêng mình mà cho cả nhóm. 

Vì vậy, là một người quản lý bạn cần biết cách quản lý thời gian, kiểm soát tốt áp lực công việc và có khả năng quản lý lãnh đạo tốt để đảm bảo hiệu suất quản lý và hiệu quả công việc.

Đồng thời bạn còn phải biết cách định hướng công việc cho các thành viên trong nhóm, giám sát công việc của nhóm và nâng cao kỹ năng làm việc nhóm của các thành viên. Điều này sẽ giúp bạn lãnh đạo nhóm của mình đạt được những thành tích tốt nhất.

5. Nắm bắt công nghệ

Khi làm quản lý, người ta thường bắt đầu có lý do (và thấy là hợp lý) để cho rằng nếu mình không biết nhiều về kỹ thuật, công nghệ thì cũng là chuyện…bình thường vì đó là việc của chuyên gia. Nhưng trên thực tế chưa hẳn là hợp lý. Ví dụ trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung, người quản lý nhất thiết phải hiểu biết về công nghệ. Hiểu và nắm bắt công nghệ không phải để làm công tác chuyên môn như tư vấn hay triển khai mà để… định hướng. Ít nhất họ phải có kiến thức và hiểu biết rộng về công nghệ, đặc biệt là xu hướng công nghệ mới.

Trong tình hình các doanh nghiệp của Việt Nam chưa có sản phẩm công nghệ riêng, hầu hết là ứng dụng công nghệ thì việc quyết định chọn lựa đối tác, hướng đến cung cấp các dịch vụ, tìm kiếm thị trường phù hợp… không thể không cần những hiểu biết như đã nói. Trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng, ai nắm bắt công nghệ tốt hơn sẽ dễ dàng chiến thắng. Hơn nữa, nắm bắt công nghệ không chỉ nhằm định hướng cho doanh nghiệp mà còn tạo cho khách hàng những lợi ích thật sự, đó cũng là vũ khí để cạnh tranh.

Thảo Hương (Tổng hợp)

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/nhung-kho-khan-thach-thuc-cua-mot-nguoi-lan-dau-lam-quan-ly-can-phai-vuot-qua-a10033.html