Tại sao chúng ta nên đọc Peter Drucker?

Được mệnh danh là cha đẻ của quản trị hiện đại, đóng góp thực sự của Peter Drucker (1909-2005) nằm ở cách ông tư duy về các vấn đề.

Nhắc đến cái tên Peter Drucker, ai nấy đều dỏng tai nghe ngóng. Những năm qua, hiếm có vấn đề kinh doanh nào lọt khỏi phạm vi quan tâm của Drucker.

Hầu hết đều được diễn giải một cách sâu sắc – đạt đến tầm kinh điển – trong tủ sách cao đến gần hai mét chứa các tác phẩm của ông. Không chỉ mẫn cán trong nghiên cứu và viết lách, Drucker còn thường xuyên xuất hiện trong các hội thảo điều hành, giảng đường, hội nghị hay lớp học và hoạt động rộng khắp với vai trò là nhà tư vấn. Ông có khả năng đặc biệt trong việc biến những điều phức tạp trở nên đơn giản một cách tinh tế. Người ta lắng nghe Drucker chăm chú với hy vọng có thể kiếm tiền từ những kinh nghiệm được chắt lọc và phân tích đáng giá của ông.

Tất nhiên, có vài người không lắng nghe Drucker chăm chú đến vậy. Một số người, đặc biệt trong giới nghiên cứu, còn cho rằng ông giống nhà báo hơn là một học giả. Họ coi nhẹ nghiên cứu của ông – cho rằng tác phẩm đó không thực sự là nghiên cứu – thiếu cấu trúc và không có hệ thống. Với họ, Drucker là một lý thuyết gia nửa mùa. Những người cực đoan còn cho rằng ông chẳng hứng thú và cũng không đủ năng lực trong việc giải quyết vô vàn vấn đề kinh doanh. Họ hoài nghi mức độ đáng tin trong các đánh giá ông thường xuyên đưa ra.

Trái lại, những tín đồ của Drucker lại đang đi hơi xa. Những đoạn văn lửng lơ không ngữ cảnh, trích từ một bài viết hay đối thoại nào đó, vẫn thường xuất hiện, củng cố cho một lập luận mà ngay Drucker cũng chưa chắc đã tán thành. Không chỉ vậy, những môn đệ này còn làm giảm sự phức tạp trong tư tưởng của ông, biến chúng thành một tá những ý tưởng thần thánh. Thực tế, trong nhận thức lý luận giản đơn của họ, nguyên bản từ Drucker đã hoàn toàn bị bóp méo.

Thực ra, chính các tác phẩm của Drucker đã góp phần tạo nên những phản ứng thái quá này. Những ý tưởng mang tính gợi mở - nhưng lại không được đánh giá một cách hoàn thiện, ví dụ như hệ số đóng góp (contribution coefficient), đã tạo nên môi trường lý tưởng châm ngòi các màn tranh luận học thuật. Mặt khác, cố gắng theo đuổi phong cách diễn đạt súc tích, dí dỏm, Drucker sa đà vào việc làm hài lòng độc giả với những cụm từ đơn giản và “một nửa sự thật”. Dễ nhớ biết bao một tuyên bố “hầu hết các khoá đào tạo bán hàng không hiệu quả. Cùng lắm nó sẽ biến một kẻ ngu ngốc thành một người bán hàng không có năng lực.” Nhưng những lời lẽ kiểu này chỉ cổ xúy cho việc bỏ qua những nút thắt nan giải còn tồn đọng. Hô hào khẩu hiệu, dù bằng hình thức nào, đều là con dao hai lưỡi. Nếu cẩn trọng, nó sẽ giúp chúng ta suy nghĩ nhanh và dứt khoát. Dùng sai, nó sẽ trở thành thứ vũ khí chết người của những trí tuệ giản đơn.

Phần lớn sự chú ý dành cho Drucker không đến từ từ ngữ cầu kỳ hay những kỹ thuật phức tạp. Những đôi tai đang dỏng cao để lắng nghe và nắm bắt sự khôn ngoan trong cách Drucker làm sống dậy những ý tưởng. Những tư tưởng của ông được độc giả tiếp nhận rộng rãi và đã trở thành những bức tường thành trong vốn tri thức kinh doanh ngày nay. Không dễ để tiến xa đến vậy.

Tầm nhìn của ông – rằng xã hội công nghiệp hiện đại được hình thành từ những tổ chức quy mô lớn – đã trở nên quen thuộc đến nhường nào? Thật rõ ràng – khi giờ chúng ta coi hoạt động kinh doanh là hình thái đại diện của một xã hội? Và hiển nhiên biết bao nhiêu – khi chúng ta áp dụng những phương thức phân tích thể chế xã hội hay chính trị cho các vấn đề kinh doanh tương tự?

Đã có thời chúng ta đã từng không hỏi các doanh nghiệp tư nhân nguồn gốc quyền lực pháp lý của họ, nguyên tắc tổ chức hay mô hình lãnh đạo của họ một cách thường xuyên đó sao? Chẳng phải quản lý đã từng thấy không cần giải quyết các mối quan tâm về vị trí hay chức năng của nhân viên, không cần sắp xếp phù hợp lao động trí thức vào trong mô hình ra quyết định được xây dựng từ trước hay đạt được giao tiếp hiệu quả trong và giữa các cấp quản lý đó sao?

Có chắc các công ty chưa bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của việc tuyển dụng và phát triển ban giám đốc, vai trò phù hợp của ban giám đốc, cũng như những nhu cầu đặc biệt của công ty trong từng giai đoạn phát triển khác nhau? Liệu công ty đã bao giờ quan tâm đầy đủ đến lý luận nội tại của công việc hay các kỹ thuật có thể giúp các nhà quản lý làm việc ngày càng hiệu quả hơn? Liệu công ty đã từng phớt lờ những câu hỏi nền tảng như bản chất của việc kinh doanh này và khách hàng mà chúng ta đang phục vụ là gì?

Ngày nay, thật khó để lên trang nhất, ít nhất là trong cộng đồng kinh doanh, chỉ với tin tức rằng một nhà điều hành nào đó đề xuất việc bảo vệ lợi nhuận như là một thước đo khách quan về hiệu quả kinh tế hoặc một chi phí bảo hiểm thiết yếu trước các rủi ro trong tương lai. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nghe lời kêu gọi quản lý cần suy nghĩ theo các chiến lược dài hạn cũng như thiết lập các mục tiêu ngắn hạn. Tiếng nói kêu gọi các kế hoạch kinh doanh cần chuẩn bị cho đổi mới cũng không còn là tiếng gọi đơn độc giữa hoang vu.

Chẳng có gì trong số những điều trên có vẻ mới mẻ - tất cả đều phổ biến – đây là minh chứng cốt lõi cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của Drucker, dù là trực tiếp hay gián tiếp, lên tư tưởng quản lý. Nhìn chung, những ý tưởng này từ lâu đã giành được sự đồng thuận như một loại trí tuệ dân gian trong trong môi trường chuyên nghiệp: Chúng đã trở thành những sự thật hiển nhiên.

Thực ra, có rất ít ý tưởng trong những cuốn sách của Drucker là sản phẩm trí tuệ thực sự từ ông. Những ý tưởng chưa từng được bàn tới thì lại càng hiếm hơn. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao chúng ta phải đọc chúng? Nếu bản chất của những cuốn sách này chỉ là các ý tưởng được viết lại, tại sao chúng ta phải tốn công đọc Peter Drucker thay vì lướt qua bản tóm tắt các ý tưởng chính? Câu trả lời rất đơn giản: đóng góp thực sự của Peter Drucker đối với hiểu biết về quản trị không nằm ở số lượng ý tưởng mới ông nghĩ ra. Cái chúng ta có thể học – nhiều hơn và sâu sắc hơn – là cách ông tư duy.

1. SỰ HỢP NHẤT CÁC TƯ TƯỞNG
Hầu hết các nhà phê bình đánh giá đóng góp thực sự của Drucker nằm ở các nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cách tư duy của Drucker mới là thứ thực sự đáng chú ý. Đầu tiên chính là khả năng tích hợp các tư tưởng. Để hiểu được các nhiệm vụ quản trị thiết yếu, Drucker cho rằng chúng ta phải nhận ra các bối cảnh. Hệ thống và cấu trúc cũng như các chuẩn mực và giá trị là những điều chúng ta cần coi trọng. Chúng ta cần biết các hình thức chủ nghĩa tư bản qua thời gian và thế mạnh cụ thể của từng loại. Chúng ta cần nhận thức được các tư tưởng kinh tế đang cạnh tranh với nhau và cơ sở nền tảng của chúng. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta phải có khả năng nắm bắt những biến chuyển trong nhu cầu và khát vọng của con người cũng như những hạn chế của việc thích nghi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhạy bén với tốc độ, phương hướng và logic của những thay đổi công nghệ và nhân khẩu học – những yếu tố khiến tương lai trở nên rất khác hiện tại. Chúng ta phải xác định đâu là những điều trong hiện tại sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng ta cần bổ sung hiểu biết về quản lý, tri thức trong nhiều lĩnh vực và thường xuyên so sánh kinh nghiệm từ các tổ chức quy mô lớn, từ nhiều nền văn hoá khác nhau.

Khi đối diện với những khó khăn nhức nhối nhất, suy nghĩ theo hướng tích hợp như vậy cho phép Drucker xác định được các giả thuyết chính, từ đó xác lập mối quan hệ và đánh giá chúng. Ví dụ, hãy xem xét cuộc thảo luận triền miên về lời nguyền của sự bành trướng trong “Concept of the Corporation” (Khái niệm về Tập đoàn). Drucker né tránh sự thái quá của những người ủng hộ cũng như sự phản đối từ các doanh nghiệp bằng cách truy tìm gốc rễ nền tảng hoạt động và chứng minh nó đã bị hiểu sai. Độc quyền và sự bành trướng, tất nhiên, không phải là một và không nên bị nhầm lẫn. “Lý thuyết về độc quyền này”, ông viết, “thứ vẫn được tôn sùng như chân kinh, lại dựa trên giả thuyết chỉ chính xác trong thế kỷ 18 – khi cung luôn bị giới hạn và cầu thì có thể mở rộng đến vô cùng.” Giả thuyết này có thể đúng trong một vài trường hợp, nhưng không thể áp dụng cho tất cả các giai đoạn lịch sử. Nhờ nắm được ý nghĩa truyền thống của độc quyền và những khác biệt mang tính cấu trúc giữa các điều kiện kinh tế trong quá khứ và hiện tại, ông có thể điều hướng lại một cuộc thảo luận sai lầm.

Các ví dụ khác cũng có thể chứng minh tương tự. Trong tác phẩm “The end of Economic Man” (Sự kết thúc của con người kinh tế), Drucker hiểu được sự hấp dẫn có vẻ như là phi lý của chủ nghĩa phát xít nhờ đứng trên nền tảng bối cảnh lịch sử của những ý tưởng đó. Theo Drucker, Đại chiến và cuộc Đại suy thoái đã phá huỷ niềm tin vốn đã lung lay của châu Âu vào một hệ thống kinh tế tự trị, chịu sự chi phối của luật pháp lý trí và tạo nên cả tự do và bình đẳng. Với sự sụp đổ của thế giới quan thừa hưởng từ kinh tế học cổ điển, chủ nghĩa phát xít nắm giữ quyền lực tư tưởng châu Âu chính xác là bởi nó hoàn toàn “phi lý trí” – đem đến nền tảng phi kinh tế cho địa vị và cấp bậc cá nhân. Drucker đã chạm tới cốt lõi của hiện tượng Thế kỷ 20 này bằng cách nhấn mạnh sự ngắt quãng đột ngột của hệ thống tư tưởng trước đó. Ông viết: “Công trình của Keynes đã được xây dựng trên nhận thức rằng các giả thuyết nền tảng của Thế kỷ 19 về nền kinh tế tự do đã không còn đúng trong một xã hội công nghiệp và nền kinh tế tín dụng. Nó nhằm mục đích khôi phục và bảo tồn các tư tưởng cơ bản, những thể chế nền tảng của chính trị tự do Thế kỷ 19, và trên hết, nó hướng tới bảo tồn sự tự chủ và tự động của thị trường. Cả hai sẽ không thể được gắn kết với nhau trong một hệ thống lý trí. Chính sách của Keynes là bùa chú để biến những điều từng được coi là phi lý trí trở nên lý trí”. 

Hàm ý về công nghệ
Tư duy tích hợp của Drucker cũng soi tỏ vai trò của công nghệ với các doanh nghiệp hiện đại. Với hiểu biết rộng lớn về lịch sử phát triển công nghiệp, Drucker lập luận trên tờ “Công nghệ, quản lý và xã hội” rằng: đã có một sự thay đổi toàn diện trong bản chất công việc công nghệ trong thế kỷ của chúng ta” – một sự thay đổi trong cấu trúc, chi phí, cách thức và những cơ sở lý thuyết mang tính khái quát. Ví dụ, ông nhận thấy những phẩm chất chuyên môn và công việc công nghệ đã đổi mới một cách căn bản, cũng như yêu cầu về vốn cho những hoạt động công nghệ đang tăng cao theo cấp số nhân. Ông nhận ra quá trình chuyển đổi kéo dài từ nghiên cứu sang áp dụng thực tiễn và nhìn thấy sự cần thiết đối với mối quan hệ mới giữa khoa học và công nghệ. Ông nhận ra nguy hiểm trong việc rút ngắn đột ngột vòng đời sản phẩm quen thuộc.

Với hiểu biết rộng lớn tương tự về lịch sử phát triển công nghệ, Drucker đã tóm tắt một loạt bài học có thể áp dụng với các điều kiện hiện đại. Theo ông, một cuộc cách mạng công nghệ, dù xảy ra vào thời gian nào, đều đòi hỏi sự đổi mới lớn lao trong các thể chế xã hội và chính trị. Mặc dù hình thức đổi mới phụ thuộc vào sự thay đổi khách quan của công nghệ, giá trị tạo nên những đổi mới này vẫn là để phục vụ loài người và nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Hơn bao giờ hết, nhu cầu ứng dụng công nghệ trong kinh doanh ngày càng khiến việc thích nghi với hoàn cảnh và thực hiện cam kết xã hội khó khăn hơn. Doanh nghiệp phải hiểu rõ và đáp ứng được cả hai yêu cầu để thành công – hoặc chí ít là để tồn tại – dưới những điều kiện hiện đại. Cần tới sự kết hợp của lịch sử công nghệ và lịch sử công nghiệp để Drucker có thể đưa ra kết luận hợp lý tới vậy.

Quyết định kiểu Nhật Bản
Có lẽ một trong những ví dụ nổi bật nhất của tư duy tích hợp này là phân tích chính xác của Drucker về cách ra quyết định của các doanh nghiệp Nhật Bản. Dẫn chứng từ một nền văn hoá mới lạ không chỉ tự bản thân nó đã là một điều thú vị mà còn đem tới thực tiễn kinh doanh ở Mỹ một giải pháp sắc bén. 

Tại Nhật Bản, Drucker tìm thấy, quy trình ra quyết định khác với các đối tác Mỹ ở ba điểm trọng yếu: (1) quyết định, có xu hướng trở thành vấn đề lớn, thường phải đạt đến tầm quan trọng mang tính lâu dài; (2) trong quá trình ra quyết định, một khoảng thời gian không tưởng sẽ được cho phép để có thể đạt được sự đồng thuận đầy đau đớn từ tất cả các bên liên quan, và (3) một khi đã đạt được quyết định, họ nhanh chóng tiến đến giai đoạn chuyển thành hành động – điều thường mau chóng đi ngược lại với những chính sách trước đó.

Quen thuộc với cách làm việc của người Nhật, Drucker hiểu rằng trình tự làm việc từ chậm như sên đến phóng hết tốc lực kiểu này, dù có phần khác lạ, lại hoàn toàn có lý. Không giống nhà quản lý người Mỹ - với những quyết định thường tập trung vào giá trị một lựa chọn đơn lẻ cùng các mối quan tâm mang tính chiến thuật hơn là chiến lược, những người đồng cấp Nhật Bản thực sự quan tâm đến việc có thể xác định chính xác bản chất của vấn đề trước tiên. Mặc dù quá trình này tiêu tốn hàng tá thời gian, nó đảm bảo quyết định đạt được cuối cùng sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra. Với sự đồng thuận được xác lập như vậy, mỗi nhà quản lý liên quan sẽ biết được quyết định là gì, ý nghĩa của nó và cần làm gì để biến nó thành sự thực.

Ngược lại, những nhà quản lý người Mỹ không buộc bản thân phải cân nhắc tất cả các lựa chọn khả thi. Quan trọng hơn, họ không thường xuyên buộc bản thân phải nghĩ về loại vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Kết quả là, quyết định của họ thường chỉ giải quyết được các triệu chứng và lúc nào cũng phải chạy theo thay đổi của thực tế. Mặc dù sự thoả hiệp của họ có vẻ khá giống sự đồng thuận kiểu Nhật Bản, chúng thực sự thiếu hụt về cấu trúc – điều mà những người Nhật không mắc phải. Chạy theo sau thực tế, sự thoả hiệp của người Mỹ và những đánh đổi không thể tránh khỏi việc họ sa vào có thể phá huỷ logic hệ thống của những quyết định ban đầu. Trong khi đó, các đồng thuận kiểu Nhật Bản bao gồm và chịu trách nhiệm đầy đủ cho các quyết định của nó, sẽ đón đầu được các thay đổi trong thực tiễn.

Bối cảnh và logic
Quyết định theo kiểu Nhật và Mỹ, ảnh hưởng của công nghệ hiện đại, tư tưởng của Keynes và Marx, chủ nghĩa phát xít, lời nguyền của sự bành trướng – trí tuệ của Drucker đã lướt qua từng chủ đề này theo một phương pháp khá tương đồng. Với Drucker, một ý tưởng cần có cả bối cảnh lịch sử bên ngoài và lập luận logic nội tại. Điều đầu tiên giúp họ dựng nên các giả thuyết, điều thứ hai đem lại sự chắc chắn mang tính hệ thống. Điều đầu tiên bám chắc vào thời gian và địa điểm, điều tiếp theo khiến chúng trở nên được chấp nhận rộng rãi. Điều đầu tiên nhấn mạnh tính tương đồng, điều thứ hai nhất mạnh vào sự phổ quát. Drucker không phủ nhận sự tranh chấp giữa bối cảnh và tính logic. Thay vào đó, nhờ xem xét cả hai, ông có thể xác định được các vấn đề liên quan, quy về các nguyên tắc, phát hiện giả thuyết và suy luận không phù hợp cũng như những mâu thuẫn tiềm tàng.

Cụ thể, ông coi tiền lương và chính sách đãi ngộ như chìa khoá để vén màn những giả thuyết khác nhau giữa người lao động và chủ lao động. Ông chỉ trích sự cứng nhắc đến độc đoán của những kỳ hạn kế toán theo năm, chỉ ra khoảng cách lớn giữa các quy ước và thực tế. Ông cho thấy những tiêu chí đánh giá để thăng tiến trong việc quản lý đang mẫu thuẫn với các mục tiêu kinh tế ra sao. Trong từng trường hợp, từ chối chấp nhận các quy ước hời hợt bề mặt đã giúp Drucker thấu suốt cơ sở hình thành của chúng.

2.SỰ TOÀN DIỆN CỦA DRUCKER
Theo một số người theo dõi Drucker, ông không bị thu hút bởi vài sự thật lẻ tẻ cũng như những giải thích nguyên nhân cơ học. Thay vào đó, Drucker hứng thú với cấu hình biến đổi đa dạng của các sự thật và những lời giải thích. Các dữ liệu ngẫu nhiên, rời rạc chỉ có thể trở thành sự thật, các sự thật chỉ trở nên quan trọng khi chúng tham gia và được liên hệ trong một tổng thể rộng lớn hơn.

Điều này cũng đúng với các phân tích về quản lý của Drucker. Ví dụ, sự nhất quán trong quan niệm cho rằng marketing là một nhiệm vụ thiết yếu, có tầm ảnh hưởng hầu khắp chứng thực cho quan điểm nhìn nhận kinh doanh như một quy trình hướng tới sáng tạo và sự hài lòng của khách hàng. Tương tự, ông cũng phát triển thêm vài mô hình từ các trường hợp cá nhân trong nguyên lý sản xuất và tổ chức. Thực tế, khi Drucker viết về nghề quản trị, ông luôn coi đây là chuyên ngành dạy cho học viên cách nhận ra điểm sáng giữa sự hỗn loạn của luồng thông tin và bối cảnh.

Bối cảnh rộng lớn, toàn diện, thành quả trí tuệ này của Drucker thực sự là một đóng góp vào tư duy quản trị, kích hoạt sự phát triển của các quan điểm. Không chỉ đem đến các thông tin hữu ích, chúng thực sự mang lại cách tư duy.

2. SỰ CÔNG BẰNG VÀ HỎA LỰC HÙNG BIỆN CỦA DRUCKER

Sự công bằng
Các tác phẩm của Drucker còn có một đóng góp khác. Mặc dù chỉ trích và đưa ra các mệnh lệnh khá nhiều, ông hiếm khi đánh mất lý trí điềm tĩnh và sự nhất quán trong quan điểm khách quan. Ngược lại, Drucker luôn là một cây bút công bằng. Tất nhiên, có những lỗi lầm – về chính trị, xã hội hay quản lý – khiến ông khinh miệt, nhưng đứng trước chúng, ông luôn là một quan toà hoàn toàn công bằng trước khi tuyên án. Sự thận trọng này khiến một số người phát điên, “tiếp tục đi”, họ lầm bầm một cách thiếu kiên nhẫn. Thế nhưng, việc không “tiếp tục” này lại là một trong những thành tựu giá trị nhất của Drucker. 

Mất kiên nhẫn thường làm mất sức mạnh của các lập luận, khiến chúng trở nên khó chịu và không còn hợp lý. Các nhà quan sát kỳ cựu cho rằng phần lớn thành công dài lâu của Thủ tướng Canada đến từ sự điềm tĩnh – thứ giúp ông đứng ngoài trong nhiều cuộc họp và né được nhiều cuộc tranh cãi từ những kẻ đối lập kém bình tĩnh hơn. Drucker, tương tự như vậy, từng lời đều được lập luận hiệu quả của ông đã đem đến sự thuyết phục cho các kết luận. 

Đọc Drucker, người ta không chỉ thấy sự trung lập trong quan điểm này mà còn cả sự duyên dáng và mài giũa ngôn ngữ sắc bén. Văn phong của ông nên thơ và mới mẻ, có phạm vi tham chiếu rộng lớn, khéo léo trong việc xây dựng các quan sát quan trọng và đề ra những sự thật cực kỳ thuyết phục, đơn giản tới mức khó tin. Người ta tin Drucker bởi cách nói không hề dọa nạt hay gây khó chịu, thay vào đó là lời hứa rằng ngay cả những chủ đề phức tạp nhất cũng có thể dễ dàng hiểu được, sắp xếp lại cho lớp lang và mang một ý nghĩa đơn giản, đẹp đẽ.

Hãy xem xét, trong đoạn văn dưới đây từ cuốn “Management: Tasks, Responsibilities, Practices” (Quản lý: Nhiệm vụ, Trách nhiệm, Thực hành). Bối cảnh là một cuộc thảo luận, có lẽ hơi lạc hậu đôi chút, về các tình huống mà các chuyên gia mũ cao áo dài có thể nhận mức lương cao hơn cả cấp quản lý của họ:
“Có một tiền lệ kinh doanh hướng dẫn cho vấn đề này. Pierre S.du Pont và Alfred P.Sloan, Jr., trong nỗ lực đầu tiên vào năm 1920, nhằm mang lại trật tự cho sự hỗn loạn của Công ty General Motors, đã định mức lương cho những người đứng đầu các bộ phận vận hành bằng với Chủ tịch, Pierre du Pont. Thế nhưng, theo chính yêu cầu của ông, Sloan nhận ít hơn rất nhiều so với Phó Chủ tịch Điều hành – người quản lý những trưởng bộ phận kia. Người quản lý một đơn vị gồm nhiều chuyên gia tất nhiên sẽ nhận được nhiều hơn các chuyên gia trong đơn vị ấy, thế nhưng, nếu một hai ngôi sao xuất sắc trong nhóm nhận được nhiều hơn cả quản lý thì điều này cũng không nên được coi là bất thường, nếu không muốn nói là rất nên làm. Điều này cũng đúng với các nhân viên bán hàng – một ngôi sao bán hàng có thể được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tiền hơn quản lý bán hàng khu vực. Điều này nên được áp dụng trong phòng nghiên cứu cũng như tất cả các lĩnh vực khác, nơi năng suất phụ thuộc vào kỹ năng, nỗ lực và kiến thức của từng cá nhân.”

Ngay cả đối với một chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt là một quan điểm còn gây nhiều tranh cãi hơn như thế này, Drucker cũng trình bày theo một cách đầy hợp lý. Làm thế nào ông làm được như vậy? Đầu tiên, ông biến những điều lạ lẫm trở nên quen thuộc bằng cách trích dẫn những tiền lệ thích hợp từ lịch sử General Motors. Thứ hai, ông mô tả các hành động chủ chốt (việc Sloan chỉ định lương của chính mình thấp hơn) theo cách có thể biến các vấn đề trừu tượng trở thành đánh giá quản trị rõ ràng hơn. Thứ ba, ông khái quát các giả thuyết đánh giá Sloan, chuyển chúng thành các thuật ngữ có tính cấu trúc. Thứ tư, ông đề xuất phạm vi ứng dụng tiềm năng của chúng. Cuối cùng, ông chắt lọc và tạo nên những nguyên lý cốt yếu. Quá trình tranh biện của Drucker là để xác định những tiền lệ có liên quan, biến chúng thành các thuật ngữ dễ hiểu, giải thích rõ ràng ý nghĩa về mặt tổ chức của nó, xác định các giới hạn và làm rõ vấn đề chúng nói tới. Trí tuệ của ông dạo chơi với các vấn đề, xem xét nó từ nhiều góc độ, đồng thời chỉ ra khi thì điều này, khi thì điều kia, là quan trọng. Drucker thu hút độc giả qua việc tự soi chiếu và thuyết phục họ bằng giọng nói đầy trách nhiệm cùng những lập luận hợp lý.

Hoả lực hùng biện
Đây là một trong các đặc điểm trong các tác phẩm tiêu biểu của Drucker. Ông không lôi độc giả đi tới những kết luận khiên cưỡng. Ngược lại, ông từ tốn khoác tay và dạo vài vòng với họ cho đến lúc kết luận bỗng xuất hiện ở điểm hợp lý nhất. Bước chân của ông lúc nào cũng bình thản, cẩn trọng và được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Thỉnh thoảng ông cũng “bùng nổ” trong một màn “trống rong cờ mở” rầm rộ ủng hộ San Juan Hill. Đây là ví dụ về một bước tiến lớn của Drucker trong vấn đề lợi nhuận:
“Thực tế, quan điểm quen thuộc cho rằng “lợi nhuận” không khác “động lực lợi nhuận” không chỉ không hợp lý – thực sự có tác động tiêu cực. Nó là nguyên nhân chính dẫn đến việc hiểu sai bản chất của lợi nhuận trong xã hội của chúng ta và sự thù địch gốc rễ đối với lợi nhuận – một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất của xã hội công nghiệp. Nó phải chịu trách nhiệm cho một trong những lỗi lầm tệ nhất của chính sách công – trong nước Mỹ cũng như các nước Tây Âu – thường được xây dựng trên sai lầm trong việc thấu hiểu bản chất, chức năng và mục đích của doanh nghiệp. Điều đó cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm cho niềm tin phổ biến, rằng có sự đối nghịch về bản chất giữa lợi nhuận và khả năng đóng góp xã hội của một doanh nghiệp. Thực tế, một doanh nghiệp chỉ có thể đóng góp cho xã hội một khi nó đạt được lợi nhuận thực sự cao. Thẳng thắn mà nói, một công ty phá sản sẽ không phải là một doanh nghiệp đáng để làm việc hoặc có khả năng trở thành một hàng xóm tốt hay thành viên đáng khao khát của một cộng đồng – bất kể những nhà xã hội học ngày nay có quan niệm trái ngược đến đâu.”

Đừng nước đôi: đây đích thực là một đoạn văn đầy giận dữ. Bối cảnh hẹp là một hội thoại về sự khác biệt logic giữa thuật ngữ “động lực lợi nhuận” – đề cập tới thực tế tâm lý, và thuật ngữ như “khả năng sinh lời” – đề cập tới các tiêu chuẩn mơ hồ trong đánh giá doanh nghiệp. Bối cảnh rộng hơn là tranh luận cho rằng lợi nhuận là một khoản bảo hiểm thiết yếu cho các rủi ro trong tương lai, nằm rải rác khắp các tác phẩm của Drucker. Trong khi đó, nhịp điệu dồn dập như đang rao giảng kinh, logic của nó thu gọn chuỗi dài nguyên nhân – kết quả thành các cơ chế kích thích đơn giản, giọng điệu bác bỏ không chừa chỗ cho một nghi ngờ nào. Đây là một khởi đầu đáng kể so với chuẩn mực viết lách của Drucker, nhưng không phải ngẫu nhiên hay không hiệu quả. Là hô hào có mục đích.

Như chính Drucker cũng biết rõ, ngôn ngữ hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động không chỉ bằng cách thuyết phục lý lẽ mà cả bằng cách bẻ gẫy những mục đích cứng đầu. Khi sự việc lên đến cao trào nhất định và sự ương ngạnh trong tâm trí của độc giả đủ lớn, Drucker sẽ dùng vũ lực với độc giả, xâm phạm các biện pháp phòng thủ quen thuộc bằng hoả lực hùng biện tuyệt đối. Ông không thường xuyên làm như vậy, nhưng ông là một nhà chiến thuật ngôn từ đủ tốt khi cần.

4. CÁC VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC
Ngay cả với những đoạn văn như trên, một số nhà phê bình vẫn cho rằng ông thiếu đam mê trong tư tưởng. Họ đã sai lầm. Ngay cả với những đoạn văn như thế này, một số nhà phê bình Drucker đã cho rằng ông thiếu đam mê rõ rệt trong tư tưởng, một sự tách rời nhất định so với các nền tảng/tư liệu của ông. Họ cũng đã sai lầm. Có một sự khác biệt to lớn giữa sự trung lập và thiếu nhiệt huyết. Mục tiêu của Drucker cho thấy cam kết thực sự đối với các lập luận trung lập, khá hiếm khi thiếu nhiệt huyết. Hầu hết các tư tưởng của ông phản ánh sự thôi thúc lớn về mục đích đạo đức. Drucker quan tâm sâu sắc tới ngành quản lý bởi ông rất sợ viễn cảnh các tổ chức lớn của xã hội phương Tây thất bại trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.

Đối với các độc giả chỉ chú ý nửa vời với các cuốn sách gần đây của Drucker hay cuốn tự truyện của ông, bài học về chủ nghĩa phát xít ở Ý và chủ nghĩa quốc xã ở Đức không được ông hiểu đúng. Nhưng thực sự là, những đau thương của lịch sử tiếp diễn trong tâm trí của ông theo cách không thể có được ở những cây bút quản trị khác – những người trẻ hơn và sinh ra là người Mỹ. (Drucker được sinh ra ở Vienna, Áo vào năm 1909). Họ không bao giờ có thể hiểu được mối quan tâm của ông về cái giá mà Thế kỷ 20 phải trả cho những thất bại về thể chế.

Trong thế giới ngày nay, Drucker tin rằng, sự phát triển của quyền tự do con người phụ thuộc phần lớn vào sự bảo vệ các tổ chức lớn. Khi thành công, những tổ chức này cho phép sự thoả mãn của con người, thứ đang có ở các nước phương Tây. Họ đem đến những giai đoạn nền tảng chính để chạm tới tự do cá nhân và giả thuyết trách nhiệm thông qua việc tự kiểm soát. Nếu các thể chế kinh doanh không thể đáp ứng các nhu cầu tích lũy của hoạt động kinh tế, xã hội và các cá nhân, thì không gì có thể ngăn chặn được lượng lượng hỗn loạn và khủng bố. Vì vậy, không có gì lạ khi Drucker nhấn mạnh đặc điểm của các nhà quản lý và trách nhiệm nặng nề mà họ mang theo.

Nếu đọc Drucker trong một khoảng thời gian hạn chế, chúng ta nên chọn quyển nào? Đây là một lựa chọn khó khăn bởi Drucker không chỉ viết nhiều, mà còn viết đa dạng các thể loại sách.
Dù sao, chúng ta có thể tạm phân loại chúng thành bốn nhóm: tư tưởng xã hội và chính trị, phân tích về nghề quản trị và các thể chế kinh doanh, những suy đoán về đường nét của tương lai đang dần thành hình trong hiện tạichỉ dẫn căn bản cho một vài công việc kinh doanh nhất định. Một số đầu sách có thể thuộc về nhiều hơn một nhóm đơn lẻ kể trên, một số thì lại chẳng thể sắp xếp vào được nhóm nào.
Cuốn đầu tiên trong loạt sách kinh tế chính trị là “The End of Economic Man” (Sự cáo chung của con người kinh tế) – một đánh giá công tâm của Drucker về chủ nghĩa phát xít châu Âu thế kỷ 20. Hai ấn phẩm tiếp tục hoàn thiện hệ tư tưởng bao gồm: “The Future of Industrial Man” (Tương lai của con người công nghiệp) – giải quyết vấn đề chính của quyền lực pháp luật trong các thể chế hiện đại, và “The New Society” (Xã hội mới) – phác nên tầm nhìn lý tưởng hoá về quyền công dân công nghiệp. “Men, Ideas and Politics” (Con người, ý tưởng và chính trị), một trong tuyển tập bài luận của Drucker, đem tới một số điểm đáng chú ý nhất định, bao gồm suy nghĩ mới về Soren Kierkegaard, John C. Calhoun và Henry Ford.
Những cuốn sách về quản lý cũng góp phần hình thành nên hệ tư tưởng. “Concept of the Corporation” (Khái niệm về Tập đoàn) là nghiên cứu khai phá của Drucker về General Motors. “The Practice of Management” (Thực tiễn quản lý) và “Management: Tasks, Responsibilities, Practices” (Quản lý: Nhiệm vụ, trách nhiệm và thực tiễn) có lẽ là hai đóng góp nổi bật nhất của ông đối với việc nghiên cứu quản lý như một chuyên ngành.
Nhóm thứ ba có hai tuyển tập bài luận, “America’s Next Twenty Years” (Hai mươi năm phía trước của nước Mỹ) và “Technology, Management and Society” (Công nghệ, quản lý và xã hội), cũng như “Landmarks of Tomorrow” (Những cột mốc tương lai), mà nội dung đã được khái quát khá đầy đủ qua tiêu đề. “The Age of Discontinuity” (Thời đại ngắt quãng) xác định và đánh giá những đổi thay nhanh chóng trong nền tảng của thế giới. Ngược lại, “The Unseen Revolution” (Cuộc cách mạng tiềm ẩn) – mắc sai lầm bởi nhầm lẫn quyền sở hữu với quyền kiểm soát – xem xét một loại thay đổi khác, không kém phần mới lạ - sự phát triển của thứ Drucker gọi là “chủ nghĩa xã hội quỹ hưu trí” trong nước Mỹ.
Cuối cùng là những cuốn sách chỉ dẫn: “Managing for Results” (Quản lý hướng tới kết quả), với nhấn mạnh vào chiến thuật cải thiện hiệu quả kinh tế, và “The Effective Executive” (Điều hành hiệu quả), với gợi ý biến nhà điều hành trở thành nhà quản lý hiệu quả chính họ và những người khác.
Cuốn sách gần đây nhất của Drucker, cuốn tự truyện “Adventures of a Bystander” (Những cuộc phiêu lưu của kẻ ngoài cuộc), không thuộc bất cứ thể loại nào phía trên. Không sao cả. Dàn nhân vật mà Drucker có tác động, đặc biệt là ở Châu Âu, rất giàu có và góc nhìn ông đem tới về một vũ trụ xã hội và chính trị đã biến mất – bản thân nó là một sự giáo dục. Adventures of a Bystander tốt hơn tiểu thuyết, sống động hơn bài luận và sâu sắc chẳng kém gì những phiên bản tốt nhất của hai thể loại này. Cuốn “The Age of Discontinuity” cũng như vậy – cũng đem lại một trải nghiệm đọc thư giãn dù thuộc thể loại khác. Việc suy nghĩ hiệu quả về dáng dấp tương lai đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với các nhà quản lý hàng đầu, và Discontinuity đem tới mô hình gợi mở vô tận để có thể làm được điều đó.
Nếu có đủ thời gian và có hứng thú suy tư, hãy đọc một cách từ tốn cuốn “The Future of Industrial Man” (Tương lai của con người công nghiệp). Đây là tầm nhìn của Drucker về những vấn đề trung tâm xã hội công nghiệp đang đối mặt – về tự do và pháp luật – thứ sẽ không xuất hiện hàng đêm trên bản tin truyền hình.
Quan trọng hơn cả là cuốn “The Practice of Management” (Thực tiễn quản trị), cuốn sách hay nhất của Drucker về chuyên ngành quản trị. Sắc nét hơn nhiều tuyển tập “Management”, cân bằng một cách tinh tế giữa diễn giải và ví dụ, cuốn sách này vừa thực tế vừa thực sự có chiều sâu trí tuệ. 
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, giá trị lớn nhất của việc đọc Drucker nằm ở việc tiếp xúc bền bỉ với những hoạt động trí tuệ có kỷ luật của ông chứ không đơn thuần là các diễn giải ý tưởng. Ý tưởng, tất nhiên, nhiều và chắc chắn đáng chú ý. Nhưng như Tiến sĩ Johnson (nhà nhân văn vĩ đại của thế kỷ 18) đã hiểu rõ, điều quan trọng thực sự ở sách là việc chúng ta không góp nhặt những ý tưởng lẻ tẻ mà là nắm bắt toàn diện tư tưởng, và từ đó hiểu được tất cả. Với các tác phẩm của Drucker, hãy nắm chắc kỷ luật của trí tuệ.

Thực hiện: Giang Nguyễn (biên dịch)
Ảnh: Shutterstock

vutuan

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/tai-sao-chung-ta-nen-doc-peter-drucker-a625.html