Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Trương Hữu Chí – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Đức TP. Hà Nội cho biết: “Hội nghị không những là một diễn đàn kinh tế mang tính thời sự trong các lĩnh vực về công nghệ, tài chính, giáo dục, đào tạo… mà còn là một trong những hoạt động thực chất, hiệu quả trong chuỗi các sự kiện nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế, hợp tác song phương và quốc tế, một sự kiện ý nghĩa kỷ niệm Quốc khánh và ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức thông qua các hoạt động ngoại giao nhân dân để nâng tầm quan hệ giữa hai quốc gia.”
Tại Hội nghị, Giáo sư Tiến sỹ Andreas Stoffers – Giám đốc Viện Friedrich Naumann Foundation đã chia sẻ những góc nhìn về nền kinh tế Việt Nam sau 3 năm khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Châu Âu – EVFTA có hiệu lực. Qua đó có những phân tích đánh giá về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới khi tham gia vào các hoạt động thương mại và kinh doanh xuất nhập khẩu với thị trường EU.
Nhằm hưởng ứng theo cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị đã tổ chức diễn đàn với chủ đề “NET ZERO” – một chủ đề hiện đang được Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội rất quan tâm.
Theo chia sẻ của ông Jurgen Czilinsky – Tổng giám đốc tập đoàn Sowareen, Thụy Sỹ đồng thời là Chủ tịch Quỹ Môi trường Việt VEA: Việt Nam được xác định có tiềm năng thực hiện các biện pháp giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ đó tạo tín chỉ carbon. Tuy nhiên, tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện chưa được thị trường quốc tế chấp nhận.
Hiện nay, tiềm năng CO2 và vốn CO2 hoạt hoá của rừng ở Việt Nam cần nguồn vốn bổ sung để tài trợ bền vững cho các dự án lâm nghiệp và môi trường; công cụ giúp đạt được nền kinh tế ZERO carbon vào năm 2050; công cụ tăng cường đa dạng sinh học và tính bền vững trong lâm nghiệp; sử dụng công nghệ blockchain làm động lực đổi mới trong kinh doanh và quản trị để có thể hướng tới thị trường tín chỉ carbon.
“Sowareen cung cấp giải pháp cho phép các hệ thống mua bán CO2 quốc gia được liên kết với một hệ thống toàn cầu, cho phép tính toán lượng CO2 một cách khách quan và cân bằng lợi ích toàn cầu cùng một lúc. Bằng dự án thử nghiệm đầu tiên, chúng tôi sẽ chứng minh bằng chứng về khái niệm ecolance trên quy mô quốc tế: (1).Quá trình chứng nhận – chứng nhận rừng. (2).Quy trình mua bán – bán giấy chứng nhận hấp thụ cho CO2 công ty phát thải. (3).Công nghệ dựa trên Blockchain – quy trình chống giả mạo và phức tạp. (4).Quy trình tái đầu tư – tái đầu tư vào các dự án giảm thiểu CO2. Diện tích rừng ở Việt Nam đã có sẵn cho chúng tôi chứng minh.” – ông Jurgen Czilinsky khẳng định.
Tham luận tại Hội nghị, TS. Mai Huy Tân – Tổng giám đốc Dự án “Chuỗi Kinh tế tuần hoàn” chỉ ra những con đường thực chất dẫn đến mục tiêu NET ZERO của Việt Nam. Đó là qua thực hiện phát triển Điện tái tạo, sản xuất Hydro Xanh, phát triển nông lâm nghiệp hữu cơ, Xử lý rác và điện rác, Công nghệ Vật liệu xây dựng mới và trong rừng cây Paulownia.
Trong khuôn khổ sự kiện, Chi hội Ngôi Nhà Đức đã vinh dự đón nhận Quyết định thành lập chính thức từ Hội Hữu nghị Việt Đức TP. Hà Nội do PGS.TS. Trương Hữu Chí – Phó Chủ tịch thường trực trao tặng.
Mai Phương
Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/hoi-nghi-gap-go-mua-thu-2023-giao-luu-van-hoa-xuc-tien-thuong-mai-va-quan-he-quoc-te-viet-duc-a11324.html