Một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Evergrande thừa nhận 'thiếu ngân quỹ nghiêm trọng'

Ngày 24/9, New Energy Vehicle Group - đơn vị sản xuất xe điện của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc Evergrande, cho biết vẫn đang tìm kiếm các nhà đầu tư mới và bán bớt tài sản, nếu không có thể gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên và trang trải các chi phí khác.

new-energy-vehicle-group-1632538583.jpg
Xe của New Energy Vehicle Group tại một triển lãm. (Nguồn: Bloomberg)

New Energy Vehicle Group trong thông báo mới nhất nêu rõ doanh nghiệp này đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng về việc bán một số tài sản ở nước ngoài.

New Energy Vehicle Group cũng cho biết hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu ngân quỹ nghiêm trọng. Do áp lực thanh khoản, đơn vị này đã tạm thời dừng chi trả cho một số hoạt động. Một số nhà cung cấp cũng đã ngừng cung cấp cho các dự án của New Energy Vehicle Group.

Cũng theo New Energy Vehicle Group, hiện chưa có gì đảm bảo đơn vị này sẽ có thể tuân thủ các nghĩa vụ tài chính theo các hợp đồng liên quan.

Thông báo của New Energy Vehicle Group được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn Evergrande đang bên bờ vực sụp đổ.

Evergrande là một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc. Theo báo cáo kết quả kinh doanh giữa kỳ của Evergrande, tính đến ngày 30/6/2021, tổng nợ của Evergrande là 1.970 tỷ NDT (305,3 tỷ USD), trong đó bao gồm các khoản vay 571,8 tỷ NDT.

Theo báo cáo thường niên của Evergrande, tập đoàn này vay 716,5 tỷ NDT trong năm 2020, và các khoản trong nửa đầu năm 2021 đã tương đương với 80% của năm 2020.

Bắt đầu từ cuối năm 2020, các cơ quan quản lý Trung Quốc tăng cường giám sát huy động vốn bất động sản ở trong nước, đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ,” bao gồm tỷ lệ nợ trên tài sản không được vượt 70%, tỷ lệ nợ ròng không được cao hơn 100% và hệ số nợ ngắn hạn bằng tiền mặt không dưới 1 lần, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn mới.

Theo số liệu thống kê năm 2020, Evergrande đều vướng phải “ba lằn ranh đỏ”. Xét về tỷ lệ nợ ròng, trong gần 5 năm trở lại đây, Evergrande đều vượt "lằn ranh đỏ," trong đó tỷ lệ nợ ròng năm 2020 lên đến 153%.

Tuy nhiên, trong kết quả kinh doanh giữa kỳ năm nay vừa được công bố, tỷ lệ này đã giảm xuống 99,8%.

So với các doanh nghiệp nằm trong diện “rủi ro cao,” tỷ lệ nợ ròng của Evergrande vào cuối năm 2020 đều cao hơn các nhà phát triển khác, tiếp đến là R&F Properties với tỷ lệ nợ ròng ghi nhận 130%.

Mặc dù là một trong những nhà phát triển bất động sản có doanh số cao nhất Trung Quốc, nhưng vấn đề nợ nần đã khiến nhiều dự án của Evergrande ngưng trệ, dẫn đến không ít đối tác và nhà đầu tư yêu cầu được bảo vệ quyền lợi.

Số liệu của báo cáo thường niên cho thấy, Evergrande có hơn 1.300 dự án trải dài trên 280 thành phố ở Trung Quốc, doanh số bán hàng năm 2020 đạt hơn 700 tỷ NDT, trong đó nhiều nhất là ở Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, và doanh số của Evergrande ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng đạt hơn 4,7 tỷ NDT trong năm 2020.

Các thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện đã khiến cho giá cổ phiếu của Evergrande lao dốc mạnh 80%, từ mức cao nhất trong năm là 20,25 NDT/cổ phiếu xuống còn 2,97 NDT/cổ phiếu khiến giá trị thị trường của Evergrande “bốc hơi” 193,1 tỷ HKD (24,81 tỷ USD) so với đầu năm.

Quỳnh Giang

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/mot-doanh-nghiep-thanh-vien-cua-tap-doan-evergrande-thua-nhan-thieu-ngan-quy-nghiem-trong-a5736.html