“Giải cứu” nông sản: Cần nhiều giải pháp thiết thực và sáng tạo

Việc giải cứu nông sản là cần thiết nhưng nó mang tính thủ công và đối phó tạm thời. Một giải pháp thiển cận thiếu căn cơ sẽ khiến chúng ta càng luẩn quẩn, bối rối và lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc và nền kinh tế nông nghiệp sẽ mãi ì ạch, không cất cánh lên được.

un-u-o-cua-khau-tan-thanh-1640747104.jpg

Hàng nghìn container chở nông, thuỷ sản ùn ứ dài ngày tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: VnExpress

Thời gian qua, có hàng nghìn tài xế chở nông sản đang bị ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn. Có người đã chầu chực cả một tháng nay mà vẫn chưa được thông quan. Tính toán của Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, với thực tế thông quan mỗi ngày chỉ vài chục xe, tới Tết Nguyên đán mới giải phóng được một nửa số xe ùn tại các cửa khẩu địa phương này.

Như một kiểu “đến hẹn lại lên”, nông dân và nông sản Việt Nam thỉnh thoảng lại vấp cảnh cung vượt quá cầu sinh ùn ứ dư thừa khó tiêu thụ hoặc phải bán tống bán tháo với giá rẻ mạt, thậm chí nhiều khi phải đổ bỏ, để nguyên tại vườn rẫy mà không thèm thu hoạch vì có thu cũng thu lỗ nặng.

Trước tình trạng đó, chính quyền lại kêu gọi các nơi xúm tay “giải cứu” nông sản, nhưng thiết nghĩ, để giải quyết được vấn nạn đó cần nhiều giải pháp thiết thực, sang tạo ở tầm vĩ mô, chiến lược.

Với một đất nước nhỏ bé về các nghĩa, nền kinh tế phần lớn thuần nông lạc hậu và lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như Việt Nam thì dịch bệnh này gây ra tác hại không nhỏ, nhất là với nền kinh tế nông nghiệp. Một khi Trung Quốc ngừng nhập hàng nông sản từ Việt Nam sẽ khiến người nông dân và giới doanh gia khốn đốn. Cả nước lại xúm vô "giải cứu" dưa hấu, giải cứu nông sản.

Bài viết này xin đưa ra vài góp ý vào việc giải cứu nông sản.

Việc giải cứu nông sản là cần thiết nhưng nó mang tính thủ công và đối phó tạm thời. Một giải pháp thiển cận thiếu căn cơ sẽ khiến chúng ta càng luẩn quẩn, bối rối và lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc và nền kinh tế nông nghiệp sẽ mãi ì ạch, không cất cánh lên được.

Tôi nghĩ muốn giải cứu nông sản cần có chiến lược giải pháp vĩ mô có tầm nhìn xa, có hệ thống, đồng bộ, quy mô, căn cơ và hiệu quả.

Chiến lược đó gồm:

1 - Xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết về quy hoạch sản xuất theo vùng, bám sát và phát huy tính bản sắc vùng miền. Không sản xuất tràn lan ồ ạt mang tính tự phát.

2 - Nhanh chóng và kiên quyết áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nền sản xuất nông nghiệp. Mở các lớp, khóa đào tạo về kỹ năng áp dụng khoa học công nghệ cho nông dân để giúp họ sản xuất tốt hơn, tạo ra sản phẩm tốt.

3 - Tìm kiếm mở rộng thêm các thị trường mới cho nông sản. Tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

4 - Siết chặt tiêu chuẩn và quy trình sản xuất nông sản để có sản phẩm tốt, chất lượng, an toàn.

5 - Vạch kế hoạch xây dựng thương hiệu uy tín cho nông sản Việt theo từng mặt hàng. Đẩy mạnh truyền thông quảng báo nông sản ra các khu vực nước ngoài. Tận dụng và khai thác lực lượng đồng bào Việt kiều và doanh nhân Việt kiều để khuếch trương nông sản và tìm đầu mối tiêu thụ từ đó.

6 - Thiết lập một mạng lưới, các kênh phân phối tiêu thụ mua bán nông sản trên toàn quốc mang tính liên kết cao từ nhà nông đến nhà kinh doanh.

7 - Đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông nông thôn để giúp lưu thông hàng hóa tốt từ nông thôn đến thành thị.

8 - Cuối cùng là sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới được chế biến từ nông sản để thu hút người mua.

Nông sản của ta chủ yếu là nông sản thô, nguyên liệu thô, là xuất thô, ít qua chế biến. Trong khi đó sản phẩm chế biến từ nông sản có giá rất cao so với nông sản thô. Lợi nhuận vì thế rất lớn và an toàn hơn cho nền sản xuất nông nghiệp vì đảm bảo được đầu ra.

Tôi từng xem đoạn phim chiếu cảnh người Nhật làm kem từ cà chua, người Indonesia làm kẹo socola cay trộn ớt. Rất nhiều nông sản ở nước ngoài được họ chế biến thành thực phẩm đồ uống đa dạng, như rượu vang, cafe, gạo, sữa, các loại trà..vv. Nhưng chúng ta thì việc sáng tạo ở lĩnh vực này còn hạn chế, ít có.

Gần đây, tôi phấn khởi vui mừng khi đọc báo được biết vua bánh Kao Siêu Lực đã sáng chế ra bánh mì thanh long ruột đỏ, rồi bánh mì thanh long nhân sầu riêng...

Đây là một tín hiệu đáng mừng và đáng suy nghĩ. Rằng chỉ có sự sáng tạo trong sản xuất, lao động để làm ra sản phẩm mới lạ hấp dẫn mới giải cứu chúng ta được mà thôi. Câu khẩu hiệu lúc này là: Sáng tạo hay là... chết!

Và ở "mặt trận" địa hạt sáng tạo này vẫn còn nhiều khoảng trống cần lưu tâm từ Nhà nước, nhà khoa học... và cả cộng đồng. Nếu cần có phong trào thì tôi nghĩ cần sớm hình thành phong trào kinh doanh sáng tạo từ nông sản.

Nguyễn Văn Thịnh

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/giai-cuu-nong-san-can-nhieu-giai-phap-thiet-thuc-va-sang-tao-a6417.html