Michael Dell là tỷ phú kiêm doanh nhân, nhà từ thiện và là người sáng lập nổi tiếng của Dell Technologies. Trong suốt hành trình khởi nghiệp của mình, Michael Dell đã nhận được vô số giải thưởng danh giá nhờ vào tài năng cũng như sự kiên trì của mình. Theo số liệu từ Forbes, Michael Dell hiện đang nắm giữ vị trí thứ 23 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng lên đến 50 tỷ USD.
Michael Dell sinh ngày 23/02/1965 tại Houston (Texas, Mỹ) trong một gia đình gốc Do Thái, có bố là một nhà môi giới chứng khoán và mẹ là một nhân viên ngành quản lý tài chính.
Tưởng rằng với nền tảng tài chính từ bố mẹ, Michael Dell sẽ kế nghiệp và trở thành một nhà quản lý quỹ hay giám đốc của một ngân hàng nào đó nhưng không, đối với ông, kinh doanh và công nghệ mới là điều đáng theo đuổi.
Ngay từ khi mới 12 tuổi, Michael Dell đã bén duyên với kinh doanh nhờ vào việc bán tem và kiếm được hơn 2.000 USD nhờ vào nó. Lên đến trung học, số tiền mà ông kiếm được đã chạm ngưỡng 18.000 USD nhờ vào việc bán báo cho tờ Houston Post.
Điều đáng chú ý của Michael Dell đó chính là tất cả công việc ông làm đều là những công việc bình thường như mọi người, nhưng ông đã làm nó tốt đến mức nó kiếm về cho ông hàng chục nghìn USD ở độ tuổi mà bất kỳ ai cũng chỉ nghĩ đến việc đi học và làm việc bán thời gian.
Đến năm 15 tuổi, đam mê đã lần đầu tiên chạm đến cuộc đời của Michael Dell khi ông được tặng một chiếc máy tính Apple 2. Ngay khi cầm trên tay chiếc máy mơ ước của mọi thiếu niên ngày đó, ông đã tháo dỡ toàn bộ chiếc máy và nghiên cứu những linh kiện bên trong nhằm khám phá tài nguyên của thời đại kỹ thuật số.
Điều tương tự cũng xảy ra với chiếc máy tính IBM, sau khi đã tháo cả 2 chiếc máy, ông đã có thể so sánh sự khác nhau của cả 2 và tìm được lý do khiến chúng trở nên đắt đỏ.
Bước chân vào ngưỡng cửa đại học, tưởng như niềm đam mê sẽ dẫn lối ông nhưng bất ngờ là ông lại quyết định nghe theo gia đình và chọn ngành Y tại Đại học Texas. Thế nhưng một khi không theo đuổi đam mê, đam mê lại đuổi theo Michael Dell.
Trong quá trình học tại đây, ông đã bắt đầu kiếm được tiền dựa trên đam mê của mình bằng việc mở dịch vụ nâng cấp và sửa chữa máy tính cho các sinh viên khác. Công việc này ăn nên làm ra đến mức có những tháng Michael Dell có thể kiếm được 25.000 USD.
Tuy nhiên, số tiền hàng nghìn USD lại không phải là mục đích chính mà Michael Dell theo đuổi. Thông qua công việc này, ông đã học được những bài học liên quan đến kinh doanh và lợi nhuận.
Cụ thể, thay vì phải bán hàng thông qua các kênh trung gian, ông sẽ là người trực tiếp bán hàng, phần để tiết kiệm chi phí, phần để Michael Dell thực sự nắm được những phản hồi của khách hàng.
Chính nhờ trải nghiệm này đã giúp Michael Dell đi đến quyết định bỏ học và thành lập công ty PC Limited ở tuổi 19 và nhanh chóng thành công sau đó với lợi nhuận lên đến 6 triệu USD.
Một năm sau khi thành lập công ty, Michael Dell đã cho ra đời Turbo PC, một chiếc máy tính với thiết kế độc đáo. Chiến dịch Marketing của dòng máy này chủ yếu đến từ các tạp chí máy tính trong khi chiến lược bán hàng lại được giữ nguyên là Direct Sale B2C. Nhờ sản phẩm đó, doanh thu của PC Limited đã chạm ngưỡng 75 triệu USD chỉ trong 1 năm hoạt động.
Năm 1986, với tầm nhìn trở thành một công ty đại chúng, PC Limited đã được đổi tên thành Dell Computer Corporation, cùng năm cổ phiếu của Dell lên sàn và có giá trị vốn hoá lên đến 80 triệu USD. Chính nhờ thương vụ IPO thành công này đã trực tiếp mang về cho Michael Dell khối tài sản lên đến 18 triệu USD. Đến năm 2000, Dell đã trở thành tỷ phú và công ty của ông có văn phòng tại 34 quốc gia với số lượng nhân viên lên tới hơn 35.000 người. Năm sau, Dell Computer vượt qua Compaq Computer để trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới.
Những người biết Dell cho rằng ông cực kỳ kín đáo và nổi tiếng nhút nhát, Dell đã thoát ra khỏi vỏ bọc của mình trong nhiều năm nhờ người vợ của ông là Susan. Cặp đôi đã kết hôn vào năm 1989 và có bốn người con.
Năm 1999, cặp đôi thành lập Quỹ Michael và Susan Dell, một tổ chức từ thiện tư nhân lớn đã quyên góp hàng triệu USD cho các nạn nhân sóng thần ở Nam Á. Năm 2006, quỹ này đã quyên góp 50 triệu USD cho Đại học Texas.
Năm 2004, Dell từ chức Giám đốc điều hành của công ty nhưng ông vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị. Ông phục vụ trong Ban sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới và ủy ban điều hành của Hội đồng kinh doanh quốc tế.
Ông cũng có mặt trong Hội đồng Cố vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Hoa Kỳ và là thành viên ban điều hành của Trường Kinh doanh Ấn Độ ở Hyderabad.
Trong những cuộc phỏng vấn với CNBC và Business Insider, Michael Dell đã có những chia sẻ thú vị về tiền mã hoá, blockchain và những ứng dụng của nó trong cuộc sống.
Cụ thể, khi phóng viên CNBC hỏi về suy nghĩ của ông khi người trẻ bắt đầu xây dựng sự nghiệp trong ngành tiền mã hoá, Michael Dell đã trả lời rằng nếu crypto tồn tại vào thời điểm ông 19 tuổi thì ông sẽ phát triển nó một cách say mê như cách mà ông đã bắt đầu với Dell Computer Corporation.
Không những thế, ông còn chia sẻ thêm rằng bản thân ông cũng đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng blockchain.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, Michael Dell cũng chia sẻ quan điểm cá nhân rằng tiền mã hoá đang bị đánh giá thấp hơn khả năng mà nó có thể cung cấp cho thế giới.
Quan điểm này được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người chỉ đang quan tâm đến khía cạnh tài chính mà bỏ qua khía cạnh kỹ thuật của blockchain. Điều này đã được minh chứng thông qua dịch vụ thanh toán bằng bitcoin được Dell thiết lập năm 2014 và phải đóng cửa vào năm 2017 do thiếu người dùng.
Cũng trong khuôn khổ buổi phỏng vấn, Michael Dell cũng chia sẻ rằng trong thế giới mà công nghệ đang làm chủ mọi thứ, nó sẽ sản sinh ra một lượng dữ liệu vô cùng lớn. Và lượng dữ liệu đó cần có một cơ sở hạ tầng đủ lớn để quản lý nó và blockchain sẽ làm được điều đó.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, không phải mọi thứ đều suôn sẻ với Dell và công ty của ông. Những chiếc máy tính được chế tạo kém chất lượng đã khiến công ty phải trả khoản phí 300 triệu USD để sửa chữa những chiếc máy bị lỗi, một vấn đề lớn đối với công ty khiến Dell mất đi vị trí dẫn đầu trong ngành.
Trong nỗ lực sửa chữa mọi thứ, Dell đã trở lại làm Giám đốc điều hành vào năm 2007, nhưng kết quả lại trái ngược nhau.
Các sản phẩm kém tiếp tục gây khó khăn cho công ty và bất chấp nỗ lực của Dell Computer để giải quyết vấn đề này, các tài liệu sau đó tiết lộ rằng các nhân viên nhận thức rõ về các vấn đề ảnh hưởng đến hàng triệu máy tính của hãng.
Vào tháng 7 năm 2010, Dell đã gây chú ý khi đồng ý trả hơn 100 triệu USD tiền phạt để giải quyết các cáo buộc gian lận kế toán do Ủy ban An ninh và Giao dịch đệ trình.
Theo cáo buộc, Dell Computer đã thổi phồng báo cáo doanh thu của mình bằng cách tính các khoản giảm giá từ nhà sản xuất chip Intel đã cấp cho Dell để khuyến khích công ty không sử dụng chip từ Advanced Micro Devices trong máy tính và máy chủ của mình.
Các nhà điều tra cho rằng bằng cách đệm các tuyên bố của mình, Dell Computer đã đánh lừa các nhà đầu tư về doanh thu thực tế của mình.
Trong một động thái nhằm giúp tái sinh lại công ty do ông sáng lập, Dell đã thông báo vào tháng 2/2013 rằng ông sẽ chuyển hoạt động kinh doanh của mình sang tư nhân trở lại.
Ông đã đạt được thỏa thuận với Silver Lake Partners, một công ty cổ phần tư nhân chuyên về công nghệ và gã khổng lồ phần mềm máy tính Microsoft để tiến hành mua lại toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của Dell. Thỏa thuận này được định giá hơn 24 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong những thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử gần đây.
Phạm Quân (Theo Forbes)
Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/chan-dung-ty-phu-michael-dell-nha-sang-lap-de-che-dell-technologies-a11800.html