Sau cổ đông Nhà nước, đến lượt Vietcombank góp thêm vốn 'giải cứu' Vietnam Airlines

Vietcombank dự kiến chi ra 83,5 tỷ đồng để mua thêm 8,35 triệu cổ phiếu HVN trong đợt phát hành cổ phiếu mới của hãng bay này. Ngoài vai trò cổ đông, Vietcombank còn là một trong những chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines.

18214843531-f94b261212-b-1631762256.jpgẢnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) cho biết đã đăng ký mua 8,35 triệu cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) theo số quyền mua cổ phiếu phát hành thêm được sở hữu.

Cụ thể, với hơn 14,8 triệu quyền mua, Vietcombank đã đăng ký mua vào 8,35 triệu cổ phiếu HVN trong đợt phát hành thêm, tỷ lệ phân phối tương ứng là 56,4% (cứ sở hữu 1.000 quyền sẽ được mua 564 cổ phiếu).

Với giá chào bán 10.000 đồng/cp, Vietcombank dự kiến chi ra 83,5 tỷ đồng để mua thêm 8,35 triệu cổ phiếu HVN. Thời gian giao dịch dự kiến là 3 ngày kể từ 14/9. 

Sau giao dịch trên, số cổ phiếu HVN do Vietcombank nắm giữ sẽ tăng lên 23,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,044% vốn điều lệ hãng bay này. Trước đợt phát hành, Vietcombank là cổ đông lớn thứ 3 của Vietnam Airlines chỉ sau Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (nắm giữ 86,16% vốn điều lệ) và ANA Holdings Inc.

Ngoài vai trò cổ đông, Vietcombank còn là một trong những chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines. Tính đến cuối năm 2020, Vietcombank cho hãng bay này vay ngắn hạn 2.700 tỷ đồng và vay dài hạn 4.841 tỷ đồng.

 

Trước Vietcombank, ngày 13/9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua 689,5 triệu cổ phiếu HVN để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines. 

Sau giao dịch của SCIC, tỷ lệ sở hữu của "Siêu ủy ban" bị pha loãng còn 55,11%. Tuy nhiên, tổng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines vẫn là 86,19% như trước, chỉ bị tách ra làm hai phần do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và SCIC đại đại diện.

Động thái này được phía SCIC cho biết là đang thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại phiên họp thường niên năm 2021, đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8.000 tỷ đồng. Cổ đông Nhà nước sở hữu 86,19% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nên được quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu mới. 

Ngoài Vietcombank và Nhà nước, cổ đông lớn thứ hai của Vietnam Airlines là ANA được quyền mua thêm 70 triệu cổ phiếu HVN với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, bản thân ANA cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì COVID-19 nên đã từ chối góp thêm vốn và tặng toàn bộ số quyền mua nói trên cho người lao động của Vietnam Airlines.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.030 tỷ. Vì vậy, sau khi lỗ thêm hơn 4.500 tỷ trong quý II, vốn chủ tại ngày 30/6 đã chuyển sang âm 2.750 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như Vietnam Airlines sẽ không được phép phát hành thêm cổ phần để huy động vốn. Vietnam Airlines có thể chào bán 800 triệu cổ phiếu để thu về 8.000 tỷ đồng là do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc cách. 

Quang Diệu

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/sau-co-dong-nha-nuoc-den-luot-vietcombank-gop-them-von-giai-cuu-vietnam-airlines-a5640.html