Xu hướng đầu tư xanh

Xu hướng đầu tư xanh không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mà còn thu hút các ngân hàng, định chế tài chính tài trợ cho các dự án như vậy.

Đầu tư xanh - được hiểu là những khoản đầu tư bền vững như năng lượng sạch, nguyên liệu tái chế,… nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu đang trở thành xu hướng trên phạm vi toàn cầu, bắt đầu từ nhận thức của người tiêu dùng.

Biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng tăng nhiệt độ trái đất đang kéo theo hàng loạt thảm hoạ đối với loài người: sa mạc hoá, lũ lụt, xâm lấn mặn… Thế giới đang đối mặt với bài toán mới: Làm thế nào để tiếp tục tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác nhân gây biến đổi khí hậu.

Nhựa Duy Tân - một trong những doanh nghiệp sản xuất nhựa lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm xung quanh 5.000 tỉ đồng, vừa công bố dự án nhà máy tái chế nhựa với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm. Thay vì nhập nguyên liệu là các hạt nhựa, nhà máy nhựa Duy Tân sẽ tái chế các chai nhựa và sản xuất các sản phẩm mới, trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa cho Việt Nam.

Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, trong khoảng thời gian 1990 – 2015 khối lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng từ 3,8 kg/người/năm lên đến 41 kg/người/năm. Phần lớn rác thải nhựa đang được xử lý chôn lấp, đốt hoặc thải thẳng ra môi trường.

Ông Lê Anh - Giám đốc Marketing Nhựa Duy Tân cho biết mặc dù giá thành nhựa tái chế cao hơn nhựa sản xuất từ nguyên liệu hạt nhựa, khách hàng của công ty là các công ty đa quốc gia như Unilever, Nestle,… sẵn sàng chấp nhận, thậm chí đề nghị Nhựa Duy Tân theo đuổi xu hướng sản xuất bền vững.

Nestle, một trong những khách hàng của Nhựa Duy Tân cho biết từ năm 2019, tập đoàn đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì từ nguyên liệu có thể tái chế. Đại diện Nestle Vietnam cho biết Nhựa Duy Tân là nhà cung cấp chai nhựa PET cho sản phẩm nước khoáng Lavie của hãng, trong lộ trình hướng tới việc sử dụng nguyên liệu tái chế của tập đoàn trên phạm vi toàn cầu.

Người tiêu dùng đang ngày càng có ý thức hơn trong tiêu dùng, quan tâm hơn đến nguồn gốc xuất xứ từng sản phẩm, bao bì sản phẩm. Sử dụng nhựa tái chế là cách mà các công ty tiêu dùng chinh phục khách hàng - đặc biệt là thế hệ Y, thế hệ Z, là lực lượng tiêu dùng chính của xã hội. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng này, các tập đoàn toàn cầu đang nỗ lực xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, đã lần lượt đưa ra các chính sách sử dụng nguyên liệu tái chế.

Xu hướng đầu tư xanh không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mà còn thu hút các ngân hàng, định chế tài chính tài trợ cho các dự án như vậy.

Tính đến giữa năm 2019, có ít nhất 30,7 nghìn tỉ USD đang được đầu tư vào các dự án xanh, tăng 34% so với năm 2016 - Bloomberg dẫn báo cáo của Liên minh Đầu tư Bền vững toàn cầu (Global Sustainable Investment Alliance) cho biết. “Tiền đang chạy vào các loại tài sản được dán nhãn xanh” - Bloomberg bình luận.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng xanh giữa HSBC và Nhựa Duy Tân (Ảnh: HSBC)
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng xanh giữa HSBC và Nhựa Duy Tân (Ảnh: HSBC)
HSBC cho biết ngân hàng đã cấp tín dụng cho Nhựa Duy Tân cho dự án nhà máy nhựa tái chế này. Giá trị khoản tín dụng không được hai bên công bố. Đây là khoản tín dụng xanh đầu tiên của HSBC cho một doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp khu vực phía Nam HSBC cho biết để vượt qua các vòng thẩm định, đủ tiêu chuẩn để nhận khoản vay tín dụng xanh, Nhựa Duy Tân đã phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu mà các tổ chức đánh giá độc lập đưa ra.

Nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart từ năm 2017 đã công bố sáng kiến vận động hợp tác với nhà cung cấp giảm thiểu khí nhà kính trong chuỗi cung ứng. Tháng 4.2019, HSBC đã phát động chương trình hỗ trợ các nhà cung cấp của Walmart giảm khí thải. Tính đến cuối năm 2019, HSBC toàn cầu đã thực hiện/thu xếp vốn khoảng 52 tỉ USD cho các dự án xanh, theo báo cáo thường niên của ngân hàng. Phần lớn số tiền nói trên được HSBC tư vấn, tạo nguồn vốn (38 tỉ USD) và tài trợ/cho vay trực tiếp (12 tỉ USD).

Từ năm 2017, HSBC toàn cầu đã đề ra mục tiêu rót vốn 100 tỉ USD cho các dự án xanh tính đến năm 2025. Số tiền giải ngân khá nhanh, chỉ sau hơn hai năm đã đạt quá nửa số tiền kế hoạch. Tuy nhiên, so với số tiền trên 1.000 tỉ USD ngân hàng này cho vay toàn bộ các doanh nghiệp/dự án trên toàn cầu (tính đến cuối năm 2019), 100 tỉ USD vẫn là số tiền tương đối khiêm tốn.

Sự công nhận dự án xanh từ khoản vay do HSBC tài trợ giúp Nhựa Duy Tân ghi dấu trên thị trường quốc tế khi có nhu cầu gọi vốn hay mở rộng thị trường nước ngoài. Định hướng trở thành công ty nhựa hàng đầu khu vực Đông Nam Á, bên cạnh việc chú trọng vào dự án đầu tư xanh, Nhựa Duy Tân cũng đã mời tư vấn là các công ty kiểm toán quốc tế để dần chuyển đổi hình thức báo cáo, tuân thủ chuẩn mực quốc tế IFRS thay vì chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) như hiện tại - ông Nguyễn Bảo Quốc, Giám đốc Tài chính Nhựa Duy Tân cho biết.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/xu-huong-dau-tu-xanh-a2597.html