Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xu hướng chính của thị trường chứng khoán (TTCK) cả năm 2024 sẽ tăng. Tuy nhiên, đó sẽ là hai bức tranh khá trái chiều giữa đầu năm và cuối năm.
Trong nửa đầu năm 2024, thị trường sẽ phải đối mặt thêm với các yếu tố khá rủi ro, đặc biệt là biến số về suy thoái và khủng hoảng vẫn chưa đi qua. Mặc dù thị trường không tích cực nhưng vẫn có những nhóm ngành đã qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Dầu khí và công nghệ vẫn là những nhóm ngành giúp nhà đầu tư thực hiện chiến lược phòng thủ và có thể là tăng trưởng.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup dự báo có 3 yếu tố tác động tích cực đến thị trường chứng khoán năm 2024.
Thứ nhất, dự báo cung tiền được nới lỏng một cách chọn lọc thể hiện qua tăng trưởng tín dụng một số ngành chủ đạo. Tín dụng được mở rộng đặc biệt là các ngành phi bất động sản do cầu hồi phục bao gồm: tài nguyên cơ bản (thép), thực phẩm, công nghiệp, du lịch & giải trí và tiện ích (năng lượng điện, nước...). Tiếp tục môi trường lãi suất thấp nhưng không phải tất cả các ngành/doanh nghiệp gắn với môi trường vĩ mô hồi phục. Tỷ giá ổn định nhờ kiểm soát tài khoản vốn và dự trữ ngoại hối tăng cao.
Thứ hai, triển vọng tích cực một số ngành gắn với cầu nội địa và xuất khẩu hồi phục. Xuất khẩu dự kiến tăng trưởng khoảng 8-10% năm 2024. Những ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt mặc dù Dệt may, da giầy, gỗ... phục hồi còn chậm. Thủy sản thì theo dõi khả năng gỡ bỏ thẻ vàng vào EU. Bán lẻ và hàng tiêu dùng tiếp tục hồi phục từ quý 4-2023 và kéo dài sang 2024.
Thứ ba, giảm các sự kiện xử lý vi phạm lớn vốn tạo ra biến động lớn cho thị trường chứng khoán. Các sự kiện vi phạm có tác động lớn giảm. Thị trường đã “quen” với các tin tức tiêu cực đó nhất là với trái phiếu và vi phạm chứng khoán.
Còn ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup dự báo, kinh tế 2024 vẫn phục hồi tương đối chậm, do kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Triển vọng kinh tế các đối tác thương mại chính như EU, Mỹ vẫn tiêu cực. Vì vậy, chưa thể kỳ vọng sự bứt phá mạnh đến từ khu vực tiêu dùng nước ngoài. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản - có thể cuối năm nay mới có sự phục hồi rõ nét. Do đó, nhìn tổng thể, chưa thể kỳ vọng kinh tế năm 2024 bứt tốc mạnh.
Bên cạnh đó, CEO của WiGroup cho rằng, triển vọng của thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng về lãi suất (chi phí vốn) và câu chuyện phục hồi về lợi nhuận. Nếu như nhìn vào có thể thấy xu hướng giảm lãi suất đã đi đến giai đoạn cuối và gần như không thể giảm hơn. Do đó, TTCK nên được phải phụ thuộc vào câu chuyện của lợi nhuận.
Nếu xét về tổng thể, từ đầu năm đến giữa năm, bối cảnh chung sẽ giảm. Nhưng tổng thể cả năm, nếu xét từ yếu tố chi phí vốn và lợi nhuận kinh doanh sẽ ủng hộ TTCK tăng nhưng không tăng mạnh.
“Tài sản muốn tăng thì tiền phải ở trong trạng thái dư thừa, càng dư thừa thì giá trị tài sản càng tăng. Năm 2024 dự kiến sẽ là năm có chính sách tiền tệ trung lập nên chúng ta không nên kỳ vọng được một thị trường thực sự khả quan mà sẽ là một trạng thái tăng nhẹ”, Tổng Giám đốc WiGroup đánh giá.
Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research Đào Minh Châu cho rằng, kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ tăng. Đồng thời, có thể mức tăng của chỉ số chung sẽ không cao như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Theo dự báo của SSI là 17%. Điều này do nhóm các cổ phiếu như bất động sản, ngân hàng, họ Vingroup chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa thị trường.
Bên cạnh đó, một số yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường như kỳ vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX, giúp chứng khoán thu hút nhà đầu tư mới cũng như lượng tiền tham gia thị trường. Với việc khó có dư địa để lãi suất giảm hơn nữa, việc dòng tiền từ nhà đầu tư mới tham gia sẽ chững lại một chút.
“Tôi cho rằng, việc chưa có đảo ngược chính sách, chứng khoán vẫn là kênh thu hút dòng tiền hơn bất động sản hay trái phiếu. Do vậy, dù lượng tiền mới có thể không mạnh như năm nay nhưng vẫn còn. Đồng thời, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ thu hút thêm lượng tiền từ nhà đầu tư ngoại”.
Đánh giá về nhóm ngành có triển vọng năm 2024, ông Đào Minh Châu cho biết, chứng khoán, bất động sản, thép là ba nhóm có thanh khoản cao.
Với nhóm thép, giá cổ phiếu thép tăng trước giá thép hay lợi nhuận doanh nghiệp. Nguyên nhân là do nhóm thép có hệ số beta cao, cho thấy sự tương quan cổ phiếu thép với chứng khoán. Thứ hai là một số nhà đầu tư có góc nhìn dài hạn hơn khi giá thép đã về đáy, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục trong những năm tới.
Đối với nhóm BĐS, lĩnh vực này vẫn còn thách thức ít nhất cho đến giữa 2024. Lượng trái phiếu BĐS đáo hạn vẫn còn lớn. Những con sóng nếu có sẽ không phải là những con sóng lớn với thị trường BĐS. Cơ hội mang tính nhỏ lẻ có thể đến cho các đơn vị có quỹ đất sạch, được cấp mới. Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho biết một số nhóm ngành khác cũng có kỳ tăng trưởng tốt trong 2024 như: Phân bón, bán lẻ, thủy sản.
Mai Ngọc
Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/goc-nhin-chuyen-gia-thi-truong-chung-khoan-nam-2024-se-dien-ra-nhu-the-nao-a11923.html