Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc sẽ tác động đến Apple và các doanh nghiệp toàn cầu khác như thế nào?

Trung Quốc – công xưởng của thế giới nơi chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn các sản phẩm của các hãng công nghệ như Apple, hay hãng giày như Nike và Addidas, đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng vô cùng nghiêm trọng. Việc này một lần nữa làm dấy lên nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một lớn hơn.

tq-1634870000.jpg

Các nhà sản xuất ở Trung Quốc và các khách hàng của họ trên toàn thế giới vừa nhận được thông báo chuẩn bị cho việc gián đoạn nguồn cung cấp điện, chỉ cho phép họ sử dụng điện để sản xuất trong khoản thời gian nhất định trong ngày. Tình trạng mất điện nhiều tháng nay đã khiến các hộ gia đình ở vùng đông bắc Trung Quốc cắt điện và gây ra tình trạng mất điện tại các nhà máy khắp cả nước.

Trong số đó, các hãng công nghệ như Apple cũng như nhà cung ứng của hãng tại thị trường tỷ dân là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề. Theo tờ Wall Street Journal, Concraft – một trong những nhà cung ứng lắp ráp của “nhà Táo” đã phải tạm dừng hoạt động khoảng 5 ngày. Eson – bên cung cấp các thiết bị cơ khí và Unimicron – đơn vị cung ứng bảng mạch cũng phải dừng sản xuất khoảng 5 ngày.

Apple hiện tại vẫn đang giữ im lặng về tình trạng gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc do thiếu hụt năng lượng.

Ngoài ra, 10 nhà sản xuất các vật liệu làm vi mạch ở phía Nam Trung Quốc cũng đã thông báo ngừng hoạt động khoảng 5 ngày từ cuối tháng 9.

Đại diện các nhà xưởng tại đây cho biết mặc dù họ đã được phép hoạt động lại nhưng vẫn luôn chuẩn bị tinh thần để đối phó với bất kỳ tình trạng cắt điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Dù vậy, thiếu điện vẫn tiếp tục gián đoạn hoạt động của họ. Trueanalog Strictly OEM, nhà máy sản xuất loa gần Quảng Châu cho biết năng suất của công ty đã giảm khoảng 20-30% một ngày.

nha-may-san-xuat-iphone-co-the-se-roi-trung-quoc-1634870228.jpg

Will Jones, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Nâng cấp nhà cửa của Anh, cho biết 1/3 số thành viên trong lĩnh vực báo cáo rằng các nhà cung ứng của họ ở Trung Quốc đã kéo dài thời gian giao hàng. Tác động mạnh hơn là áp lực lạm phát tăng thêm và tình trạng thiếu hụt sản phẩm ngày càng nhiều. Điều này có tác động đến một tình huống vốn đã rất thách thức chẳng hạn những hạn chế về khả năng cung cấp không gian cho các tàu container và chi phí tăng cao.

Việc quay trở lại hoạt động bình thưởng sau đại dịch đã khiến nhu cầu năng lượng tại Trung Quốc tăng cao hơn bao giờ hết vì các nhà sản xuất buộc phải đẩy mạnh năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu các loại các sản phẩm (đặc biệt là thiết bị điện tử công nghệ) tăng mạnh ở các nước phương Tây do người dân ở đấy có xu hướng ở nhà nhiều hơn.

Tình huống trên đã khiến khủng hoảng năng lượng càng thêm bế tắc khi than đá chiếm đến 60% nguồn cung năng lượng tại nước này. Từ nhiều tháng nay, Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu than từ Úc (nguồn cung than chính) do chính phủ nước Úc đã yêu cầu thực hiện cuộc điều tra mang tính toàn cầu về nguồn gốc lây lan COVID-19 (vốn được cho là từ Trung Quốc).

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh lại gần như không thể nhập khẩu than từ Mông Cổ hay Indonesia vì những nước này lại đang trong tình trạng khó kiểm soát dịch bệnh.

Khủng hoảng năng lượng sẽ càng ngày càng nghiêm trọng hơn khi mùa đông đang đến gần và nền kinh tế thứ 2 trên thế giới vẫn chưa sẵn sàng để năng lượng tái tạo thay thế toàn bộ nguồn cung điện.

Hồi cuối tháng 9, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố đặt mục tiêu đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060. Tuy nhiên khả năng thực hiện mục tiêu trên vẫn còn khá mập mờ khi năng lượng tái tạo vẫn đang chiếm thiểu số tại nước này.

Duy Nhi

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/khung-hoang-nang-luong-tai-trung-quoc-se-tac-dong-den-apple-va-cac-doanh-nghiep-toan-cau-khac-nhu-the-nao-a6150.html