Nguyên nhân nhà ở xã hôi, nhà ở giá rẻ khan hiếm nguồn cung

Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, quý II/ 2021, cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với 1.766 căn được cấp phép mới dẫn đến nguồn cung tại phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ khan hiếm trầm trọng.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố đang có 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa. Hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50-70 m2 với mức giá bán dao động dưới 20 triệu/m2. 

nha-o-xa-hoi-vietnamnet-1629171313.jpg
Doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư nhà ở xã hội một phần là vì ở phân khúc này có lợi nhuận thấp (ảnh minh họa)

Trong khi đó, Tại Hà Nội, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13,5-16 triệu đồng/m2 như Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (có giá bán 15,8 triệu đồng/m2) Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (có giá bán 16 triệu đồng/m2)… Tại TP. HCM, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13-25 triệu đồng/m2.

Cục Quản lý nhà và thị trường cho biết, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2. Hiện, tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng gần 11 triệu m2.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng 138 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 57.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng hơn 2,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 173 dự án, quy mô xây dựng khoảng 128 nghìn căn hộ, với tổng diện tích khoảng hơn 6,4 triệu m2.

Đánh giá nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Một phần là do, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng,... dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

101-1609922377868-1629171312.jpg
Bộ Xây dựng yêu cầu, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, do “đói” vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức thấp, khoảng 2.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội). Đồng thời, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí nên nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện…

Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình... 

Từ những nguyên nhân trên, các chuyên gia nhận định, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ khan hiếm nguồn cung, một phần các chủ đầu tư không “mặn mà” với phân khúc có lợi nhuận thấp, ngoài ra là do chính sách ưu đãi không nhiều.    

 

Thiên Kim

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/nguyen-nhan-nha-o-xa-hoi-nha-o-gia-re-khan-hiem-nguon-cung-a5326.html