Xu hướng M&A năm 2021: Sự lên ngôi của doanh nghiệp Việt

Cách đây nhiều năm, khi nhắc đến M&A, đa số đều nghĩ đến những thương vụ được mua lại bởi các doanh nghiệp lớn nước ngoài chẳng hạn như Central Group và Big C, ThaiBev và Sabeco,…Tuy nhiên trong năm 2021, trước những diễn biến phức tạp từ dịch bệnh, số lượng bên mua là doanh nghiệp nội đột ngột tăng mạnh, nguyên nhân đằng sau đấy là gì?

ma-1634297119.jpg

Doanh nghiệp Việt là bên mua gia tăng

Theo thông tin công bố tại Hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” do Báo Đầu tư phối hợp NovaGroup tổ chức vào ngày 15/10, số lượng doanh nghiệp Việt là bên mua chiếm đến 49% trong giai đoạn 2019 – quý I 2021, cao hơn 30% trong 2019-2020, và 18% trong năm 2018.

Sự vươn lên của doanh nghiệp Việt còn thể hiện qua 70% số lượng các thương vụ diễn ra tại Việt Nam và 30% là lãnh thổ bên ngoài.

Các thương vụ nổi bật do người Việt là bên trong thời gian qua có thể kể đến Danh Khôi mua lại 100% dự án Sun Frontier từ nhà đầu tư Nhật Bản, Thaco mua lại chuỗi siêu thị Emart từ Hàn Quốc, hay sự hoán đổi giữa VinCommerce, VinEco và Masan Consumer.

“Tỷ trọng Việt-Việt, Việt-nước ngoài trong các thương vụ đang tăng,” ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết.

Các lĩnh vực chính diễn ra các thương vụ M&A năm nay bao gồm bất động sản, dược phẩm, tài chính, công nghệ. Trong đó bất động sản chiếm đến 40%.

Lý giải về xu hướng gia tăng bên mua là doanh nghiệp nội, công ty Chứng Khoán VNDIRECT cho rằng quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch COVID-19 đã nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều này tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội vốn đã có vị thế và tiềm lực vững vàng ở trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn vì khả năng khống chế tốt dịch COVID-19. Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất Đông Nam Á để nhà đầu tư gia nhập hoặc mở rộng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Cổ phần hóa và thoái vốn thời gian tới sẽ tốt lên. Và tới đây có thể sẽ có một số doanh nghiệp đã suy kiệt vì COVID-19, không cầm cự được nữa phải bán đi. Đó là những yếu tố để M&A tới đây sẽ sôi động trở lại.

Triển vọng tốt hơn nhờ Luật Đầu tư sửa đổi?

M&A là một xu hướng tốt nhưng để bảo vệ một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và giữ được những doanh nghiệp tiềm năng thì cần có sự giám sát chặt chẽ quá trình mua cổ phần, góp vốn của nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt là việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, hàng không, năng lượng…

Bên cạnh đó, cũng nên chọn người mua nhìn trên các yếu tố công nghệ, năng lực tài chính, khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế nội địa… Để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm, chính phủ Ấn Độ, Nhật, Italy, Đức, Tây Ban Nha… đã có biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc. Để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, Nhật Bản đã lên danh sách 500 công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài.

“Luật Đầu tư sửa đổi đã bắt đầu tính đến các biện pháp để phòng ngừa. Dự thảo Luật đã đưa ra các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.

Theo khoản 4 điều 26 của Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế;

c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Duy Nhi

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/xu-huong-ma-nam-2021-su-len-ngoi-cua-doanh-nghiep-viet-a6040.html