Do vi phạm bảo mật dữ liệu người dùng nên Amazon bị EU phạt gần 900 triệu USD

Mức phạt 746 triệu euro (gần 887 triệu USD) do Cơ quan giám sát quyền riêng tư của châu Âu đưa ra với “ông lớn” thương mại điện tử Amazon vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu người dùng. Đây là mức phạt cao hơn 2 lần so với con số được đưa ra ban đầu.

Luxembourg (nơi “ông lớn” Mỹ đặt trụ sở châu Âu của họ) phạt Amazon số tiền trên vì quy trình xử lý dữ liệu người dùng chưa tuân thủ quy định EU, và đây là mức phạt lớn nhất trước nay liên quan vi phạm này kể từ khi luật bảo vệ dữ liệu của EU (thường được gọi là luật GDPR) có hiệu lực.

Đại công ty Mỹ này cho rằng, quyết định của Luxembourg là "không có giá trị và đã có ý định sẽ tự bảo vệ quyết liệt trong vấn đề này".

aa-1627724147.jpeg
Amazon của tỷ phú Jeff Bezos bị phạt vì quy trình xử lý dữ liệu người dùng chưa tuân thủ quy định EU

Nguyên nhân của án phạt là một nhóm người tiêu dùng ở châu Âu trước đó đã khởi kiện với cáo buộc Amazon đã thu thập dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích quảng cáo mà không được sự đồng ý của nhóm này. Sau đó, trong tháng 6/2021, Ủy ban bảo vệ dữ liệu Luxembourg (CNPD) đề xuất khoản phạt hơn 425 triệu USD đối với Amazon cho 26 nước thành viên của EU xem xét.

Số tiền phạt do Luxembourg đề xuất tương đương 2% lợi nhuận ròng năm 2020 của Amazon là hơn 21,3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo luật GDPR, mức phạt đối với hành vi nói trên có thể thể phạt tới 4% doanh thu hàng năm của công ty vi phạm. Hiển nhiên, doanh thu của công ty cao hơn lợi nhuận ròng; và cũng vì quy định tỷ lệ phạt nói trên, mức phạt được ấn định cho Amazon (gần 887 triệu USD) cao hơn 2 lần so với mức đề xuất.

Trước đó, án phạt nặng nhất thuộc về Google khi Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp (CNIL) phạt 50 triệu euro với gã khổng lồ về công cụ tìm kiếm.

Trong những năm qua, các đại công ty công nghệ Mỹ (Big Tech) như Facebook, Amazon, Google, Apple đã tiến hành thu thập dữ liệu người dùng nhờ thị trường rộng lớn của mình, dẫn tới lo ngại của giới chức châu Âu về việc tận dụng kho dữ liệu để tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Tháng 6 vừa rồi, Ủy ban châu Âu cũng phát hiện một số vấn đề chống độc quyền với dữ liệu trợ lý giọng nói mà Amazon được phép thu thập, cũng như các dữ liệu hành vi khác của người dùng.

Cũng nhiều năm qua, các nhà hoạt động về dữ liệu người dùng không ngừng phàn nàn về tốc độ thực thi bảo vệ quyền riêng tư công dân ở châu Âu quá chậm. Kể từ khi luật GDPR có hiệu lực vào năm 2018, hình phạt lớn nhất theo luật là khoản phạt 50 triệu euro nói trên đối với Google.

Tường Thụy

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/do-vi-pham-bao-mat-du-lieu-nguoi-dung-nen-amazon-bi-eu-phat-gan-900-trieu-usd-a5061.html